WHO khuyến cáo về dùng huyết tương trị Covid-19, học sinh thủ đô Philippines trở lại trường

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 266.633.981 ca mắc Covid-19, gồm 429.929 ca mới. Số ca tử vong là 5.276.693 ca, gồm 4.904 ca mới.

Học sinh ở thủ đô Manila, Philippines trở lại trường học.
Học sinh ở thủ đô Manila, Philippines trở lại trường học.

Tại Philippines, một số trẻ em ở thủ đô Manila đã trở lại trường học vào hôm qua (6/12) sau thời gian 2 năm quốc gia này áp dụng một số biện pháp hạn chế Covid-19 khắc nghiệt.

Việc cho HS đeo khẩu trang và ngồi tại các bàn có gắn màn nhựa là một phần của cuộc thử nghiệm tại 28 trường học ở thủ đô. Chính phủ đặt mục tiêu mở trở lại tất cả trường học vào tháng Giêng.

Trong bối cảnh việc tiêm chủng được tiến hành rộng rãi và số ca mắc Covid-19 đang giảm, nhiều bậc phụ huynh hoan nghênh động thái trên một cách thận trọng.

Việc mở cửa trở lại trường học ở khu vực thủ đô là một hoạt động mở rộng thử nghiệm 100 trường ở các khu vực có nguy cơ thấp hơn vào tháng trước. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa vẫn được áp dụng đối với học sinh, chẳng hạn như sĩ số lớp học giới hạn ở 15 để tránh quá đông đúc.

Philippines đã ghi nhận 2,84 triệu ca mắc Covid-19 và gần 44,5 ngàn ca tử vong. Hiện số ca lây nhiễm hàng ngày ở đây đã giảm xuống dưới 1.000 ca kể từ 24/11. Trong khi đó mức cao nhất hồi tháng 9 là trên 20.000 ca mỗi ngày.

Pháp sẽ đóng cửa các câu lạc bộ đêm trước Giáng sinh và thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó với biến thể Omicron mới xuất hiện nhưng không cần áp lệnh phong tỏa và giới nghiêm mới.

Thủ tướng Jean Castex cho biết làn sóng dịch thứ 5 đang tràn qua đất nước, nhưng ông cho rằng khi 52 triệu người đã được tiêm chủng, chiếm 90% số người đủ điều kiện, tình hình đã tốt hơn so với các đợt bùng phát trước đây. Do vậy không cần có các biện pháp quyết liệt để cứu giáng sinh.

Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết sự kết hợp giữa tiêm chủng tăng cường và giãn cách xã hội chặt chẽ hơn sẽ cho phép Pháp tránh được các đợt phong tỏa mới hiện đang được áp dụng ở một số quốc gia châu Âu.

Hôm qua (6/12), WHO khuyến cáo không nên sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh sau Covid-19 để điều trị cho người bị bệnh. Họ cho biết bằng chứng hiện tại cho thấy nó không cải thiện khả năng sống sót cũng như không làm giảm nhu cầu sử dụng máy thở của bệnh nhân. Trước đó có giả thuyết cho việc sử dụng huyết tương với các kháng thể trong đó có thể vô hiệu hóa chủng mới của virus corona, ngăn nó tái tạo và ngăn chặn tổn thương mô.

Một số nghiên cứu thử nghiệm huyết tương của người đã hồi phục không cho thấy lợi ích rõ ràng trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Một thử nghiệm tại Mỹ đã tạm dừng vào tháng 3 sau khi phát hiện ra rằng huyết tương không có khả năng giúp bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình.

WHO cho biết phương pháp này cũng tốn kém và mất thời gian để thực hiện. Khuyến cáo của WHO được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), dựa trên bằng chứng từ 16 thử nghiệm liên quan đến 16.236 bệnh nhân nhiễm Covid-19 không nghiêm trọng, nặng và nguy kịch.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ