Omicron gây nguy cơ tái nhiễm cao gấp 3 Delta, chưa phát hiện ca mắc chuyển nặng

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 264.394.369 ca mắc Covid-19, gồm 666.053 ca mới. Số ca tử vong là 5.248.979 ca, gồm 6.981 ca mới. Số ca đã hồi phục là hơn 238,4 triệu ca.

Người Đức xếp hàng tiêm vắc xin Covid-19.
Người Đức xếp hàng tiêm vắc xin Covid-19.

Một nhóm cơ quan y tế Nam Phi cho biết biến thể Omicron của Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 3 lần so với biến thể Delta hiện tại đang chiếm ưu thế và chủng Beta.

Trung tâm Mô hình hóa và Phân tích Dịch tễ Nam Phi (SACEMA) và Viện các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NICD) cho biết những phát hiện mới nhất “cung cấp bằng chứng dịch tễ học về khả năng né tránh miễn dịch của Omicron dù trước đó đã bị nhiễm dịch”.

Nam Phi đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca mắc trong ngày. Hôm qua, nước này báo cáo 11.535 ca mắc, trong khi 10 ngày trước đó, con số này là 312.

Tuy nhiên, Giám đốc Y tế Paul Kelly của Australia cho biết còn nhiều điều chưa rõ về biến thể Omicron nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy các triệu chứng của nó không nghiêm trọng hơn các biến thể trước. Theo ông Paul Kelly, trong số 300 ca mắc biến thể được chẩn đoán ở nhiều quốc gia, tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Đức hôm qua áp đặt các giới hạn đối với người chưa tiêm vắc xin nhằm tìm cách phá vỡ sự gia tăng mạnh mẽ các ca mắc Covid-19 ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh phát hiện ra chủng Omicron.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm của bà Olaf Scholz đã thống nhất với lãnh đạo của 16 bang nước Đức trong việc cấm người chưa tiêm chủng tiếp cận với mọi doanh nghiệp thiết yếu nhất như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và tiệm bánh.

Họ cũng nhất trí thông qua luật trong quốc hội để tiêm phòng là điều bắt buộc.

Với mong muốn tránh các đợt phong tỏa có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, họ đã để các doanh nghiệp mở cửa cho gần 69% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cũng như những người có bằng chứng phục hồi sau khi mắc Covid-19.

Bà Merkel cho biết “tình hình rất nghiêm trọng” và “số ca mắc đã ổn định nhưng ở mức quá cao.

Nhà chức trách Đức lo ngại làn sóng dịch thứ 4 có nguy cơ áp đảo các đơn vị chăm sóc đặc biệt và hôm qua, nước này có 73.000 ca mắc và 388 ca tử vong mới.

Các nhà virus học đổ lỗi cho đợt bùng phát mới là do một bộ phận đáng kể trong xã hội chống vắc xin và chỉ trích các chính trị gia hành động quá muộn để kiềm chế sự lây lan. Tỷ lệ tiêm chủng của Đức chỉ dưới 70%, xấp xỉ mức trung bình của EU nhưng thấp hơn so với các nước như Bồ Đào Nha và Ireland.

Hôm qua, Cơ quan Y tế Cộng đồng Liên minh châu Âu cho biết biến thể Omicron có thể gây ra hơn một nửa số ca mắc Covid-19 ở châu lục này trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, họ chưa phát hiện ra ca mắc bị bệnh nặng nào trong khu vực.

Đến nay châu Âu ghi nhận 79 ca mắc Omicron, một nửa số ca này không có triệu chứng và nửa còn lại chỉ có triệu chứng nhẹ. Không có trường nào mắc bệnh nặng, nhập viện hoặc tử vong.

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) Andrea Ammon cho biết việc tiêm chủng cho người chưa tiêm và tiêm tăng cường cho người trên 40 tuổi chưa hoàn thành các mũi tiêm là bắt buộc. Bà cho biết các biện pháp giãn cách xã hội, giữ môi trường thông thoáng và làm việc tại nhà nếu mắc Covid-19 cũng đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm lây nhiễm.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ