Vượt sóng mang chữ ra đảo tiền tiêu

GD&TĐ - Ba cô giáo tuổi đời từ 33 - 47 đã viết đơn tình nguyện ra điểm trường thôn đảo Trần dạy học.

Cô trò đảo Trần tại Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Minh Cương
Cô trò đảo Trần tại Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Minh Cương

Vì tình yêu với trẻ nhỏ, cùng mong muốn đóng góp công sức cho đảo xa…, các cô không quản ngại khó khăn, vượt nỗi buồn xa gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ba lần ra đảo dạy học

Đảo Trần - nơi tiền tiêu của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, có vị trí quan trọng với quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo. Đây cũng là điểm xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Năm học 2023 - 2024, điểm trường thôn đảo Trần (Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Lân) có 7 học sinh mầm non và tiểu học cùng 3 cô giáo. Học sinh đều là con em ngư dân tình nguyện ra sinh sống tại đảo; còn 3 cô giáo lần đầu tiên tình nguyện ra dạy học tại đảo Trần.

Cô Phạm Thị Vường (47 tuổi) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí năm 1995 (nay là Trường Đại học Hạ Long) cô về công tác tại Trường Tiểu học Cô Tô. 28 năm gắn bó với nghề, đây là lần thứ 3 cô Vường công tác ngoài đảo, nhưng đảo Trần là nơi xa nhất.

Lần đầu dạy học ngoài đảo từ năm 2001 - 2004, cô Vường luân chuyển từ Cô Tô sang dạy học ở Trường Tiểu học Thanh Lân. “Từ Cô Tô sang Thanh Lân đi đò khoảng 30 phút. Thời điểm này đi lại khó khăn, cả tháng có một chuyến tàu của dân chạy sang Cô Tô, lúc đó mới đi nhờ về được. Ở đây chưa có điện, phải dùng đèn dầu, thỉnh thoảng dân mới dùng máy phát điện lúc chập tối. Chúng tôi tự trồng rau ăn, buổi tối đi soi ốc”, cô Vường nhớ lại.

Sau 3 năm, cô Vường được chuyển về Cô Tô. Đến 24/1/2014, nữ nhà giáo tiếp tục trở lại Trường Tiểu học Thanh Lân công tác đến 15/8/2016 chuyển về Cô Tô. Thời điểm này, tàu bè đi lại đỡ vất vả hơn, nhưng sợ ảnh hưởng thời gian lên lớp nên cô ở lại trường từ thứ 2 - thứ 6, cuối tuần mới về nhà.

Tháng 5/2023, địa phương quyết định lấy giáo viên công tác tại Trường Tiểu học Thanh Lân ra điểm trường thôn đảo Trần dạy học. Tháng 8/2023, nhà trường họp và huy động tinh thần xung phong, cô Vường không ngần ngại viết đơn tình nguyện ra đảo.

Đầu tháng 9, cô Vường và hai đồng nghiệp chính thức công tác tại điểm trường thôn đảo Trần. “Gia đình tôi có 4 người ở 4 nơi, con gái học đại học trên Hà Nội, con trai làm bên Nhật, chồng tôi ở nhà một mình. Trước khi ra đảo Trần, tôi nói chuyện với chồng, con và nhận được sự đồng ý của mọi thành viên. Nhưng điều đắn đo nhất khi ấy là gia đình còn bố mẹ già gần 90 tuổi”, cô Vường nói.

Những ngày đầu ra đảo công tác, cô Vường và đồng nghiệp có chung cảm xúc nhớ nhà, chưa quen với cuộc sống nơi đây. “Ngày 3/9, chúng tôi bước chân lên đảo, được lực lượng vũ trang đóng quân ở đây đón tại cầu cảng rồi vận chuyển giúp đồ dùng.

Về đến trường, ai nấy đều ngỡ ngàng khi người dân cùng bộ đội đang vệ sinh trường, lớp chuẩn bị năm học mới. Chúng tôi vô cùng cảm động bởi sự quan tâm này. Điều đó trở thành động lực để các cô giáo phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ đem chữ đến đảo xa - nơi đầu sóng ngọn gió”, cô Vường chia sẻ.

Cô Vường có nhiệm vụ dạy ghép lớp 1 và 2, mỗi lớp 1 học sinh. Ngoài học chính, ngày nghỉ hoặc buổi tối không bận, cô Vường cho trò lên lớp kèm nên các em tiếp thu nhanh, chữ viết rõ ràng, sạch đẹp.

Điểm trường thôn đảo Trần. Ảnh: Minh Cương

Điểm trường thôn đảo Trần. Ảnh: Minh Cương

Vì tình yêu trẻ nhỏ

Cô Lương Thị Trang (33 tuổi), viết đơn tình nguyện ra đảo Trần công tác đơn giản vì tình yêu dành cho trẻ nhỏ nên muốn đóng góp công sức.

Đầu năm 2012, cô Trang nhận công tác tại Trường Mầm non Cô Tô. Năm học 2022 - 2023, cô tình nguyện xin sang dạy tại Trường Mầm non Thanh Lân, kết thúc năm học, cô tiếp tục làm đơn tình nguyện ra điểm trường thôn đảo Trần.

“Làm đơn tình nguyện ra đảo Trần từ tháng 7/2023, lúc đó tôi nghỉ hè nên có thời gian nói chuyện với 2 bên gia đình nội ngoại, con trai. Mọi người ủng hộ, động viên rất nhiều. Xa gia đình ai cũng nhớ và hướng về, song do đặc thù công việc, đi lại khó khăn nên tôi luôn xác định cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, cô Trang nói.

Những ngày đầu ra đảo khá bỡ ngỡ, nếp sinh hoạt chưa quen nhưng cô Trang nhận được sự quan tâm của các cấp và nhân dân nên vui và yên tâm công tác. Đặc thù mầm non là ăn bán trú, khi còn lạ cô, trẻ gần như không “hợp tác”, sinh hoạt theo thói quen, thậm chí quấy khóc. Cô Trang phải nỗ lực nhiều cách để tiếp cận và làm quen với trẻ. Sau vài ngày, cô trò mới có thể gần gũi, thân thiết; trẻ nghe lời và sinh hoạt dần nền nếp.

Cô Nguyễn Ngọc Biển (35 tuổi) công tác tại Trường Tiểu học Thanh Lân từ năm 2020. Năm nay được ra đảo Trần dạy học cô cảm thấy vui và hạnh phúc. Hiện, cô Biển dạy lớp ghép 3 và 4 với 3 học sinh. Do dạy lớp ghép có trình độ khác nhau nên cô không tránh khỏi những khó khăn trong ngày đầu lên lớp.

“Mới ra đảo, tôi chưa quen và nhớ nhà. Cuộc sống, sinh hoạt thay đổi, nhưng vì tương lai của học sinh nên nỗi buồn của tôi qua nhanh, thay vào đó là mong muốn được cống hiến cho giáo dục, học trò.

Chỉ cần thấy các em chăm chỉ học tập, mạnh khỏe vui chơi là tôi hạnh phúc”, cô Biển chia sẻ và cho biết thêm, từ đảo Trần đi xuồng về Cô Tô mất khoảng 2 tiếng và không có tàu chạy liên tục, mặt khác, nơi đây hay có sóng to nên cấm tàu. Nếu thuê xuồng riêng chạy về Cô Tô mất khoảng 2,5 triệu đồng nên 3 - 4 tháng cô mới về nhà một lần.

Ông Đỗ Văn Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cô Tô cho biết, ba cô giáo tình nguyện ra đảo Trần dạy học với thời gian công tác một năm. Đây là những giáo viên có tư tưởng, đạo đức, phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn vững vàng. “Lãnh đạo huyện có chủ trương và đưa vào kế hoạch, khoảng 2 đến 3 tháng sẽ hỗ trợ các cô một chuyến xuồng về thăm gia đình sau đó đưa quay trở lại đảo”, ông Quang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ