'Vượt sóng' cùng lính đảo

GD&TĐ - Vượt qua bao khó khăn, các cô giáo có chồng là lính đảo đã nỗ lực khéo léo tổ chức cuộc sống gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, lớp...

Cô Lê Thị Ngà cùng chồng con. Ảnh: Lan Anh
Cô Lê Thị Ngà cùng chồng con. Ảnh: Lan Anh

Vợ lính chấp nhận thiệt thòi

“Biết làm vợ người lính sẽ chịu nhiều thiệt thòi nên luôn phải nỗ lực” là tâm sự của cô Nguyễn Thị Vi, giáo viên Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi kể về quãng thời gian 12 năm thay chồng quán xuyến gia đình, chăm sóc hai con ăn học. Chồng cô Vi là Lê Xuân Thanh đang công tác ở đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.

Chồng xa nhà, con nhỏ, cô Vi phải đảm nhận cả 2 vai, vừa là bố, vừa là mẹ. Những lúc chứng kiến các gia đình quây quần bên nhau, nhất là khi sinh nở, con ốm mà không có chồng bên cạnh, cô cũng chạnh lòng. Nhưng để chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng, cô luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa.

May mắn gia đình cô ở gần ông bà nội, ngoại nên sớm tối các cháu quây quần bên ông bà cũng vơi đi nỗi buồn nhất là những ngày Tết. Biết hoàn cảnh của cô Vi, đồng nghiệp tại Trường THCS Tân Định luôn chia sẻ với cô trong công việc. Công đoàn trường luôn động viên, tặng quà cô và gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Cô Vi bộc bạch: “Dù khó khăn vất vả nhưng tôi cũng như những cô giáo có chồng công tác ngoài đảo xa luôn tự hào khi là vợ của lính đảo. Tôi luôn tự hào về chồng, mong muốn được là hậu phương vững chắc, làm động lực tinh thần để các anh vượt qua gian lao thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân đã giao phó”.

Có chồng là anh Chu Văn Thanh, chiến sĩ hải quân công tác 20 năm ngoài biển đảo, cô Lê Thị Ngà, giáo viên Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn xác định, là vợ lính phải mạnh mẽ và can đảm. Bởi mạnh mẽ mới có thể một mình đương đầu với cuộc sống, vừa nuôi dạy con, vừa chăm sóc bố mẹ già.

Cô Ngà tâm sự, là phụ nữ, ai cũng muốn được gần chồng, có chồng bên cạnh, nhất là khi trái gió trở trời. “Con trai mong có bố bên cạnh để tâm sự; mong bố sớm nghỉ hưu để gần gia đình, chơi với con được nhiều hơn. Những lúc ấy, dù mạnh mẽ thế nào, bản thân khó tránh khỏi chạnh lòng”.

Cô Ngà không thể quên cảm giác khi chuẩn bị sinh con thì chồng nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ, đi công tác xa một thời gian dài. Ngày anh đi, mắt hai vợ chồng đỏ hoe, cô không nói được câu gì.

“Cả tháng trời, tôi không giấu nổi cảm xúc mỗi khi có ai đó hỏi thăm. Sinh con rồi nuôi con nhỏ, tôi đếm từng ngày, từng ngày con lớn lên. Đó cũng là những ngày tôi đếm đợi anh về. Ông bà nội, ngoại ở xa nên mỗi khi con ốm, đau, tôi lại một mình lo toan, sắp xếp công việc. Lần ấy anh đi 2 năm, về nhà được ít ngày lại nhận nhiệm vụ mới”, cô Ngà kể.

Niềm vui của hai mẹ con là sự chờ đợi những chuyến anh Thanh về phép và cuộc điện thoại vào ngày nghỉ. Sự chờ đợi để gặp nhau trôi rất nhanh nhưng sự chờ đợi mỗi lần chồng đi công tác đặc biệt thì thật khó tả. Chồng đi đột xuất, lênh đênh trên biển, cô như ngồi trên đống lửa. Chỉ đến khi nhận được điện thoại của chồng, cô mới thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Cô Nguyễn Thị Vi - giáo viên Trường THCS Tân Định. Ảnh: Lan Anh

Cô Nguyễn Thị Vi - giáo viên Trường THCS Tân Định. Ảnh: Lan Anh

Cùng sẻ chia

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng nữ nhà giáo của ngành Giáo dục Thủ đô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cô đã thay chồng chăm sóc cha mẹ già và các con nhỏ. Không chỉ quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt nhiều thành tích trong công tác.

Cô Phạm Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định cho biết: Những năm qua, cô Nguyễn Thị Vi luôn gương mẫu trong hoạt động của nhà trường, được phụ huynh yêu mến, học sinh kính trọng. Là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, cô Vi luôn đem những bài giảng về Trường Sa đến học sinh, giáo dục các em tình yêu đất nước, biển đảo của Tổ quốc.

Còn cô Lê Phương Dung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Diễn tự hào kể về đồng nghiệp của mình: Ở Trường Phúc Diễn, cô Lê Thị Ngà luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ những ngữ liệu về Trường Sa, bài giảng của cô Ngà luôn cuốn hút, giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Qua đó, học sinh thêm quyết tâm học tập, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành.

Chia sẻ về sự đóng góp, nỗi niềm nơi hậu phương của những người lính gìn giữ biển đảo, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho rằng, tình cảm, sự quan tâm chia sẻ của hậu phương, từ những người vợ ở quê nhà chắc chắn là nguồn động viên, động lực và tiếp lửa cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám biển.

Trong những người vợ đó có cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong ngành GD-ĐT Hà Nội. Các cô đã thay chồng chăm sóc cha mẹ già và con thơ. Không chỉ quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô còn đạt nhiều thành tích nổi bật trong quá trình công tác như danh hiệu giáo viên dạy giỏi, cô giáo tài năng duyên dáng, danh hiệu giỏi việc trường - đảm việc nhà, cô giáo người mẹ hiền...

Những cơn sóng dữ, những ngày nắng cháy da hay đêm bão tố gầm gào, nỗi nhớ gia đình... không làm chùn bước tất cả cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển đảo. Với họ, hậu phương vững chắc là động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió. Các anh đã và sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ