Trần Tú Lan cho biết, “cú sốc” đầu tiên là cách học và cách dạy ở ngôi trường mà em theo học. Khác hẳn với lớp học ở Việt Nam, các dãy bàn trong lớp học của Lan được bố trí theo kiểu từng nhóm. Thường mỗi nhóm 5 học sinh cùng thảo luận và đưa ra quan điểm của mình về một vấn đề mà giáo viên đưa ra. Vì chưa quen với cách học này nên Lan khá lúng túng khi được giáo viên gọi tên yêu cầu trình bày. Lan cho biết: “Nếu học mà không có tinh thần phản biện thì coi như năng lực học tập không cao. Điều đó thật khác so với lớp học ở Việt Nam”.
Cái “sốc” thứ 2 là trong lớp học của Lan có nhiều bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Lan phải mất 2 tuần mới có thể làm quen và trò chuyện được với các bạn trong lớp.
Cái sốc tiếp theo là về thời gian. Buổi trưa, Lan chỉ có 30 phút để ăn, sau đó tiếp tục vào giờ học chứ không được ngủ trưa như ở Việt Nam. “Em không biết nên chưa kịp ăn xong bữa trưa thì đã phải đứng dậy. Vào lớp lại buồn ngủ híp mắt lại do đêm trước ngủ trễ. Thêm nữa, đồ ăn không hợp khẩu vị, không có rau luộc và cơm như ở nhà nên em không ăn được. Nhiều ngày em học trong cơn đói bụng”, Lan cho biết.
Tuy nhiên, sau một thời gian Lan đã thích nghi và đã hòa nhập được với môi trường học tập, văn hóa, bạn bè, thực phẩm… nơi xứ người.
"Chính những thử thách tại các vị trí mới và việc tự học tại ĐH ở đây đã giúp em rèn luyện khả năng quản lý thời gian cũng như sự chủ động trong việc tạo mối quan hệ với các giáo sư trong ngành để học tập, làm việc tốt hơn”, Phương Uyên chia sẻ.
Những bài học vô giá
Trần Khánh Linh (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Texas at Dallas, Mỹ) đưa ra lời khuyên: “Bạn cần tìm hiểu rõ môi trường học tập, các nguyên tắc mà giáo dục Mỹ yêu cầu. Ví dụ, học ở đây bạn không bao giờ được sao chép tài liệu trong các bài thi của mình. Nếu bị phát hiện thì bị cho điểm F ngay lập tức. Hoặc nếu nặng hơn sẽ bị đuổi học. Mình từng chứng kiến một sinh viên Trung Quốc bị đuổi học vì sao chép tài liệu. Bạn cũng không được phép tặng quà riêng cho giảng viên chấm thi cho mình, nếu bị phát hiện giảng viên cũng bị đuổi việc”.
Trần Tú Lan thì cho rằng, những trải nghiệm ngày đầu ở nước ngoài đã giúp cô rút ra bài học: Trong lớp học, cứ thoải mái nêu chính kiến của mình, đừng ngại ngùng, e dè, che giấu. Ai cũng có một cá tính riêng cần được tôn trọng. “Và nhất định bạn phải biết cách ăn uống, ngủ nghỉ, sắp xếp thời gian hợp lý, quản lý chính mình… vì bạn không có ba mẹ ở bên để trợ giúp như khi ở nhà”, Tú Lan chia sẻ.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, chuyên gia giáo dục Úc, SACE College Việt Nam, cho rằng để bước sang một môi trường hoàn toàn mới, người học phải có những bước chuẩn bị lâu dài. Trước tiên là về mặt tâm lý. “Khi sống xa gia đình, các em phải tự chăm sóc bản thân và sắp xếp việc học hành và sinh hoạt cá nhân, thậm chí cả chi phí sinh hoạt. Do được bố mẹ chăm từ bữa cơm đến việc học khi còn ở nhà, nhiều học sinh không thể quản lý được thời gian và điều chỉnh cuộc sống của mình dẫn đến bị mất kiểm soát”, chị Cúc Hà nhìn nhận.
Ngoài ra, khi mới bước chân vào môi trường học tập ở nước ngoài, bạn trẻ phải vất vả để thích nghi với phương pháp học tập mới, đòi hỏi những kỹ năng như nghiên cứu, phản biện, viết bài luận, làm việc nhóm. Những kỹ năng này phải được làm quen, rèn luyện từ một quá trình lâu dài.