Vượt qua khó khăn khi dạy - học từ đồng âm, đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa

GD&TĐ - Trong quá trình dạy học, cô Lưu Thị Hồng Hải - Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) nhận thấy nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc phân biệt từ đồng nghĩa, từ đồng âm và từ nhiều nghĩa.

Vượt qua khó khăn khi dạy - học từ đồng âm, đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa

Hướng dẫn học sinh nhận diện chính xác từ đồng âm, từ đồng nghĩa và từ nhiều nghĩa

Để làm được điều này, cô Lưu Thị Hồng Hải chia sẻ: Giáo viên có thể dùng thước gạch chân những từ ngữ quan trọng trong định nghĩa từ đồng âm, đồng nghĩa và giải thích rõ bằng ví dụ.

Cụ thể: Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Ví dụ: Siêng năng, chăm chỉ, cần cù; tổ quốc, non sông, đất nước...

Điểm khác với từ đồng âm là: Từ đồng nghĩa mặc dù âm thanh phát ra không giống nhau nhưng về mặt ý nghĩa thì giống nhau hoặc gần giống nhau.

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.

Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và nhiều nghĩa chuyển.

Giáo viên cũng có thể dùng tranh ảnh vật thật để minh hoạ cho từ nhằm giúp các em hiểu đúng nghĩa và phân biệt được từ.

Ví dụ: Để phân biệt nghĩa từ đồng trong ví dụ: Cánh đồng - tượng đồng - một nghìn đồng, giáo viên đưa bức ảnh chụp cánh đồng, một pho tượng làm bằng đồng và tờ tiền một nghìn đồng cho học sinh xem để học sinh nắm nghĩa của các từ đồng âm này.

Ngoài ra, nhận diện chính xác từ đồng âm, từ đồng nghĩa và từ nhiều nghĩa, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đặt từ vào văn cảnh để hiểu đúng nghĩa của từ.

Đồng thời, bản thân nên dùng sổ tay tự tích lũy ghi chép các khái niệm và một số từ đồng nghĩa, từ đồng âm và từ nhiều nghĩa trong cuộc sống hàng ngày để có thêm vốn từ.

Hướng dẫn học sinh phân biệt từ đồng nghĩa, từ đồng âm và từ nhiều nghĩa

Phân biệt từ đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng âm chỉ dựa vào định nghĩa là chưa đủ. Đứng trước thực tế đó, cô Hải đã mở rộng thêm cho học sinh một số kiến thức sau:

Thực tế học sinh thường nhầm lẫn giữa từ đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng âm và không nắm được nghĩa của chúng bởi vì định nghĩa về từ đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng âm chưa đầy đủ dẫn đến sự khó khăn cho học sinh trong việc nhận diện.  

Từ đồng nghĩa: Bản chất của từ đồng nghĩa (tính ở mức độ của từ đồng nghĩa)

Khả năng hoạt động tác động đến sự di chuyển của các sự vật có các từ: ném, lao, phóng, quăng, vứt, xán xô, đẩy liệng, tống đạp, đá, nhấn, dìm, kéo, dật, rút, gieo, rắc, vãi, trút, xoay, quay, gồng, gánh...

Căn cứ vào chiều di chuyển để chia ra các nhóm đồng nghĩa: Di chuyển ra xa chủ thể (ném, phóng, lao...); di chuyển gần lại (lôi, kéo, co, giật, rút..); di chuyển quay xung quanh chủ thể (xoay, quay...); di chuyển cùng chủ thể (Gồng, gánh, bưng, đội, cõng...)

Các từ trong từng nhóm có mức độ đồng nghĩa cao hơn so với các từ trong các nhóm khác .

Bản chất của từ đồng nghĩa là những từ đồng nhất với nhau về nghĩa nhưng có tính mức độ. Tính mức độ này là do các từ ngoài sự đồng nhất thì có sự khác biệt nhất định về sắc thái nghĩa .

Ví dụ: Về trạng thái chấm dứt sự sống: chết, hi sinh, tử, mất; về hiện tượng hấp thụ thức ăn: Tống, hốc, tọng, ăn...

Khi phân tích từ đồng nghĩa có hai thao tác, đó là chỉ ra sự giống nhau và khác nhau. Nhưng quan trọng là phải chỉ ra được sự khác nhau về sắc thái .

Ví dụ 1: Quả, trái - giống nhau: Sản phẩm của cây trong một thời kì sinh trưởng nhất định (quả mít/trái mít)

Khác nhau: Quả gợi tính hình khối, tròn, treo lủng lẳng, trái toát ra sắc thái tình cảm, trân trọng, nâng niu, yêu thương,...(quả tim/trái tim;quả trứng/trái trứng)

Các từ đồng nghĩa khác nhau về sắc thái biểu cảm, ví dụ: Cho, biếu, tặng: Cho có sắc thái trung hòa, Biếu có sắc thái kính trọng, tặng có sắc thái thân mật.

Do có sự khác nhau về sắc thái nghĩa và sắc thái biểu cảm nên cách dùng các từ đồng nghĩa khác nhau. Hay nói cách khác, các từ đồng nghĩa không phải bao giờ cũng thay thế cho nhau được, chúng đồng nghĩa với nhau vì chúng vừa giống nhau vừa khác nhau .

Để giúp học sinh phân biệt được là từ nhiều nghĩa hay là từ đồng âm cần giúp học sinh xác định quan hệ về các nét nghĩa chính xác (đối với từ nhiều nghĩa), nếu loại trừ được có quan hệ về nghĩa đó là từ đồng âm còn ngược lại nếu đồng âm nhưng có quan hệ về các nét nghĩa nữa thì đó là từ nhiều nghĩa.

Hiện tượng đồng nghĩa không tách rời hiện tượng đa nghĩa, đó là nguyên nhân của tính mức độ. Các từ đồng nghĩa với nhau không phải đồng nghĩa về toàn bộ dung lượng nghĩa của nó mà chỉ đồng nghĩa ở một nghĩa nào đó mà thôi.

Với từ đồng âm, cô Hải đã làm rõ, đi sâu vào hoạt động của từ đồng âm. Cụ thể: Tạo ra những văn cảnh trong đó có nhiều từ đồng âm xuất hiện (Con ngựa đá con ngựa đá; con ngựa đá không đá con ngựa);

Tạo ra những ngữ cảnh đan xen nhau trong đó có một yếu tố nào đó được hiểu gấp đôi (Bà già đi chợ cầu đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/ Thầy bói gieo quẻ nói rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng không còn);

Tạo ra những ngữ cảnh trong đó chỉ có một yếu tố đồng âm xuất hiện nhưng nó lại được đi kèm với yếu tố khác, có tác dụng nhắc gợi nhau (Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ ra);

Tạo ra ngữ cảnh trong đó chỉ có một yếu tố đồng âm xuất hiện được trong quan hệ với các yếu tố đồng nghĩa (Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia)...

Với từ nhiều nghĩa, cô Lưu Thị Hồng Hải đi sâu vào cơ cấu của từ. Các từ lúc mới xuất hiện đều chỉ có một nghĩa, trải quan thời gian có thêm nhiều nghĩa mới (nghĩa phái sinh, nghĩa bóng) được tạo ra từ nghĩa cơ sở (nghĩa gốc, nghĩa đen) đó, trên cơ sở những biểu tượng nhất định.

Biểu tượng làm hình ảnh về hình dáng, kích thước, đặc điểm, tính chất của sự vật được phản ánh trong ngôn ngữ trong nghĩa gốc của từ dưới dạng các nét nghĩa trở thành cơ sở để tự phát triển thêm nghĩa mới.

Nhờ vào quan hệ liên tưởng tương đồng (ẩn dụ) và tương cận (hoán dụ) người ta liên tưởng từ sự vật này đến sự vật kia trên những đặc điểm, hình dáng, tính chất giống nhau hay gần nhau giữa các sự vật ấy.

Từ chỗ gọi tên sự vật, tính chất, hành động này (nghĩa 1) chuyển sang gọi tên sự vật, tính chất, hành động khác nghĩa (nghĩa 2), quan hệ đa nghĩa của từ nảy sinh từ đó .

Như vậ,y muốn phân tích được nghĩa của từ đa nghĩa, trước hết phải, miêu tả thật đầy đủ các nét nghĩa của nghĩa gốc để làm cơ sở cho sự phân tích nghĩa.

Dạy các nội dung về nghĩa của từ thực sự không đơn giản, nhất là phân biệt từ đồng nghĩa, từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. 

Trong quá trình giảng dạy, tổ chức cho học sinh nắm được kiến thức, bản thân tôi cũng đã cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và lựa chọn sao cho học sinh nắm kiến thức mới và vận dụng trong học tập cũng như trong cuộc sống một cách hiệu quả.

Để giúp học sinh phân biệt và làm đúng được yêu cầu của bài tập về từ đồng nghĩa, từ đồng âm, từ nhiều nghĩa, trong quá trình dạy học người giáo viên cần:

Giúp học sinh xác định rõ các đặc điểm, cấu tạo của chúng về hình thức và bản chất

Khi dạy các bài về từ đồng nghĩa, từ đồng âm, từ nhiều nghĩa giáo viên cần bổ sung định nghĩa về từ nhiều nghĩa nữa là : “Là từ dùng một hình thức âm thanh biểu thị nhiều ý nghĩa ,....chúng lập thành một trật tự, một cơ cấu nghĩa nhất định".

Phần từ đồng âm và từ nhiều nghĩa có nhiều từ học sinh dễ nhầm lẫn và khó xác định là đồng âm hay nhiều nghĩa giáo viên cần giúp các em nhấn mạnh ở khái niệm về từ đồng âm:

Chúng giống nhau là có hình thức âm thanh giống nhau nhưng đối với từ đồng âm thì nghĩa của từ hoàn toàn khác nhau; còn từ nhiều nghĩa thì ý nghĩa của các từ đó có quan hệ với nhau. Giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh phân biệt nghĩa sau đó mới đưa ra kết luận.

Tạo mọi điều kiện giúp học sinh được bộc lộ cách hiểu của mình về từ nhiều nghĩa và từ đồng âm.

Qua các bài tập học sinh thực hành về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa giáo viên cần cho các em tự kiểm tra, kiểm tra lẫn nhau về kết quả mình đã làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ