Đề xuất đổi mới nội dung chương trình tiếng Việt tiểu học sau 2015

GD&TĐ - Cho rằng, chương trình Tiểu học năm 2000 vẫn còn có một số hạn chế nhất định, ThS Phan Thị Quỳnh Như và ThS Nguyễn Tấn Kiệt (Trường CĐSP Kiên Giang) đã có những đề xuất nhỏ đổi mới nội dung chương trình Tiếng Việt ở tiểu học sau năm 2015.

Đề xuất đổi mới nội dung chương trình tiếng Việt tiểu học sau 2015

Bài dạy học cần có mục tiêu cần đạt, chủ điểm hấp dẫn

Mục tiêu cần đạt trong mỗi bài cần được trình bày rõ ràng trước nội dung dạy học sẽ giúp giáo viên (GV) và học sinh (HS) nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. 

Nếu HS tự mình thấy chưa đạt mục tiêu trong bài học sẽ tự điều chỉnh cách học hoặc xem lại thêm ở nhà để hoàn thiện việc học của bản thân.

ThS Phan Thị Quỳnh Như 

Chủ điểm dạy học cần phong phú, đa dạng để GV và HS thích thú khám phá hơn. 


Riêng ở nội dung chủ đề nói hoặc viết ở phân môn Tập làm văn, người biên soạn SGK cần thiết kế linh hoạt “mềm hóa” tính đến đặc điểm đối tượng, địa phương,.để mỗi GV ở mỗi nơi có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Ngữ liệu cần có sự chọn lọc

Chương trình Tiếng Việt tiểu học cần có nội dung ngữ liệu phù hợp với tư duy của HS. Riêng chương trình Tiếng Việt 1, SGK nên có nhiều bài đồng dao để các em dễ nhớ, dễ thuộc vì chúng gần gũi và phù hợp với trẻ.

Để tránh môn học không bị cắt khúc do ngữ liệu SGK đưa ra là quá dài, người biên soạn SGK cần chọn lựa bài có dung lượng vừa đủ trong một đơn vị bài học. Điều đó khiến giờ học văn của HS không bị gián đoạn, tư duy hình tượng được phát triển theo dòng chảy cảm xúc.

Chúng ta không thiếu những tác phẩm hay của nhiều nhà văn đương đại. Vì thế, ngoài những tác giả quá quen thuộc như Trần Đăng Khoa, Tố Hoài, Tố Hữu,.. nhà biên soạn SGK cần thêm những tác giả khác.

Nhiều em HS hiện nay tích cực tham gia viết văn trên các báo Tiền Phong, Nhi đồng,… Nên chăng, ta chọn lọc kĩ những bài viết hay của chính lứa tuổi của các em để đưa vào chương trình? Dĩ nhiên, những bài viết đó cần mang tính nhận thức, tính thẩm mĩ và tính giáo dục.

Cần nói thêm, khi chọn lựa văn bản đưa vào chương trình SGK, ta cũng tính đến ngôn từ trên phương diện ngữ âm, văn phong ở mỗi vùng miền sao cho cân đối và phù hợp. Trên thực tế, số lượng tác phẩm ở phân môn Tập đọc, Chính tả rất ít ỏi những nhà văn trong Nam.

Các phân môn tránh trùng lặp ngữ liệu và tranh vẽ minh họa phù hợp

Đề xuất đổi mới nội dung chương trình tiếng Việt tiểu học sau 2015 ảnh 2ThS Nguyễn Tấn Kiệt 

Chủ điểm tích hợp cần tạo cho GV và HS sự hứng thú trong dạy và học, tránh trùng lặp về ngữ liệu ở các phân môn: Tập đọc - Kể chuyện - Chính tả.

Tư duy của trẻ là tư duy trực quan hình ảnh, vì thế, khi minh họa tranh cần chính xác và sinh động kích thích người học khám phá thế giới xung quanh.

Chú thích, giải nghĩa từ cần chuẩn xác

Ngôn ngữ và tư duy là hai mặt của một tờ giấy. Vì thế, chú thích, giải nghĩa từ có tác dụng cho HS hiểu nghĩa của từ và từ đó biết cách sử dụng đúng từ trong hoạt động học tập và giao tiếp.

Ở phân môn Tập đọc, phần chú thích và giải nghĩa, SGK Tiếng Việt (từ lớp 2 - 5) đều viết hoa chữ cái đầu của các tiếng. Vì thế, đề nghị SGK khi chú thích và giải nghĩa từ ngữ tránh viết hoa.

Ngoài ra, ở phân môn Luyện từ và câu, Tập đọc, người biên soạn không nhất thiết giải nghĩa đầy đủ tất cả các từ mà một số từ ngữ nên để khuyết và yêu cầu HS làm việc ở nhà với Từ điển bằng cách tra cứu từ nhằm nâng cao tính tích cực cho người học.

Trên thực tế, HS tiểu học rất ít sử dụng từ điển để hiểu nghĩa từ, mở rộng vốn từ mà phần nhiều chỉ là đối tượng GV và phụ huynh HS - mà HS lại là chủ thể của hoạt động dạy học.

Hệ thống câu hỏi hướng đến sự phát triển tư duy cho người học

Hệ thống câu hỏi ở phần Tìm hiểu bài trong phân môn Tập đọc cần phát huy khả năng tư duy của HS theo bậc thang nhận thức.

Câu hỏi trong thiết kế cần đảm bảo ở hai mức độ: Tái hiện và đánh giá/ sáng tạo để phát huy năng lực tư duy cảm thụ, sáng tạo trong học văn của HS.

Bên cạnh đó, câu hỏi thiết kế cần hay và phù hợp, tránh đánh đố, không quá dễ mà cũng không quá khó.

Cách thiết kế câu hỏi trong bài học như đề nghị sẽ giúp HS phát huy tốt nhất kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ trong học giờ Tập đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ