Giáo viên còn gặp khó khăn với phương pháp mới
Nhiều năm giảng dạy ở Trường tiểu học số 2 thị trấn Mường Tè, cô giáo Bùi Thị Là cho biết, nhìn chung giáo viên đều rất coi trọng giờ dạy học Tiếng Vệt - Công nghệ giáo dục lớp 1.
Tuy nhiên, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn với phương pháp mới, nhận thức của học sinh không đồng đều. Một số học sinh chưa biết hết nghĩa của một số tiếng phổ thông, một số em tiếp thu chậm, nghe viết kém, viết hay nhầm lẫn.
Với một số nội dung cụ thể như nghe đọc câu phát hiện tiếng giống nhau khác nhau để vẽ mô hình tô cùng màu, học sinh khó tìm và tìm còn chậm. Cách đọc âm /q, gi/ có sự khác nhau so với dạy nhận biết chữ ở mầm non.
Khi đọc những âm, vần như: r/d/gi; uau, uêu, uyu, oao, oeo, uym, uyp,... học sinh còn gặp khó khăn, đọc thường bị vấp, phát âm hay nhầm...
Cô Bùi Thị Là cũng cho biết, học sinh lớp một thường phát âm sai các âm cơ bản như: t, th, kh, p, ph, qu; âm th (thờ) phát âm sai là (hờ), gi (giờ) phát âm sai là (di ); kh (khờ) phát âm sai là (đờ ); t (tờ) phát âm sai là (cờ); p (pờ) phát âm sai là (bờ), ph (phờ) phát âm sai là (hờ)...; phát âm lẫn lộn giữa các âm: l - n, ch- tr, s - x, r - g, v- b,t - c...
“Qua nhiều năm dạy học lớp 1, tôi nhận thấy các em chưa để ý đến việc đọc của mình như thế nào. Khi phát âm, học sinh còn hay ngắt giọng để lấy hơi một cách tuỳ tiện . Học sinh tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng, phần lớn chỉ biết bắt chước cô một cách tự nhiên” - cô Bùi Thị Là cho hay.
Để có giờ Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1 đạt kết quả tốt người giáo viên phải nắm được đặc điểm tâm sinh lý của học sinh mình nắm được đặc điểm yêu cầu, bản chất kỹ năng cơ chế mục đích cần đạt được của tiết dạy tập đọc. Trên cơ sở đó sử dụng phương pháp cho phù hợp.
Biện pháp rèn kỹ năng học tốt môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục
Để thực hiện tốt môn Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục, cô Hoàng Thị Minh Lan cho rằng, người giáo viên cần phải nghiên cứu kĩ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của chương trình Tiếng Việt công nghệ giáo dục lớp 1 cũng như mục đích yêu cầu, nội dung, phương pháp dạy học phần âm của từng bài dạy. Đặc biệt, phải thực hiện đúng theo quy trình của thiết kế Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục.
Để học sinh nắm chắc ác bài học về phần âm là vô cùng quan trọng, nên bước đầu giáo viên cần cung cấp cho học sinh các kĩ năng: Làm quen với môi trường học tập, với thầy cô, bạn bè, biết sử dụng các đồ dùng học tập, biết nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhẹn…
Về kiến thức, các em phải nắm chắc: Tiếng gồm 2 phần (phần âm đầu và phần vần); biết đánh vần theo cơ chế 2 bước, dùng thao tác và đọc theo 4 mức độ; biết vẽ mô hình 2 phần của tiếng, đưa tiếng vào mô hình; biết phân biệt nguyên âm và phụ âm; biết tạo ra các tiếng mới bằng cách thay phụ âm đầu hoặc các dấu thanh trong tiếng việt; biết nghe đọc và viết đúng, đẹp các tiếng đã học.
Trước giờ lên lớp, giáo viên cần nghiên cứu kỹ sách học sinh, giáo viên và tìm hiểu nội dung bài đọc trong chương trình lớp 1 học...
Giáo viên nắm vững chất lượng học tập của học sinh, từ đó có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học.
Khi học xong tiết Tiếng Việt hình thành kiến thức các em phải nắm vững được các kiến thức trong bài học, giáo viên điều tra xem bao nhiêu học sinh trong lớp có thể làm được bài, từ đó có hướng luyện cho các học sinh còn hổng kiến thức.
Trong giờ học Tiếng Việt, để giờ học bớt căng thẳng, giáo viên cần tổ chức thêm một số trò chơi giữa tiết và cuối tiết.
Với những lỗi phát âm cơ bản, trước hết, giáo viên phải phát âm chuẩn, sau đó, vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp và hình thức sửa lỗi phát âm.
Giáo viên có thể sử dụng phương pháp luyện tập theo mẫu: Giáo viên phát âm chuẩn, rõ ràng, thật chậm từ 2 - 3 lần, sau đó cho học sinh phát âm sai phát âm lại. Phương pháp quan sát và phân tích cách phát âm:
Giáo viên quan sát phát hiện học sinh phát âm sai; nói rõ nguyên nhân phát âm sai bằng cách chỉ ra cách sử dụng các bộ phận phát âm không đúng của các em. Sau đó, giáo viên mô tả cách phát âm, như: Nêu rõ vị trí đặt lưỡi, vị trí của lưỡi với răng, độ mở của môi...
Phương pháp luyện tập tổng hợp: Phân tích các thành phần và âm vị mắc lỗi để học sinh nhận diện (đối với các âm ghép như: th, nh, ch, kh, ph, gh, ng,tr)
Đưa vào trong ngữ cảnh để khu biệt nét nghĩa cho học sinh có ý thức phân biệt âm đúng âm sai (đối với các âm dễ lẫn lộn như l-n, s-x, tr-ch, r-g, gi-d-v)
Phương pháp tổ chức trò chơi học tập: Giáo viên thay đổi các trò chơi hấp dẫn để thu hút sự chú ý học sinh giúp các em tiếp thu bài tốt hơn.
Để dạy tốt môn Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục phần âm có hiệu quả cao, theo cô Hoàng Thị Minh Lan, giáo viên cần làm tốt các quy trình 4 việc và vận dụng phù hợp các hình thức tổ chức dạy học trong từng tiết học một cách hiệu quả nhất.
Đồng thời, sử dụng một số phương pháp dạy học như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp phân tích mẫu, phương pháp hỏi đáp, phương pháp trực quan… kết hợp với nhiều hình thức dạy học như: Học theo lớp, nhóm; cá nhân,...
Giáo viên luôn yêu cầu học sinh thực hành và rèn luyện kỹ năng đọc, viết; lưu ý trang bị cho học sinh kiến thức từ thấp đến cao.
Để làm được điều này, người giáo viên chỉ nhiệt tình giảng dạy là không đủ mà còn phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; phải biết kích thích lòng say mê học tập của các em, đồng thời lưu ý đến điều kiện thực tế ở mỗi lớp, mỗi trường.