Kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Vượt gian khó theo đuổi dòng chảy thông tin

GD&TĐ - Trong hành trình 65 năm của Báo GD&TĐ, nhiều phóng viên trẻ cùng với đồng nghiệp luôn nỗ lực vượt khó để cung cấp thông tin, phục vụ bạn đọc.

Phóng viên Trần Đức Hạnh và Đàm Thị Phương Thảo. Ảnh: NVCC
Phóng viên Trần Đức Hạnh và Đàm Thị Phương Thảo. Ảnh: NVCC

Biết ơn sự bao bọc của đồng nghiệp

Trần Đức Hạnh - phóng viên của Báo GD&TĐ thường trú tại tỉnh Yên Bái, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ do cơn bão số 3 (Yagi). Ngày 9/9, mưa to đổ xuống Yên Bái khiến 9/9 huyện/thị, thành phố của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đây có lẽ là kỷ niệm khó quên của nam phóng viên trẻ trên hành trình làm báo.

Ngày hôm đó, Hạnh vừa hoàn thành xong tin bài gửi về tòa soạn cũng là lúc nước lũ dâng lên nhanh chóng. Chỉ 30 phút, nước đã cô lập nhiều nơi và dâng cao quá tầng 1 nơi anh ở trọ. Khi đó, anh chỉ kịp di chuyển lên tầng 2 để đảm bảo an toàn. Phòng trọ cùng toàn bộ tài sản cá nhân như máy ảnh, đồ gia dụng, phương tiện di chuyển… đều bị ngập nước và hư hại.

Điện mất, nước rút chậm, lúc này nhiều phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại Yên Bái cũng bị nước cô lập. Một ngày sau khi nước rút, Hạnh mới có thể nhờ người mang điện thoại đi sạc pin. Mở điện thoại, anh nhận được hàng chục cuộc gọi từ anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan, gia đình, bạn bè… hỏi thăm tình hình, động viên và hỗ trợ mọi mặt.

“Tôi yên tâm công tác bởi tòa soạn luôn ở bên cùng những lời động viên vượt qua khó khăn. Đặc biệt, Tổng Biên tập Triệu Ngọc Lâm đã trích tiền riêng hỗ trợ tôi mua lại những thiết bị phục vụ tác nghiệp bị hư hại. Cùng với đó, Công đoàn Báo GD&TĐ, Chi hội Nhà báo cũng chung tay chia sẻ để tôi khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra. Mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên… đã ủng hộ một ngày lương để tôi được tiếp thêm động lực tiếp tục công tác.

Đặc biệt, có những anh, chị, em đồng nghiệp dù chưa từng gặp mặt nhưng cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ tôi. Nhiều bạn đồng nghiệp nhiều cơ quan báo chí cũng nhiệt tình san sẻ khó khăn để tôi nhanh chóng thay thế những tài sản hư hại trong mưa lũ”, phóng viên Trần Đức Hạnh xúc động kể.

Nam phóng viên bày tỏ: Sự bao bọc, đồng hành, sẵn sàng chia sẻ của tòa soạn, đồng nghiệp với phóng viên thường trú bị ảnh hưởng thiên tai khiến bản thân thấy ấm lòng, có động lực lớn để tiếp tục công việc. Sự nhân văn, lòng tương thân tương ái của cơ quan, đồng nghiệp thật đáng trân quý và tự hào. Dù còn nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng anh và nhiều đồng nghiệp sẽ tiếp tục bám trụ, vượt khó để tiếp nối dòng chảy thông tin, phục vụ bạn đọc.

Kỷ niệm khó quên

vuot-gian-kho-theo-duoi-dong-chay-thong-tin-2.jpg
Ngô Chuyên và chuyến tác nghiệp đáng nhớ tại Lạng Sơn mùa Đông năm 2023. Ảnh: NVCC

Trong thiên tai nguy cấp, cùng với các lực lượng chức năng, phóng viên thuộc Văn phòng đại diện khu vực Việt Bắc của Báo GD&TĐ được phân công bám sát địa bàn 4 tỉnh Đông Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Phóng viên Đàm Thị Phương Thảo thường trú tại tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, hoàn lưu sau bão đã gây lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng tại một số huyện, thành phố. Mưa bão và ngập lụt khiến giao thông bị chia cắt, mất điện, không có sóng điện thoại và Internet. Với tinh thần trách nhiệm của người làm báo, chị Thảo đã cố gắng khắc phục bằng mọi cách để có thông tin sớm nhất về những thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả mưa bão của người dân, các trường học tới độc giả.

Bám sát thông tin lũ lụt trong các ngày từ 9 - 11/9, nữ phóng viên tận mắt chứng kiến những cánh đồng trơ trọi, xác xơ nhuốm màu đất bùn vàng sệt, những ngôi nhà ngập sâu trong dòng nước xiết, nhiều cung đường bị sạt lở. Sau mưa lũ là hình ảnh chính quyền cùng người dân khẩn trương giúp nhau thu dọn, sửa sang lại nhà cửa và cố lần tìm trong bùn đất, vớt vát chút tài sản bị đổ nát sau lũ…

Thế nhưng, những ngày mưa lũ cũng là thời điểm người dân, chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung phát huy tinh thần “tương thân tương ái” chung tay góp sức để giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Sức mạnh của sự đoàn kết của từng cá nhân, gia đình, khu phố, làng mạc và trong cộng đồng đã được nhân lên gấp bội.

“Nghề báo, chẳng có chuyến đi nào giống nhau, cảm xúc trong mỗi chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp cũng khác. Chúng tôi hy vọng, những đóng góp nhỏ bé của mình không chỉ lan tỏa thông điệp nhân văn, nhiều hình ảnh đẹp mà mỗi bài viết sẽ trở thành cầu nối để bạn đọc chia sẻ với chính quyền, người dân, giúp họ sớm vượt qua mất mát, khó khăn để ổn định cuộc sống”, nữ phóng viên Đàm Thị Phương Thảo tâm sự.

Thuộc thế hệ 9X của Báo GD&TĐ, phóng viên Ngô Chuyên - Ban Giáo dục đã có nhiều tuyến bài tham gia dự các giải báo chí của địa phương và toàn quốc. Tháng 6/2024, cô cùng đồng nghiệp vui mừng khi được xướng tên nhóm tác giải đoạt giải B, loại hình báo Điện tử (Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV).

Loạt bài là những câu chuyện chân thật, kể lại hành trình xóa mù chữ của ngành Giáo dục trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Để công tác xóa mù chữ hiệu quả, địa phương này đã sử dụng nhiều giải pháp khác nhau, áp dụng công nghệ vào giảng dạy, tuyên truyền, nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thời điểm nhóm tác giả tác nghiệp là đợt rét nhất của mùa Đông năm 2023, nhưng các thầy, cô giáo vẫn đến nhà vận động, phân tích cho người dân hiểu để đi học xóa mù chữ.

Nhóm tác giả đã đi đến những lớp học xóa mù để ghi nhận thực tế, kể lại câu chuyện hành trình của những học viên ngoài 30 tuổi, thậm chí có người hơn 50 tuổi lần đầu biết đọc, viết với khuôn mặt tự hào và hãnh diện. Để có loạt bài viết này, nhóm tác giả tìm đến tận nhà những học viên cao tuổi, nhà giáo đã về hưu nhưng vẫn tâm huyết với nghề giáo và công tác xóa mù chữ.

“Có được kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của thầy cô đi vận động, thuyết phục để người dân vượt qua những mặc cảm, tự ti của bản thân mà đến lớp học. Thậm chí, nhiều học viên không đi được xe máy, nhà cách lớp học 7 - 10km, hằng ngày được trưởng thôn đưa đi, đón về. Tất cả đều hướng đến xóa mù, nâng cao nhận thức, giúp dân biết chữ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, phóng viên Ngô Chuyên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phiến quân Syria đang giành lợi thế ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột.

Phiến quân Syria đang giành lợi thế?

GD&TĐ -Việc sử dụng UAV và các cuộc tấn công được phối hợp tốt đã mang lại cho phiến quân Syria lợi thế ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột.