Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi những hạnh phúc quý giá

GD&TĐ - Cảm ơn nghề giáo, đã có cho tôi những hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được!

Là một hoạt động thường niên ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, chương trình "Thay lời tri ân” với chủ đề ‘Hy vọng” năm 2024 do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện

Chủ đề ‘Hy vọng’ muốn nói lên thông điệp: các thầy cô giáo chính là người gieo những “mầm xanh” tri thức, gieo những hy vọng, niềm tin mở ra những chân trời tri thức và hình thành nên nhân cách để các thế hệ học sinh thành công trong cuộc sống.

Cùng với những phóng sự xúc động, truyền cảm hứng về các thầy cô giáo, phần giao lưu, chia sẻ với thầy cô đã để lại nhiều giây phút lắng đọng.

Luôn giữ nhiệt huyết người giáo viên vùng cao

co-nguyet-1.jpg
Cô Đoàn Thị Bích Nguyệt mong thế hệ thầy cô giáo trẻ sẽ tiếp tục thắp sáng tương lai cho trẻ em vùng cao.

Cô Đoàn Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, chương trình Thay lời tri ân giúp sống lại những kỷ niệm đẹp của người giáo viên.

Cống hiến cả thanh xuân cho giáo dục vùng cao, nhìn lại cô Nguyệt đã có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn Tây.

Theo cô Nguyệt, giáo dục miền núi muốn thu hẹp khoảng cách về chất lượng với đồng bằng thì cốt lõi nằm ở con người - chính là các thầy cô giáo.

"Khi đã dành tình yêu cho mảnh đất nơi mình công tác thì không có khó khăn nào có thể cản bước người giáo viên. Mong rằng các thế hệ giáo viên sau này, sẽ phát huy ngọn lửa nghề để viết tiếp những kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp trồng người", cô Nguyệt chia sẻ.

Cô Nguyệt cũng mong muốn bản thân có sức khoẻ tốt để tiếp tục góp sức đưa thế hệ con trẻ người Ca Dong nơi đây đến với những bến bờ tri thức.

Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi những hạnh phúc quý giá này

co-lanh-1.jpg
Cô Hoàng Thị Lành – giáo viên môn Toán, Trường THPT Tú Đoạn.

Cô Hoàng Thị Lành – giáo viên môn Toán, Trường THPT Tú Đoạn (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) xúc động chia sẻ: Tôi vô cùng hạnh phúc, vinh dự khi được đại diện cho hàng ngàn giáo viên của tỉnh Lạng Sơn được tham dự chương trình tri ân đặc biệt này.

Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã dành sự quan tâm đến ngành Giáo dục Lạng Sơn trong thời gian qua.

Cảm ơn nghề giáo, đã có cho tôi những hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được. Được đồng hành trên con đường tri thức để đến gần với ước, giúp đỡ trò vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống là hạnh phúc không chỉ của tôi mà của tất cả các nhà giáo trên cả nước đang ngày đêm miệt mài.

Bản thân tôi cũng nhắc nhở mình sẽ phải giữ lửa nghề, cống hiến hết khả năng, kiến thức mình có để cùng tiếp sức cho ước mơ của học trò đặc biệt là các em ở vùng cao.

Thêm yêu nghề hơn sau mỗi chương trình

Mỗi dịp gần ngày 20/11 gia đình cô giáo Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Tân (TP Thanh Hóa) lại háo hức đón xem Chương trình "Thay lời tri ân" được phát sóng trên VTV1.

Cô giáo Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Tân (TP Thanh Hóa).

Cô giáo Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Tân (TP Thanh Hóa).

Cô Chung chia sẻ, mỗi lần xem chương trình đều mang lại nhiều cảm xúc. Qua chương trình cô hiểu hơn nỗi vất vả, nhọc nhằn, sự cống hiến, hy sinh của biết bao đồng nghiệp của mình trong hành trình gieo chữ cho trẻ vùng cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hóa) cũng không khỏi xúc động khi xem chương trình "Thay lời tri ân".

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Thành Hóa).

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Thành Hóa).

"Vào những ngày này, khi xem chương trình lại thấy như có thêm tình yêu nghề. Từ những câu chuyện được truyền tải qua chương trình, cảm nhận hơn về nghề cao quý, giáo viên dạy bằng cả đam mê, học trò học bằng cả khát vọng", cô Mai tâm sự.

Mong cộng đồng quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng cao

Theo dõi chương trình “Thay lời tri ân 2024”, cô giáo Trần Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cảm thấy rất xúc động.

Đặc biệt, khi nghe nhiều giáo viên chia sẻ về những khó khăn trong quá trình giảng dạy, cô Oanh liên tưởng đến hình ảnh của bản thân mình và luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình.

Cô Oanh và học trò trong Lễ tổng kết năm học.

Cô Oanh và học trò trong Lễ tổng kết năm học.

Qua 15 năm đứng lớp, cô Oanh đều gắn bó với những điểm trường xa xôi, cách trở ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.

Cô Trần Thị Kiều Oanh chia sẻ: “Từ khi ra trường, tôi rời xa người thân đến vùng miền núi công tác. Dù đối mặt với những khó khăn không thể diễn tả, nhưng đến đây mới thấy cuộc sống học sinh vất vả muôn phần. Qua năm tháng, tình thương yêu học sinh cứ lớn dần, lúc thấy gắn bó lại không muốn về”.

Theo đuổi ước mơ dạy học, cô Oanh dường như gắn bó tuổi thanh xuân với các địa bàn vùng khó. Cô Oanh nói rằng, những điểm trường cô công tác đều nằm xa trung tâm, đường giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa bão chia cắt.

Cô Oanh và đồng nghiệp vượt qua suối để đến lớp. Hình ảnh được chụp vào tháng 11/2023.

Cô Oanh và đồng nghiệp vượt qua suối để đến lớp. Hình ảnh được chụp vào tháng 11/2023.

Mùa mưa lũ năm 2023, hình ảnh về nhóm giáo viên của cô Oanh vượt suối dữ để đến điểm trường Cát Trỉa, xã Hướng Sơn lan tỏa trên mạng xã hội khiến mọi người cảm phục.

“Nhiều lúc đối mặt với vất vả, tôi cũng có chút chùn bước. Nhưng nghĩ đến cảnh học sinh đang ngóng đợi thầy cô, khiến chúng tôi có động lực, quyết tâm vượt qua để đến lớp. Trong khó khăn, anh em vẫn động viên nhau bám trường, bám bản để “gieo con chữ, thắp lên hy vọng” cho học sinh.

“Hầu hết học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Gắn bó với học sinh, chúng tôi cũng xem các em như con, như em của mình để tìm đủ mọi cách giúp các em trong chặng đường học tập. Nhưng tôi luôn mong muốn cộng đồng xã hội quan tâm để học sinh miền núi bớt khó khăn hơn”, cô Oanh chia sẻ.

Tiếp sức cho giáo viên đổi mới từ chương trình Thay lời tri ân

Cô giáo Mai Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: Xem Chương trình Thay lời tri ân – Hy vọng, tôi chợt nhớ lại vì sao mình chọn theo nghề giáo. Tôi đến với nghề vì yêu quý các thầy cô giáo của mình, muốn nối tiếp những thế hệ nhà giáo, đưa tri thức đến với nhiều học sinh hơn.

Đặc biệt, khi xem hành trình dạy học của 2 đồng nghiệp ở Yên Bái, không quản khó khăn, hy sinh cả những hạnh phúc riêng tư để giúp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi rất nể phục và không khỏi liên hệ đến bản thân. Trên khắp cả nước, vẫn còn rất nhiều thầy cô giáo đang nỗ lực cống hiến tuổi trẻ, thời gian, thậm chí cả của cải với mong muốn mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui, để con đường đến với tri thức của các em bớt đi những gập ghềnh, thua thiệt.

Chương trình “Thay lời tri ân” cũng đồng thời đã truyền cảm hứng cho cộng đồng giáo viên trên cả nước thông qua những tấm gương, những câu chuyện đầy xúc động, đáng khâm phục về những người thầy, người cô đầy trách nhiệm, luôn tìm cách đổi mới, sáng tạo, hết lòng về sự nghiệp giáo dục.

Từ câu chuyện của thầy giáo Hồ Ngọc Đào và thầy Nguyễn Quốc Thái, tôi chợt nhớ và ngấm hơn câu "Học trò sẽ quên rất nhanh những gì bạn dạy những sẽ nhớ mãi cảm xúc mà bạn mang lại". Cùng với việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những giáo viên như tôi cũng đồng thời ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, giúp học sinh không chỉ giỏi về học vấn mà còn phát triển kỹ năng sống, cảm xúc và sức khỏe tốt, từ đó trở thành những cá nhân cân bằng và thành công trong cuộc sống.

Trong quá trình thay đổi, bản thân tôi gặp không ít rào cản, khó khăn nhưng những khó khăn đó chẳng là gì so với các thầy cô trong chương trình đã vượt qua. Ngưỡng mộ, khâm phục sự cho đi của các thầy. Tôi tự hứa mình sẽ đi trọn vẹn nhất với con đường mình đã chọn: con đường trồng người, gieo những mầm xanh tươi cho đời.

Tiếp thêm niềm tin và hy vọng

Năm nào cũng vậy, đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Đàm Hồng Anh - Giáo viên trường Mầm non Đất Việt (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cũng đón xem Chương trình “Thay lời tri ân”.

Cô Hồng Anh chia sẻ, Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024 với chủ đề “Hy vọng” tiếp thêm cho tôi niềm tin và hy vọng mong sớm có Luật Nhà giáo. Bởi, khi Luật Nhà giáo được thông qua sẽ tiếp thêm động lực cho các giáo viên chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý…

Cô giáo Đàm Hồng Anh - Giáo viên trường Mầm non Đất Việt (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cùng gia đình xem Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024 trên truyền hình.

Cô giáo Đàm Hồng Anh - Giáo viên trường Mầm non Đất Việt (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cùng gia đình xem Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024 trên truyền hình.

Theo dõi Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024 trên truyền hình, cô giáo Đàm Hồng Anh bày tỏ, tôi rất xúc động và tự hào trước những câu chuyện của các nhà giáo tiêu biểu đã nỗ lực vượt khó, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục; đặc biệt, là các thầy cô giáo ở miền núi, hải đảo... Những câu chuyện của các thầy, các cô như tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục yêu nghề, hết mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người!

Cô Hồng Anh cho rằng, Chương trình “Thay lời tri ân” có ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh các thầy cô giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo Đàm Hồng Anh - Giáo viên trường Mầm non Đất Việt nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người (ảnh: NVCC).

Cô giáo Đàm Hồng Anh - Giáo viên trường Mầm non Đất Việt nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người (ảnh: NVCC).

Là khán giả trung thành với Chương trình “Thay lời tri ân”, chị Nguyễn Hồng Chiêm (SN 1983, trú tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cho hay, mặc dù tôi không làm nghề giáo, nhưng năm nào tôi cũng đón xem Chương trình “Thay lời tri ân” trên truyền hình.

Chị Hồng Chiêm nhấn mạnh, tôi rất ấn tượng và xúc động với những tấm gương các thầy giáo, cô giáo tại Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024.

Chương trình “Thay lời tri ân” là chương trình rất hay và ý nghĩa, tôn vinh các thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục nước nhà.

Món quà tinh thần dành cho những người giáo viên

Xem chương trình qua sóng truyền hình, cô giáo Nguyễn Hải Yến, Trường Mầm non Việt - Sing Garden Hills (thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, được chứng kiến những hình ảnh đẹp về đồng nghiệp, về những đóng góp quý báu của ngành giáo dục, chị càng thêm tự hào về nghề giáo.

Cô giáo mầm mon Nguyễn Thị Yến. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo mầm mon Nguyễn Thị Yến. (Ảnh: NVCC)

"Thay lời tri ân không chỉ là một chương trình truyền hình, mà còn là một món quà tinh thần dành cho những người thầy, người cô. Chương trình giúp mọi người trân trọng và tôn vinh nghề giáo. Đối với những giáo viên trẻ như tôi, chương trình là nguồn cảm hứng để mình yêu nghề hơn, gắn bó hơn với sự nghiệp trồng người", cô Yến chia sẻ.

Theo nữ giáo viên, giáo dục là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Trong những năm gần đây, ngành giáo dục Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đến việc đổi mới phương pháp dạy học.

Cô Yến cùng gia đình xem chương trình Thay lời tri ân 2024. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cô Yến cùng gia đình xem chương trình Thay lời tri ân 2024. (Ảnh: Phạm Tâm)

Để xây dựng nền giáo dục trong thời đại mới, cô Yến cho rằng cần sự chung tay của các cấp chính quyền, các nhà giáo dục, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đào tạo ra những thế hệ trẻ tài năng, góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh.

Thay lời chúng tôi muốn nói

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - GV Trường THCS Tân Vịnh (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: Nhiều năm qua, chương trình Thay lời tri ân đã trở thành món quà đặc biệt đối với cô trong Ngày nhà giáo Việt Nam.

Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - GV Trường THCS Tân Vịnh, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) theo dõi chương trình Thay lời tri ân.

Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - GV Trường THCS Tân Vịnh, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) theo dõi chương trình Thay lời tri ân.

"Mỗi năm chương trình đều lựa chọn những chủ đề, câu chuyện vô cùng ý nghĩa để gửi gắm tâm tư của đội ngũ những người đi gieo hạt. Chương trình không chỉ là thay lời tri ân mà còn thay lời chúng tôi muốn nói", cô Hà bộc bạch.

Theo dõi qua màn hình, cô Thu Hà không ít lần rơi nước mắt trước những câu chuyện của chương trình. Cô cho biết bản thân rất ấn tượng với câu chuyện của thầy giáo Vũ Văn Tùng - GV Tiểu học và THCS Đinh Núp (Gia Lai).

" Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh, nỗ lực của các thầy. Tôi hy vọng chương trình ngày càng lan toả đến nhiều giáo viên trong cả nước. Qua mỗi chuyện của đồng nghiệp như tấm gương để những giáo viên tự soi vào. Bản thân tôi như tiếp thêm sức mạnh, động lực để tiếp tục say mê, cống hiến", cô Hà nhắn gửi.

Mỗi câu chuyện trong Chương trình Thay lời tri ân tiếp thêm động lực để cô Thu Hà thêm say mê, cống hiến trong công tác.

Mỗi câu chuyện trong Chương trình Thay lời tri ân tiếp thêm động lực để cô Thu Hà thêm say mê, cống hiến trong công tác.

Đặc biệt, không chỉ cô Hà mà các thành viên trong gia đình đều mong chờ chương trình Thay lời tri ân.

Anh Đỗ Văn Thuỷ - chồng cô giáo Thu Hà, bày tỏ: Chương trình rất ý nghĩa và xúc động. Xem chương trình, tôi và các con thêm tự hào và chia sẻ hơn với công việc của vợ. Qua báo GD&TĐ tôi xin gửi lời chúc đến các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc thật nhiều sức khoẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.