Lời khuyên của các thầy cô là chuyên gia về loại hình nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Trung ương sẽ giúp HS gạt bỏ ít nhiều lo lắng.
Tự tin
Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đào tạo các ngành/chuyên ngành trình độ đại học: Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Mỹ thuật mầm non, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc mầm non, Thanh nhạc, Piano, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa, Hội họa, Công nghệ may, Quản lý văn hóa, Diễn viên kịch - Điện ảnh, Công tác xã hội, Du lịch. Với ngành học gắn với nghệ thuật, đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu và kiểm tra năng khiếu là bắt buộc.
PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phần thi năng khiếu luôn là vấn đề thí sinh quan tâm và lo lắng bởi trên thực tế trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh chỉ được trải nghiệm các môn học Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp tiểu học và THCS”.
Vậy những kiến thức, kỹ năng các em có liệu có đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương hay không? PGS Phượng cho rằng, thí sinh không nên quá lo lắng. Thực tế là những ai đã có ý định đăng ký xét tuyển vào Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đều có tình yêu với nghề sư phạm, thêm nữa hẳn trong mỗi người cũng đã có chút ít năng khiếu nghệ thuật.
Theo các thầy cô đã ngồi ghế giám khảo, cho dù kỳ thi năng khiếu khó với nhiều người nhưng lại dễ và đơn giản với những ai có chút năng khiếu và quan trọng hơn cả là tình yêu và quyết tâm đến với nghề. Tương lai luôn rộng mở với những ai thể hiện lòng quyết tâm và ý chí lập nghiệp.
Làm sao để qua cửa ải
TS Lê Vĩnh Hưng – Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bài năng khiếu: Dự thi ngành Thanh nhạc, thí sinh cần chuẩn bị một số kiến thức, kỹ năng về âm nhạc như: Âm và các ký hiệu ghi âm, Nhịp, Quãng và đảo quãng, các điệu thức trưởng, thứ; Xướng âm: từ 0 - 1 dấu hóa ở các loại nhịp 2/4, 3/4, 4/4 (có thể thi thẩm âm thay cho phần thi đọc xướng âm).
Ngoài ra, môn Thanh nhạc chuyên ngành, các em cần chuẩn bị từ hai đến ba tác phẩm tự chọn (được phép lưu hành) gồm dân ca, ca khúc nghệ thuật... trong đó bắt buộc có 1 tác phẩm nước ngoài hát bằng ngôn ngữ gốc. Hãy lắng nghe và thật tự tin khi thể hiện phần thi của mình, thí sinh sẽ thoát khỏi áp lực tinh thần và thể hiện bài thi tốt nhất.
Với ngành Piano đòi hỏi người học thực sự luyện tập nghiêm túc trên phím đàn. Vì thế, thí sinh phải có năng khiếu và niềm đam mê thực thụ. Dự thi ngành Piano, học sinh cần chuẩn bị một số kiến thức, kỹ năng về âm nhạc như: Âm và các ký hiệu ghi âm, Nhịp, Quãng và đảo quãng, các điệu thức trưởng, thứ.; Xướng âm: Từ 0 - 1 dấu hóa ở các loại nhịp 2/4, 3/4, 4/4 (có thể thi thẩm âm thay cho phần thi đọc xướng âm).
Đặc biệt, đối với môn thi chuyên ngành Piano giám khảo yêu cầu cao hơn. Các em sẽ phải dành nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với các môn thi chuyên ngành khác: chuẩn bị từ 2 - 3 tác phẩm trên đàn Piano theo các thể loại sonate, etude, phức điệu... Mỗi tác phẩm thể hiện một thể loại khác nhau.
Còn với phần thi năng khiếu hội họa, ThS Nguyễn Duy Quốc Tuấn, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Thiết kế đồ họa, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: Các ngành học liên quan đến nghệ thuật trường đang đào tạo là Sư phạm Mỹ thuật, Hội họa, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Công nghệ may. Những môn học này năng khiếu hội họa được đề cao.
Các em cần có đam mê và lòng quyết tâm sẽ trở thành họa sĩ hoặc nhà sáng tạo mỹ thuât, thiết kế đồ họa chuyên nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng; nhà thiết kế thời trang, doanh nhân trong lĩnh vực thời trang; nhà quản lý, kỹ thuật viên trong các dây chuyền may công nghiệp hay thầy cô giáo dạy mỹ thuật trong tương lai. Tuy nhiên, để có được điều đó đầu tiên thí sinh phải qua kỳ thi năng khiếu để vào trường. Với hội họa, hình khối và màu sắc là những điều thí sinh cần quan tâm, thứ đến là phần thể hiện năng khiếu của mình.
Để dự thi vào các ngành này, các em cần những kỹ năng gì? Rất đơn giản, khi làm bài thi, thí sinh đừng quá lo lắng. Đầu tiên hãy tập trung quan sát, biết cách đo vật mẫu, và xác định tỉ lệ, biết phân mảng để đánh bóng đậm nhạt đã đạt yêu cầu về bài hình họa vẽ chân dung. Về bài thi Vẽ màu, với kiến thức được học từ phổ thông qua bài vẽ trang trí cơ bản như hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật… sử dụng các họa tiết cách điệu được sắp xếp theo nguyên tắc đối xứng hoặc xen kẽ, từ đó vẽ màu theo tông nóng hoặc lạnh là có thể tự tin với kết quả thi của mình rồi.