Ngoài việc chỉ ra những lỗi thường mắc, nhà trường còn mở lớp ôn thi năng khiếu giúp thí sinh nâng cao kỹ năng và ổn định tâm lý để vượt vũ môn.
Kiến thức, trang phục và thái độ
Năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Văn hóa TPHCM tuyển sinh với hình thức xét tuyển và thi năng khiếu vào chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật (VHNT).
Thí sinh sẽ tham gia nội dung thi Năng khiếu nghệ thuật 1 là Năng khiếu Biểu diễn nghệ thuật. Hình thức thi là lựa chọn và thể hiện năng khiếu nghệ thuật thông qua một trong các hình thức hát, đàn, múa, nhảy, diễn kịch, thuyết trình. Trang phục khi dự thi phải lịch sự, phù hợp với tiết mục biểu diễn…
Về nội dung thi, thí sinh có thể tự sáng tác hoặc sử dụng tác phẩm nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép ban hành. Tác phẩm dự thi phải có nội dung trong sáng, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Môn thi Năng khiếu nghệ thuật 2 là năng lực hiểu biết nghệ thuật. Hình thức thi là bốc thăm và trả lời trực tiếp câu hỏi theo yêu cầu đề thi. Nội dung thi là khả năng nhận định tình huống trong hoạt động VHNT.
ThS, Đạo diễn Hoàng Duẩn – giảng viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM lưu ý các thí sinh cần bình tĩnh để chuẩn bị cho phần thi của mình, kể cả trong lúc thi. Không quá lo lắng, hồi hộp. Ban giám khảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh thể hiện hết khả năng của mình.
Thí sinh cần chuẩn bị chu đáo tiết mục dự thi, phải thuộc lời hát, lời kịch. Các em cần chuẩn bị nội dung tiết mục biểu diễn, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Đạo cụ biểu diễn cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Việc chuẩn bị cho tiết mục dự thi một cách chu đáo cũng sẽ là điểm cộng cho các thí sinh. Ban giám khảo cũng đánh giá điểm thái độ, vì thái độ làm nghề, lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề khi đi thi rất quan trọng…
“Thí sinh cần am hiểu về những vấn đề hiện nay có liên quan đến VHNT nói riêng và xã hội nói chung. Các em đồng thời cần có những giải pháp cho riêng mình khi ứng xử với các vấn đề đó”, ThS Duẩn chia sẻ.
ThS Huỳnh Tổ Hạp – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Năm 2021, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức môn thi năng khiếu các ngành Thanh nhạc và Sư phạm âm nhạc... Các môn thi năng khiếu gồm: Kiến thức âm nhạc và môn hát xướng âm và thẩm âm tiết tấu.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường ĐH Sài Gòn thông báo chuyển hình thức ôn tập các môn năng khiếu từ trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời, giúp cho thí sinh biết nội dung thi thực tế là như thế nào để có được kết quả tốt nhất.
Những lỗi thí sinh cần tránh
ThS, Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ, có những thí sinh thi 2 tiết mục năng khiếu trong cùng 1 buổi thi. Dù trong thời gian cho phép nhưng thí sinh thi nhảy trước sau đó mới đến thi hát. Vì nhảy trước nên mệt, lúc hát thì không còn hơi. Hoặc thi nhảy trước với bộ trang phục khác, khi đi thi hát, các bạn không có thời gian thay trang phục sẽ không phù hợp với nội dung và tình cảm của bài hát.
“Các em nên chọn tiết mục nào mình tự tin nhất để dự thi. Thí sinh ăn mặc trang phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với bài hát hay trang phục quá phức tạp sẽ dễ mất tập trung và khó biểu diễn. Thí sinh cần rèn tâm lý bình tĩnh. Thực tế cho thấy có thí sinh run quá, mất bình tĩnh nên quên lời bài hát, lời thơ, lời thuyết trình. Có em lại không nhớ tác giả bài hát, bài thơ mà mình dự thi, nên khi giám khảo hỏi câu hỏi bổ sung thì không trả lời được”, ThS Duẩn cho hay.
ThS Lê Hùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM thông tin: Năm 2021, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM tổ chức thi năng khiếu vào các ngành Diễn viên Kịch, Điện ảnh - Truyền hình… Thí sinh vào phòng thi tự giới thiệu bản thân, ban giám khảo yêu cầu di chuyển để chấm yếu tố hình thể; Yêu cầu tự giới thiệu, đọc thơ để chấm giọng nói. Các em cũng được yêu cầu thể hiện các năng khiếu khác như hát, nhảy... Đặc biệt, thí sinh phải thể hiện 1 tiểu phẩm tự chuẩn bị, có thể có bạn trợ diễn. Đây là nội dung quan trọng nhất để chấm năng khiếu cơ bản về diễn xuất sân khấu.
Trong quá trình dự thi, thí sinh thường mắc những lỗi như: Thiếu sự chuẩn bị chu đáo về phong thái, thiếu sự tự tin và trả lời không có đầu đuôi, không thuộc 1 bài thơ đủ cảm xúc để trình bày. Thêm nữa, đôi khi thí sinh sử dụng bạn trợ diễn quá nổi bật gây tác dụng ngược vì làm lu mờ thí sinh và ảnh hưởng kết quả.
“Cần chuẩn bị tiểu phẩm thực sự súc tích và có cảm xúc. Nhân vật hóa thân phải hợp vai với thí sinh, phát huy được yếu tố ngoại hình, giọng nói và các kỹ năng phụ trợ (nếu có). Ví dụ nếu lồng ghép được trong tiểu phẩm khả năng hát múa, nhảy, ảo thuật... sẽ là một ưu thế. Nội dung tiểu phẩm không cần quá cầu kỳ, điều quan trọng là diễn xuất của thí sinh cần được làm bật lên thông qua tiểu phẩm”, ThS Lê Hùng chia sẻ.