Vượt 'bẫy' khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh đại học năm 2023, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lượng trong thời gian quy định.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều hoặc ít. Việc sớm hòa nhập ở môi trường, điều kiện học tập mới cần thiết để mang lại hiệu quả.

Tránh quá tả, quá hữu

Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Từ quy định này, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Hà Nội) khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký một nguyện vọng duy nhất mà nên chọn một số nguyện vọng phù hợp với năng lực, nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, các em cũng không nên chọn quá nhiều nguyện vọng để tránh bị “ngợp”. Năm học trước, có thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng, nhưng không dùng hết.

Cùng quan điểm, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (TPHCM) trao đổi, dù thí sinh có đăng ký 100 nguyện vọng nhưng nếu không biết sắp xếp phù hợp thì chưa chắc cơ hội trúng tuyển đã cao. Do đó, thí sinh đừng bao giờ dồn vào một nhóm các nguyện vọng có điểm xét tuyển tương đồng. Thay vào đó, các em nên sắp xếp một cách phù hợp để giảm thiểu rủi ro.

Dù không bị giới hạn số lượng nhưng TS Mai Đức Toàn khuyến cáo, thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng, tránh tốn kém. Các em nên chọn trọng tâm 1 - 3 trường yêu thích, mỗi trường chọn tối đa 3 nguyện vọng. Nếu trước đó đã có kết quả trúng tuyển sớm thì cần tính toán, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng hợp lý để gia tăng khả năng trúng tuyển nguyện vọng mình thích nhất.

Sau khi hoàn tất quy trình các bước đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh cần theo dõi thông báo điểm chuẩn đầu vào của cơ sở giáo dục đại học và xác nhận nhập học (nếu trúng tuyển) theo quy định. Đó là lời khuyên của TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục).

Ngoài ra, thí sinh cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để làm quen với môi trường học tập ở bậc đại học. Bởi nếu không chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng, các em có thể bị “sốc”, không thích ứng với môi trường mới.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: TG

Không ngủ quên trong chiến thắng

Từng có thí sinh trúng tuyển vào đại học mình yêu thích nhưng ngủ quên trong chiến thắng, không chủ động thích ứng với môi trường học tập mới nên mất đi động lực học tập. Hậu quả là, sinh viên này phải học lại nhiều môn và trượt dài trong thất bại. Từ thực tế này, TS Hoàng Trung Học khuyên thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của cơ sở đào tạo mà tới đây mình sẽ theo học.

Theo đó, các em cần cập nhật, theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường thông qua các kênh chính thống. Đặc biệt, các em nên xây dựng kế hoạch học tập theo từng năm, kỳ, môn học và đặt mục tiêu từng bước đạt được. Các em cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các giảng viên cố vấn.

Cũng theo TS Hoàng Trung Học, được trở thành sinh viên đại học là vinh dự lớn của thí sinh. Song trúng tuyển đại học là một chuyện, học tập có thành công hay không là chuyện khác. Yếu tố quyết định thành công trong học tập, tích lũy kiến thức không chỉ ở trường đại học, mà còn phụ thuộc vào ý chí, nghị lực và sự nghiêm túc, đam mê của sinh viên.

“Môi trường học tập mới mang lại cho tân sinh viên nhiều trải nghiệm thú vị để trưởng thành, nhưng cũng nhiều cạm bẫy nếu các em không biết vượt qua” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Các em có thể thất bại ngay ở một trường đại học tốp đầu nếu như không có ý chí, thái độ nghiêm túc trong việc học. Ngược lại, các em có thể thành công ở một ngôi trường không nổi tiếng nếu như có thái độ học tập nghiêm túc và nghị lực vươn lên. Vì học tập ở môi trường đại học rất khác so với trường phổ thông.

Cho rằng, thí sinh cần tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ chính mình, chuyên gia đến từ Học viện Quản lý Giáo dục nhìn nhận, đó là tâm lý thỏa mãn quá đà, thiếu tinh thần vượt khó trước những khó khăn trong quá trình học đại học; tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” của một số em khi trượt vào các trường mong đợi. Những điều này có thể làm cho các em mất phương hướng và ý chí vươn lên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính nhấn mạnh, tới đây khi chính thức trở thành sinh viên, thí sinh nên học cách tự chịu trách nhiệm, chăm sóc bản thân. Quan trọng nhất là tự học, tự nghiên cứu. Nếu chưa kịp thích ứng với môi trường đại học, các em phải chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, giảng viên, cố vấn học tập và các anh, chị sinh viên khóa trước.

Là thủ khoa đầu ra Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính, Trần Thị Hồng Nhung nhớ lại, khi mới bước chân vào môi trường đại học, em cũng gặp không ít bỡ ngỡ, lúng túng. Tuy nhiên, em nhanh chóng hòa nhập và lấy lại “phong độ” trong học tập và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác.

Theo Hồng Nhung, đại học là môi trường hoàn toàn mới so với các cấp học phổ thông. Vì vậy, tân sinh viên không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Để có thể hoà nhập với môi trường mới, các bạn nên mạnh dạn hỏi, bày tỏ khúc mắc với cố vấn học tập, hoặc anh/chị sinh viên khóa trước.

Ngoài ra, hầu hết trường đại học có các câu lạc bộ dành cho sinh viên. Các bạn nên đăng kí nộp phiếu ứng tuyển để tham gia vào các câu lạc bộ. Thông qua các hoạt động này sẽ giúp các bạn năng động và hoà nhập nhanh hơn với môi trường học tập mới. Đặc biệt, các bạn phải thật nhớ lịch đăng kí tín chỉ để tham gia học tập đúng thời khóa biểu và ra trường đúng hạn.

“Thời gian trôi đi nhanh chóng, tuổi thanh xuân cũng không đợi bất kỳ ai. Các em thất bại trong học tập là điều được dự báo trước nếu không sớm thích nghi và chịu khó học tập ở môi trường mới. Mặt khác, cám dỗ từ tệ nạn xã hội có thể xuất phát từ chính những mối quan hệ mới. Quan trọng là các em phải có bản lĩnh, trí tuệ để vượt qua những cạm bẫy” - TS Hoàng Trung Học nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ