Chống sốc trượt đại học

GD&TĐ - Nhiều thí sinh sau khi trượt trường, ngành học yêu thích có tâm lý chán nản, hoang mang, mất phương hướng thậm chí suy nghĩ tiêu cực.

Cô Hoàng Vũ Diệu Yến - Chuyên viên tham vấn tâm lí học đường, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) đang tư vấn cho học sinh. Ảnh: NVCC
Cô Hoàng Vũ Diệu Yến - Chuyên viên tham vấn tâm lí học đường, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) đang tư vấn cho học sinh. Ảnh: NVCC

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm phụ huynh, xã hội cần đồng hành, quan tâm để các em không cô đơn, áp lực và sẵn sàng hoạch định lại hướng đi cho mình.

Tăng sức đề kháng

Cô Hoàng Vũ Diệu Yến - Chuyên viên tham vấn tâm lí học đường, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ: “Trong một cuộc thi sẽ có người chiến thắng và cả người không đạt mục tiêu đề ra. Đó là quy luật, mà các thí sinh cần hiểu. Không đạt mục tiêu các em có quyền được buồn nhưng cũng cần nhớ cánh cửa này khép lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra, không nên vùi mình vào cảm xúc nhất thời.

Do đó, các em cần xốc lại tinh thần, cùng bố mẹ, thầy cô, những người có kinh nghiệm tham khảo để đưa ra những phương án lựa chọn tiếp theo. Tri thức và những mục tiêu lớn cuộc đời vẫn ở đó, nếu vẫn muốn vào học ngôi trường mình yêu thích, các em có thể dành thời gian ôn luyện năm sau thi lại. Các em hãy nhớ, vào đại học là bước đệm quan trọng nhưng không phải là điều duy nhất tạo nên giá trị, thành công cho mỗi người”.

Theo cô Yến, sau khi con có kết quả không như mong đợi, phụ huynh hãy dành những lời động viên, an ủi, khích lệ… để các em cảm thấy được ghi nhận nỗ lực thời gian vừa qua. Hãy lắng nghe những chia sẻ, điều học sinh muốn làm lúc này để các em tránh xa suy nghĩ tiêu cực; tuyệt đối không trách móc dẫn đến áp lực ngày một lớn.

“Không phải ai cũng có thể chấp nhận thất bại ngay sau khi có kết quả, do vậy phụ huynh hãy tập cho con từng bước đối mặt, chấp nhận và hình thành kỹ năng xử lý tình huống; kiềm chế cảm xúc, tránh tâm lý chán nản cho mình là vô dụng. Đó cũng là cách phụ huynh “tăng sức đề kháng” để con thích ứng với stress.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả con đạt được, phân tích để con hiểu vị trí của mình ở đâu, vạch ra mục tiêu cho phù hợp. Nếu con có biểu hiện suy sụp tinh thần, mất phương hướng bố mẹ hãy cùng con tháo gỡ, chỉ ra nhiều con đường lựa chọn khác khi không đỗ nguyện vọng 1. Tuyệt đối gia đình không bàn nhiều đến việc thi trượt, trường hợp không giải quyết được các vấn đề tâm lý sau khi trượt cần đưa con đến các trung tâm tư vấn để các chuyên gia tâm lý giúp đỡ”, cô Yến nhấn mạnh.

Phụ huynh tránh tạo cho con mặc cảm tội lỗi, tư duy nếu không đỗ đại học thì tương lai coi như chấm hết. Cô Yến chỉ ra: “Điều đó rất nguy hiểm dễ khiến học sinh rơi vào tình trạng tự ti về bản thân, nghiêm trọng hơn là khiến con mất đi động lực sống. Bên cạnh đó, gia đình cần có sự phối hợp với nhà trường để định hướng cho học sinh các mục tiêu đúng năng lực, nguyện vọng, không đặt con trước vật cản quá cao. Sự định hướng phải đa dạng, không tập trung vào điểm số hay thành tích mà cần quan tâm đến những điều con làm tốt, lĩnh vực con yêu thích.

Cô Yến lưu ý thêm, gia đình cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện để học sinh được tiếp xúc, học hỏi và khám phá những lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, mở rộng sự lựa chọn tương lai. Như vậy, các em sẽ có nhiều phương án định hướng cho nghề nghiệp, không phụ thuộc vào một con đường duy nhất, giảm áp lực và tăng sự tự tin.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: NVCC

Nhiều con đường dẫn đến thành công

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục: “Đối với học sinh cuối cấp, ngay từ lúc còn đi học, nhà trường, phụ huynh phải trang bị cho các em tâm lý phấn đấu hoàn thành chương trình học, để kết thúc mỗi kỳ thi các em không bị nuối tiếc hay băn khoăn với bài làm của mình.

Bên cạnh đó, thí sinh cần sẵn sàng chấp nhận phương án trong đó không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành, trường đại học mình mong muốn. Theo đó, có tâm thế lựa chọn các trường đại học khác ở nguyện vọng sau mà có ngành mình yêu thích thậm chí là các trường ngoài công lập.

Ngoài ra, các em có thể lựa chọn đi theo các con đường học nghề, cao đẳng sau đó liên thông lên đại học. Khi các em đã chuẩn bị kỹ cho mình những tâm thế đó sẽ không bị sốc hay hoang mang”.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh: “Trượt đại học không có nghĩa cánh cửa cuộc đời các em đã khép lại; học đại học, cao đẳng hay học nghề đâu chỉ học ngành nghề các em yêu thích mà còn phải học cách trưởng thành, đối đầu với áp lực, cách xây dựng hành trang tương lai. Dù đi đường vòng, chỉ cần các em có ý chí, mục tiêu phấn đấu thì chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu bản thân đã đề ra”.

Theo PGS Trần Thị Minh Hằng, trong bối cảnh hiện nay, thí sinh trượt đại học không nên quá lo lắng, áp lực, hoang mang dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Các em cần mạnh mẽ đón nhận thất bại, hoạch định con đường học tập khác phù hợp mới là thanh niên thời đại mới.

Lúc này, gia đình, thầy cô đóng vai trò rất lớn để giúp học sinh trải qua cú sốc đầu đời. Vì vậy gia đình phải luôn bên cạnh đồng hành, hỗ trợ, không tạo áp lực; cần gần gũi, động viên, định hướng cho học sinh con đường các em đi tiếp sau khi trượt đại học. Phụ huynh là những người đã có nhiều trải nghiệm, va vấp cuộc sống vì vậy cách nhìn sẽ chín chắn, trọn vẹn hơn. Gia đình cũng hãy loại bỏ suy nghĩ sĩ diện, thành tích với người xung quanh để không tạo áp lực đến con.

“Xã hội phải đồng hành cùng học sinh bằng cách mở ra nhiều hướng đi, công việc, trải nghiệm, hoạt động xã hội để thu hút sự tham gia; Mặt khác, giúp các em nguôi ngoai việc trượt đại học để thấy rằng ở bất cứ vị trí, công việc nào miễn bản thân có đóng góp, giá trị thực sự đã là công dân có ích cho xã hội chứ không nhất thiết đỗ vào đại học”, PGS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

“Khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, không ít học sinh có tâm lý lo ngại, cộng thêm sự so sánh của bố mẹ với bạn khác dễ khiến các em bị trầm cảm. Do đó, phụ huynh nên thay đổi tư duy, suy nghĩ đừng áp đặt những ước mơ, mong muốn về học tập của bản thân lên con cái. Hãy để các em được lựa chọn điều mình thích trong học tập, chọn trường, ngành… bản thân phát huy hết tố chất vốn có”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.