Cơ hội cho thí sinh điểm thấp

GD&TĐ - Tối ưu hóa các lợi điểm trong quy chế tuyển sinh, lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng khoa học, tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh...

Thí sinh ở TPHCM tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh ở TPHCM tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Đó là những cách mà chuyên gia mách nước cho thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT không cao mở cánh cửa vào đại học.

Thí sinh điểm thấp băn khoăn

Sau khi dò đáp án Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT công bố, Nguyễn Hoàng An, thí sinh tại TP Thủ Đức, TPHCM tự đánh giá được 17 - 18 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Năm nay, Hoàng An muốn xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Tuy nhiên, mức điểm này thấp hơn so với điểm chuẩn các năm trước của trường, khả năng trúng tuyển không cao. An tiếp tục nhắm đến ngành này tại một số trường khác với điểm chuẩn thấp hơn như Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Mở TPHCM nhưng không tự tin khả năng trúng tuyển.

Tương tự, Đặng Quốc Bảo, thí sinh ở TP Biên Hòa, Đồng Nai có nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông hoặc Quản lý xây dựng ở các Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, Phân hiệu Trường Đại học Vận tải tại TPHCM, Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi tại TPHCM.

Tuy nhiên, điểm số Bảo đạt được ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua chỉ ở mức trung bình theo dự tính. “Em đắn đo trong việc chọn ngành, trường và đặt nguyện vọng. Em không biết nếu đăng ký các trường mình yêu thích là nguyện vọng 1 nhưng không trúng tuyển, em có bất lợi gì khi xét nguyện vọng 2 không”, Bảo chia sẻ.

Giống như Hoàng An và Quốc Bảo, nhiều thí sinh có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức trung bình rất băn khoăn khi đăng ký xét tuyển đại học. Tổng điểm ở tổ hợp môn xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn nhiều năm trước ở các trường yêu thích khiến thí sinh không dám đăng ký xét tuyển. Chấp nhận chọn một trường có điểm chuẩn thấp, vừa sức, thí sinh lại cảm thấy tiếc cơ hội vào trường ở nhóm trên - dù cơ hội này mong manh.

Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Gia Định. Ảnh: GDU

Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Gia Định. Ảnh: GDU

Chuyên gia mách nước

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, quy chế tuyển sinh đại học năm nay có 3 điểm quan trọng: Được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng; chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất có thể; các nguyện vọng thứ tự khác nhau được xét bình đẳng với nhau.

Thí sinh cần nhớ và sử dụng triệt để các lợi điểm này khi thực hiện đăng ký nguyện vọng. Theo đó, thí sinh cần tận dụng tối đa quyền đăng ký nguyện vọng, tránh đăng ký quá ít nguyện vọng, tự làm hạn chế cơ hội của mình. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng, gây ra sự dàn trải.

Tiếp đó, thí sinh cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức yêu thích của bản thân với ngành, chương trình và trường, không sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo khả năng trúng tuyển (tức là điểm chuẩn các năm trước). Các em nên tránh tâm lý không dám đăng ký nguyện vọng vào các ngành, trường mình mong muốn do sợ không đủ điều kiện trúng tuyển. Cụ thể, thí sinh nên mạnh dạn đăng ký các nguyện vọng (1, 2,…) ở các ngành, chương trình, trường mà mình ưa thích nhất (tạm gọi là nhóm kỳ vọng); đăng ký nguyện vọng (3, 4…) ở những ngành, trường có mức ưa thích tiếp theo (nhóm thực tế).

Cuối cùng là việc đăng ký ở nhóm dự phòng, tức là các nguyện vọng sau ở các ngành, chương trình, trường có mức độ ưa thích thấp hơn nhưng có thể cơ hội trúng tuyển cao. Điểm chuẩn các năm trước là một trong những tiêu chí giúp thí sinh xác định các nhóm này. “Theo cách này, các em vừa có cơ hội đạt nguyện vọng mong muốn nhất, vừa duy trì cơ hội trúng tuyển ở các nguyện vọng khác”, theo TS Nguyễn Anh Vũ.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng, do quy chế tuyển sinh không hạn chế số lượng nguyện vọng, thí sinh không nên quá “hà tiện” khi đăng ký nguyện vọng, để tăng khả năng trúng tuyển. Cụ thể, theo quy chế tuyển sinh, trường đại học xét tuyển không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng đăng ký. Trừ trường hợp thí sinh bằng điểm và tiêu chí phụ ở cuối danh sách, khi đó trường mới xét ưu tiên thí sinh có nguyện vọng đăng ký cao hơn nguyện vọng cao hơn.

Do đó, thí sinh nên chia nguyện vọng thành nhiều nhóm với mức độ ưu tiên khác nhau, mỗi nhóm có 3 nguyện vọng. Thí sinh được đăng ký vào nhiều ngành, trường khác nhau không hạn chế số lượng, phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Chẳng hạn, một thí sinh muốn đăng ký xét tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhưng không tự tin đủ điểm. Bộ phận tư vấn tuyển sinh của trường khuyên thí sinh nên đăng ký ngành này tại trường và đăng ký nguyện vọng 2 ở một trường khác. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ được xét tiếp nguyện vọng 2 mà không gặp bất lợi gì do các thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm.

Nếu đăng ký ngược lại, đặt ngành Tài chính - Ngân hàng ở trường khác là nguyện vọng 1, ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Ngân hàng ở nguyện vọng 2; khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét nguyện vọng 2 nữa kể cả điểm xét tuyển có cao hơn điểm chuẩn ở Trường Đại học Ngân hàng TPHCM.

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Gia Định lưu ý thí sinh tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh. Hiện, mỗi trường đại học có ít nhất 2 phương thức xét tuyển, phổ biến nhất là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Thí sinh phải tính toán, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng trúng tuyển.

Với thí sinh có mức điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức trung bình, TS Toàn khuyên nên sử dụng tất cả các phương thức thức xét tuyển hoặc ưu tiên cho phương thức xét học bạ THPT. Các em nên tham khảo chỉ tiêu xét tuyển của từng phương thức, tham khảo điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất rồi quyết định chọn ngành phù hợp để xét tuyển.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh, các cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung, bắt đầu từ ngày 7/9/2023. Thí sinh sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của trường. Các chuyên gia tuyển sinh cho biết, đây là “điểm rơi” quan trọng cho các thí sinh điểm thấp, chưa trúng tuyển đại học ở đợt 1. Lúc này, thí sinh có cái nhìn toàn thể hơn về bức tranh tuyển sinh các trường, biết được các chỉ tiêu ở các ngành còn thiếu, cân đối với năng lực của mình để có quyết định phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.