Vương quốc Anh: “Lật đổ” quan điểm mẫu giáo chỉ dành cho giáo viên nữ

GD&TĐ - Một nỗ lực đang được triển khai ở Vương quốc Anh, nhằm tăng số lượng nam giới làm việc trong cấp học mầm non. Nỗ lực này dựa trên thành công của Na Uy, nơi có tỷ lệ giáo viên chuyên nghiệp là nam giới trong GD mầm non cao nhất thế giới.  

Ít ai nghĩ rằng, việc gia tăng nam giới trong GD mầm non sẽ góp phần quan trọng vào GD giới tính cho trẻ
Ít ai nghĩ rằng, việc gia tăng nam giới trong GD mầm non sẽ góp phần quan trọng vào GD giới tính cho trẻ

Thiếu đa dạng giới tính

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Vương quốc Anh (DfE), chỉ có 2% lực lượng lao động trong GD mầm non (EYE) ở Anh là nam giới; mặc dù chính phủ cũng như DfE đã đặt ra nhiều mục tiêu để cố gắng thay đổi, kể cả những chuyển biến rõ rệt về chăm sóc trẻ em giữa cha và mẹ trong gia đình...

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster và Viện Nghiên cứu về văn hóa làm bố, đã đưa ra một nghiên cứu được thực hiện trong hai năm, tìm hiểu những trở ngại đã ngăn cản số đông nam giới tham gia EYE, đồng thời xác định các giải pháp khả thi để cải thiện tình hình.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một chuyến thực tế đến Na Uy, nơi có tới 10% lực lượng lao động trong EYE là nam giới và đang có mục tiêu đưa tỷ lệ này lên ít nhất 20% trong thời gian tới, như một phần của kế hoạch hành động bình đẳng giới quốc gia do chính phủ triển khai.

Tiến sĩ Jeremy Davies, Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu về văn hóa làm bố, cho rằng Vương quốc Anh, trực tiếp là DfE, cần phải suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình trong vấn đề nam giới tham gia vào EYE. Tiến sĩ Davies nói: “Sự thiếu đa dạng giới tính trong lực lượng lao động EYE của chúng ta đã bị thả nổi quá lâu. Chúng tôi hy vọng rằng, bằng cách học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Na Uy, chúng ta có thể phát triển một số chiến lược rõ ràng, mang tính khả thi để đẩy nhanh tiến độ cải thiện tỷ lệ giới trong EYE”.

Không chỉ là vấn đề cân bằng giới

Nói cho đúng thì không phải Vương quốc Anh không quan tâm đến vấn đề nêu trên. Trong kế hoạch phát triển GD giai đoạn 2001 - 2022, chính phủ đã đặt ra mục tiêu có 6% nam giới trong lực lượng lao động EYE vào năm 2004, nhưng mục tiêu đó đã thất bại thảm hại. Bằng chứng là những ngày đầu năm 2019 này, EYE của nước Anh chỉ có 2% lực lượng lao động là nam giới.

Dự án nghiên cứu do các chuyên gia đến từ ĐH Lancaster và Viện Nghiên cứu về văn hóa làm bố thực hiện, không đặt ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ nam giới tham gia vào EYE cũng như thời gian thực hiện mục tiêu đó; nhưng các nhà nghiên cứu sẽ làm việc với chuyên gia của các trung tâm EYE ở bốn địa điểm đã được lựa chọn ở Anh. Đây là những người tâm huyết không chỉ với lĩnh vực GD đầu đời cho HS, mà còn chung quan điểm cần ủng hộ sự gia tăng của nam giới trong EYE, để thúc đẩy phát triển GD toàn diện cho trẻ, trong đó đặc biệt quan trọng là GD về giới tính.

Được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu kinh tế và xã hội Vương quốc Anh, dự án nghiên cứu tập trung vào thực tiễn tốt nhất trong tuyển dụng, hỗ trợ và giữ chân nhân viên EYE. Các nhà nghiên cứu cũng lên kế hoạch thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn ngành để thu thập dữ liệu mới (tỷ lệ mới nhất về giới trong lao động tham gia vào EYE, vai trò của nam giới và những gì mà giáo viên nữ đang phải làm thay cho đồng nghiệp nam của mình...).

Cũng theo Tiến sĩ Warin, tỷ lệ 2% nam giới tham gia vào EYE là mức trung bình toàn cầu. Na Uy là một ngoại lệ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được tiến bộ với tỷ lệ nam giới chiếm hơn 5% lực lượng lao động EYE. 

“Kết quả khảo sát sẽ cung cấp một cơ sở bằng chứng rất cần thiết để hiểu được sự đóng góp của nam giới là gì, cần thiết đến đâu trong EYE và từ đó có thể chỉ ra tỷ lệ nam giới trong EYE bao nhiêu là đủ” - Tiến sĩ Jo Warin, đến từ Đại học

Lancaster và là một trong những nhà nghiên cứu chính của dự án, cho biết.

“Câu chuyện chúng ta đang nói, nó là vấn đề về quan điểm. Từ nghiên cứu trước đây của tôi, có thể kết luận rằng giáo viên mầm non được mặc nhiên coi là công việc của phụ nữ” - Tiến sĩ Warin phân tích - “Chúng tôi biết rằng, đó là một công việc không mang lại thu nhập cao. Chúng tôi biết rằng hầu hết cánh nam giới còn không hề nghĩ về nó khi cân nhắc sự nghiệp. Đó không phải là công việc lý tưởng của họ”.

Thay đổi tư duy truyền thống

Khi được hỏi tại sao việc thay đổi cân bằng giới tính trong lực lượng lao động tham gia vào EYE lại quan trọng như vậy, bà Warin nói: “Chúng tôi muốn các cô bé, cậu bé tiếp xúc với những người đàn ông trong vai trò chăm sóc, để họ lớn lên với tư duy rằng không phải chỉ có phụ nữ mới biết chăm sóc cho người khác và đó cũng không phải việc của riêng phụ nữ”.

Trong chuyến thực tế nghiên cứu tới Na Uy, nhóm nghiên cứu đã đến thăm Trường Mẫu giáo Gransen ở Trondheim, nơi mà ngay cả đối với Na Uy, tỷ lệ nam giới tham gia vào EYE cũng đáng kinh ngạc: 50%. Nam giới hoạt động rất tích cực và thực sự phát huy vai trò trong tổ chức các hoạt động ngoài trời cho trẻ, nhưng họ không làm việc một mình: Luôn có tỷ lệ tương xứng nam và nữ tham gia cùng. Ngay cả trong nấu ăn, chăm sóc trẻ, tập vẽ và đọc sách, cũng có sự phối hợp đồng đều giữa giáo viên nam và giáo viên nữ.

“Ở Na Uy, tôi không thấy sự phân biệt về vai trò và trách nhiệm giữa nam - nữ trong các cơ sở EYE” - bà Warin nói - “Dẫu vậy, cũng có sự phân công về năng lực giới. Những hoạt động ngoài trời hay trò chơi trong lớp học, nam gới mang lại trải nghiệm về sự mạo hiểm và sáng tạo, thậm chí là có chút phiêu lưu; trong khi nữ giới luôn nhẹ nhàng, chỉn chu và có xu hướng thu xếp mọi việc ở mức an toàn, có thể kiểm soát được. Trẻ cần phải được trải nghiệm đầy đủ sự đa dạng đó để các em không bị phát triển thiên lệch”.

“Chúng tôi theo đuổi mục tiêu đưa các chàng trai và cô gái cùng làm một công việc. Đó là những gì mà Na Uy đã hết sức thành công khi xây dựng một xã hội công bằng và trách nhiệm. Thật tuyệt vời khi thấy trẻ em được chăm sóc bởi cả nam và nữ, giống như trong một gia đình hạnh phúc và cha mẹ cùng có trách nhiệm với con. Về lâu dài, hy vọng là nếu trẻ nhỏ xem đàn ông đóng vai trò đương nhiên là người chăm sóc và giáo viên của chúng, chúng sẽ lớn lên với tư duy rằng đó là một công việc bình thường đối với con trai. Đó mới thực sự là cách GD giới tính hiệu quả nhất”, bà Warin nhấn mạnh.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...