Bà giáo Nhật Bản nặng lòng với giáo dục Campuchia

GD&TĐ - Bà giáo Miyuki Hoshino năm nay đã 92 tuổi, hiện cư trú tại thành phố Isesaki (tỉnh Gunma, Nhật Bản). Khi còn nhỏ, bà có lúc tưởng chừng phải bỏ học vì gia đình quá nghèo. Đó là hệ lụy của một đất nước Nhật Bản đang quay cuồng trong chiến tranh mà bỏ rơi những người lao động ở tầng lớp thấp.  

Bà Hoshino trong căn hộ tại Isesaki (tỉnh Gunma) ngày 10/10/2018, đang giới thiệu Bằng khen của chính phủ Campuchia
Bà Hoshino trong căn hộ tại Isesaki (tỉnh Gunma) ngày 10/10/2018, đang giới thiệu Bằng khen của chính phủ Campuchia

Nghĩa cử cao cả

Rất may, bằng sự cố gắng của cha mẹ và nỗ lực cá nhân, Hoshino đã hoàn thành việc học hành của mình và tiếp tục tạo dựng sự nghiệp là một giáo viên tại các trường tiểu học và trung học ở quê nhà.

Cũng vì tình yêu với sự nghiệp GD và nặng lòng với trẻ thơ, Hoshino đã gần như bị sốc khi đến thăm Campuchia lần đầu tiên vào khoảng 15 năm trước. Khi ấy, đất nước này vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tàn khốc kéo dài. Khắp nơi, kể cả những thành phố lớn, đều trong tình trạng đổ nát. Khỏi phải mô tả cũng có thể hình dung được rằng tình trạng GD tồi tệ đến thế nào.

Chuyến thăm mang lại cho Hoshino nhiều trăn trở. Bà quay lại Campuchia vài lần, rồi đi đến quyết định rằng mình có một nhiệm vụ mới trong cuộc sống sau bục giảng: Gây quỹ để xây dựng trường tiểu học ở những vùng nông thôn hẻo lánh của Campuchia.

Tính đến nay, sau hơn 10 năm kể từ khi phát động quỹ, Hoshino đã quyên góp hơn 20 triệu yên (176.400 đô la) cho mục đích tốt đẹp của mình. Ở tuổi 92, bà buộc phải thừa nhận rằng không thể tiếp tục nhiệm vụ tự nguyện ấy nữa. Mặc dù vậy, bà rất hài lòng khi ngôi trường mới nhất đã được thành lập. Đó là trường thứ ba được xây dựng dựa trên sự đóng góp từ quỹ của Hoshino, Khánh Thành vào tháng 3/2018.

“Tôi không thể chờ đợi để xem những đứa trẻ bây giờ có cơ hội được GD sẽ đóng góp cho xã hội như thế nào trong tương lai” - bà Hoshino tâm sự - “Tôi sẽ tràn đầy niềm vui nếu các hoạt động khiêm tốn của tôi giúp phát triển Campuchia”.

Trường Tiểu học Phum Kandal cũ vốn chỉ là một căn lán gỗ trống trải và ọp ẹp (Ảnh được cung cấp bởi Hiệp hội Tình nguyện Shanti)

Trường Tiểu học Phum Kandal cũ vốn chỉ là một căn lán gỗ trống trải và ọp ẹp (Ảnh được cung cấp bởi Hiệp hội Tình nguyện Shanti)

Truyền cảm hứng cho cộng đồng

Cho đến khi nghỉ hưu, Hoshino dành phần lớn thời gian trong 40 năm công tác để đứng trên bục giảng, trước khi trở thành nữ trợ lý hiệu trưởng đầu tiên và hiệu trưởng của các trường học ở Isesaki, thành phố quê hương của bà.

Các điều kiện khắc nghiệt của GD Campuchia mà bà được chứng kiến trong chuyến thăm đầu tiên vào 15 năm trước khiến bà nhớ lại tình cảnh nước Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với nạn nhân lớn nhất, bị tác động mạnh mẽ và lâu dài nhất vẫn luôn là trẻ em.

Với tình trạng sức khỏe và tuổi tác của mình, Hoshino hiểu rằng việc trở lại Campuchia và tiếp tục hoạt động hỗ trợ là không thể. Tuy vậy, bà mong mỏi cộng đồng, trong đó có thế hệ trẻ, sẽ nối tiếp việc làm dang dở của mình, cho không chỉ trẻ em nghèo ở Campuchia.

Ban đầu, bà đã gửi quyên góp (bằng tiền cá nhân) để cải tạo một trường tiểu học trong một khu vực nông nghiệp của tỉnh Kampong Thom ở miền Trung Campuchia. Vào thời điểm hoạt động trở lại sau khi kết thúc chiến tranh, ngôi trường này trong tình trạng gần như đổ nát hoàn toàn. Mặc dù có 360 trẻ đã được ghi danh, trường chỉ có hai phòng học. Nhiều đứa trẻ không bao giờ đến lớp vì gia đình quá nghèo và không đánh giá cao giá trị của việc được học hành.

Trong buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành một tòa nhà bê tông cốt thép mới với năm phòng học cho trường tiểu học này vào năm 2005, Hoshino đã nói về sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản từ đống đổ nát sau chiến tranh. Theo bà, chính GD đã cung cấp một cơ sở mạnh mẽ để xác định tương lai của một quốc gia, bắt đầu từ những đứa trẻ.

Ngay sau khi trường mới khai trương, Hoshino tiếp tục sử dụng tiền cá nhân để đóng góp bàn ghế, sách giáo khoa, văn phòng phẩm và các thiết bị phục vụ GD khác. Bà cũng đề nghị giúp cải thiện cơ sở vật chất xung quanh trường.

Tòa nhà mới của Trường Tiểu học Phum Kandal trong lễ khánh thành vào tháng 3/2018 (Ảnh được cung cấp bởi Hiệp hội Tình nguyện Shanti)
  • Tòa nhà mới của Trường Tiểu học Phum Kandal trong lễ khánh thành vào tháng 3/2018 (Ảnh được cung cấp bởi Hiệp hội Tình nguyện Shanti)

Nhận ra hiệu quả tích cực từ ngôi trường vừa được cải tạo đối với trẻ em địa phương, Hoshino quyết định trở về Nhật Bản kêu gọi gây quỹ để dựng lên hai tòa nhà trường học khác ở phía Tây Bắc tỉnh Battambang của Campuchia. Bà đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Tình nguyện Shanti ở Tokyo để cung cấp hỗ trợ cho GD Campuchia. Vào tháng 3 vừa qua, tòa nhà mới của Trường Tiểu học Phum Kandal, là công trình trường học thứ ba do Hoshino gây quỹ xây dựng, đã khánh thành và trở thành nơi học tập của khoảng 600 trẻ em địa phương.

Những nỗ lực của Hoshino được đánh giá rất cao. Chính phủ Vương quốc Campuchia tặng Bằng khen để tôn vinh bà. Người dân và học sinh những vùng được xây dựng trường coi bà như mẹ đỡ đầu và thường xuyên liên lạc để thăm hỏi. Ông Hisashi Seki, Tổng Thư ký Hiệp hội Tình nguyện Shanti, cho biết công việc của Hoshino đã truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ở Nhật Bản. Hiện tại, rất nhiều người chia sẻ mong muốn tiếp nối Hoshino để mang đến cơ hội cho càng nhiều trẻ em càng tốt để phá vỡ chuỗi nghèo đói trên toàn cầu.

Theo Asahi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.