(GD&TĐ) - Dưới tán lá của những cây dầu cổ thụ, trong ánh hoàng hôn, những tia nắng cuối chiều như càng rực rỡ hơn khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi bồi hồi trước khung cảnh vừa hoang sơ, vừa ma mị của vùng biên giới nơi đây. Nhìn bề ngoài, khu vườn mộ người Khmer này như một vườn cây trái ngọt lành thơm hương hoa và rộn ràng ong bướm. Có lẽ, khác với những khu nghĩa trang của người Kinh, nơi yên nghỉ những linh hồn của người Khmer luôn gợi lên cảm giác êm đềm, thanh thản.
|
Khu vườn mộ người Khmer |
Từ lâu, văn hóa truyền thống của Khmer Nam bộ nói chung và người Khmer ở Tây Ninh nói riêng đã có những nét khác biệt, độc đáo riêng. Theo đó, với những người theo dòng Phật giáo Nam tông và cả Bắc tông, sau khi mất, họ sẽ được an nghỉ ở một khu vườn mộ, thường được đặt cạnh một ngôi chùa nào đấy, trong ấp dân cư của người Khmer, như một cách để các linh hồn có nơi trú ngụ cõi vĩnh hằng. Tìm đến một trong những ngôi chùa như thế, chùa Thác Rác ở ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh) khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về cách mai táng người đã khuất vô cùng độc đáo. Men theo con đường đất đỏ từ tỉnh lộ 796 khoảng ba cây số, chùa Thác Rác hiện ra từ xa xa như một lùm cây cổ thụ khổng lồ giữa một ngã ba hiu quạnh, vắng vẻ điển hình miền biển. Nhìn bề ngoài, chùa Thác Rác cũng như rất nhiều những ngôi chùa khác của người Khmer với cổng màu vàng, có nhiều hình tòa tháp đắp nổi, xếp chồng lên nhau cùng lối kiến trúc trang trí họa tiết bắt mắt, vui tươi. Mặt chùa luôn có ba khối tòa tháp cùng dòng chữ của người Khmer ở chính giữa.
|
Miếu ông Tà |
Dẫn tôi đi thăm khu vườn mộ độc đáo phía bên phải khuôn viên của chùa, Hòa thượng Quo Xa To vui vẻ bảo: “Với quan niệm người Khmer chúng tôi, sống trên đời chỉ là tạm bợ, khi về thế giới bên kia, sự sống mới viên mãn, vĩnh hằng được. Bởi vậy, sau khi mất đi, những linh hồn người Khmer luôn được chăm sóc rất cẩn thận, hương khói đều đặn. Chỉ cho chúng tôi thấy một ngôi nhà mồ độc đáo đặc trưng trong phong cách xây dựng Khmer, Hòa thượng Quo Xa To tiếp, thông thường, cấu trúc mỗi ngôi nhà mồ cũng khá đơn giản. Nếu nhà trệt thì chỉ bốn bức tường bao trên diện tích bằng chiếc chiếu đôi (1,8 x 2,2)m. Tường xây chỉ cao 0,6- 0,8 mét. Ở bốn góc, các cột sẽ tiếp tục lên cao để đỡ một bộ mái nhẹ nhàng gồm hai hoặc bốn tấm mái tôn. Tất cả chỉ cao độ chừng hơn 2 mét. Nếu là nhà sàn thì người ta cũng chỉ làm bộ khung từ bốn cây cột nhỏ bằng cây gỗ tròn hoặc trụ bê tông nhỏ thường dùng làm hàng rào sân vườn nhà ở. Khoảng giữa cột, ở độ cao từ 0,5 đến 1 mét, có gác thêm cây để làm một tấm sàn ghép từ ván gỗ. Ở loại nhà sàn này, thường chỉ lợp đơn giản bằng hai dốc mái tôn, hoặc giản dị hơn bằng một tấm giấy dầu. Tại những ngôi mộ trệt được xây, ngoài một bệ xây để bát nhang, bình bông thì phần lớn nền được quây gạch, bên trong đổ cát. Những lọ tro cốt của người đã mất thường được vùi ngay trong lớp cát này. Còn ở những ngôi nhà mồ kiểu sàn, thường bên trong chỉ có bát nhang, bình bông và những tấm biển ghi tên tuổi người quá cố. Những mộ sàn không có bình tro cốt, mà được chôn ngay dưới nền đất rừng bên dưới.
Ngoài những ngôi nhà mồ có cấu trúc như trên, trong các khu vườn mộ của người Khmer thường có một miếu ông Tà, như một người giữ yên các linh hồn, làm cầu nối với trần gian. Về cơ bản, cấu trúc của miếu ông Tà cũng tương tự như các ngôi nhà mồ khác. Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất là miếu ông Tà bao giờ cũng dựa vào gốc cây to, còn nhà mộ thì có thể ở bất cứ đâu.
|
Một ngôi nhà mộ với tên người quá cố bên cạnh |
Ngoài khu vườn mộ ở chùa Thác Rác này, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Tây Ninh còn có rất nhiều các khu vườn mộ khác nằm trong ấp dân cư, kề với một ngôi chùa - nơi nuôi dưỡng tâm linh của người Khmer. Đó là các khu vườn mộ chùa Giác Ngạn ở phường 1 (Thị xã Tây Ninh), Cổ Lâm ở xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) hoặc chùa Long Thọ ở xã Long Khánh (huyện Bến Cầu)… Tất cả chúng không những là nơi yên nghỉ mà còn là chốn để con cháu người Khmer thờ phụng, cúng lễ những dịp đặc biệt trong năm, như một cách biểu thị sự tôn kính với tổ tiên đã mất.
Có lẽ, trong cuộc đời, tôi đã từng đi qua rất nhiều khu nghĩa trang ở rất nhiều địa phương khác nhau. Tất cả đều mang đến một cảm giác sờ sợ, hãi hùng và nhuốm màu u tịch. Tuy nhiên, khi đứng trong khu vườn mộ của người Khmer nơi đây, cảm giác về sự chết chóc đã không còn. Thay vào đó là một điều gì đấy nhẹ nhàng, ung dung, tự tại. Hình như, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đã bị xóa nhòa một cách kỳ lạ. Tất cả làm cho tâm hồn con người trở nên tĩnh tại, hư không. Sống, chết có lẽ chẳng phải là một điều gì đấy quá đau khổ ở chốn nhân gian nữa.
Đoàn Đại Trí