Vũng Tàu: Nhà dân biến thành Condotel, chủ đầu tư “thoát xác”

GD&TĐ - Nhà đang ở ổn định đã 10 năm bỗng chốc trở thành căn hộ Condotel. Hàng trăm hộ dân tại tòa nhà Sơn Thịnh 2, TP Vũng Tàu như đang ngồi trên lửa khi đối diện nguy cơ rắc rối vì đại diện pháp luật dự án đã thay đổi.

Phần cơi nới, sai trái phép của chủ đầu tư bị Thanh tra xây dựng TP Vũng Tàu phát hiện, xử lý.
Phần cơi nới, sai trái phép của chủ đầu tư bị Thanh tra xây dựng TP Vũng Tàu phát hiện, xử lý.

Tình trạng “ve sầu thoát xác”?

Mọi rắc rối về pháp lý xảy ra với cư dân tại dự án trên xuất phát từ kết luận thanh tra hồi tháng 2 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về các lùm xùm tại dự án. Kết luận nêu rõ, chủ đầu tư đã chuyển đổi căn hộ du lịch tại dự án Sơn Thịnh 2 sang căn hộ để ở (khoảng 400 căn), đã thu tiền góp vốn, tiền bán một số căn hộ. Trong thời gian thanh tra, doanh nghiệp không cung cấp được hồ sơ, chứng từ… do chủ doanh nghiệp trước đó bệnh và qua đời.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều cư dân tại tòa nhà Sơn Thịnh 2 cho biết dự án trước đây do ông Nguyễn Công Bình làm chủ. Tháng 6/2019, ông Bình mất do bạo bệnh, doanh nghiệp được ông Vũ Đình Tú mua lại. Tuy nhiên, từ tháng 4/2020, doanh nghiệp này lại do ông Hoàng Ngọc Hưng làm đại diện pháp luật.

“Chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp Sơn Thịnh. Dù thay đổi ai là người đại diện pháp luật thì doanh nghiệp ấy vẫn tồn tại và phải giải quyết việc ra sổ hồng cho người dân” – bà Lê Thị Hạnh, một cư dân nêu ý kiến.

Theo UBND TP Vũng Tàu, dự án do doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh làm chủ đầu tư. Được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 12/2010. Chức năng sử dụng là trung tâm mua sắm, nhà hàng, các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ, căn hộ nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gọi vốn, xây dựng chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi một số căn hộ du lịch sang căn hộ chung cư bán cho người dân dẫn đến sai phạm, kiện cáo kéo dài.

Ông Nguyễn Công B. là người trực tiếp làm đơn tố cáo chủ đầu tư về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế lên công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ông B., doanh nghiệp Sơn Thịnh đã thu tiền của dân, hợp đồng mua bán thể hiện rõ là việc mua bán căn hộ. Nhưng đến nay chủ đầu tư lại không thực hiện cam kết, mang căn hộ đã bán đi thế chấp ngân hàng mà không thông báo cho khách hàng biết, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng…

“Theo tôi được biết, phía công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có kết luận ban đầu việc ký hợp đồng bán căn hộ tại dự án cao ốc Sơn Thịnh 2. Theo cơ quan công an dự án được xây dựng trên đất có mục đích sử dụng đất là đất dịch vụ (không phải đất ở) dẫn tới việc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đây rõ ràng là hành vi lừa đảo của chủ dầu tư” - ông B. cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, một cư dân nói: “Lúc mua nhà năm 2014 thì đâu có khái niệm Condotel. Hợp đồng tôi mua là hợp đồng mua bán nhà ở, tôi đã đóng hết khoản phí, kể cả tiền phí bảo trì chung cư 2% như hợp đồng mua bán nhà ở bình thường. Giờ căn hộ chúng tôi đang ở tự dưng chuyển ra thành căn hộ du lịch là chuyện không thể chấp nhận”. 

Hướng ra nào cho hàng trăm hộ dân?

Theo Sở Xây dựng TP Vũng Tàu, đơn vị này đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của cư dân dự án Sơn Thịnh 2. “Hiện vụ việc khá phức tạp và đang trong quá trình giải quyết nên chưa thể thông tin thêm được gì” - đại diện Sở Xây dựng TP Vũng Tàu cho biết.

Chủ đầu tư cao ốc Sơn Thịnh 2 đã vướng rất nhiều sai phạm trong quá trình xậy dựng. Tháng 4/2011, Sở Xây dựng TP Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư, quy mô dự án gồm 33 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật và sân thượng. Tổng diện tích sàn xây dựng là 63.402m2, không kể tầng hầm, kỹ thuật và mái.

Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế, làm tăng diện tích sàn căn hộ nghỉ dưỡng từ 63.402m2 lên thành 74.072m2 (tăng 10.670m2). Trong đó, điều chỉnh tầng dịch vụ giải trí (tầng lửng) thành dịch vụ khách sạn, sử dụng tầng kỹ thuật làm căn hộ nghỉ dưỡng. Điều này dẫn đến tăng hệ số sử dụng đất của dự án từ 18,2 lên 20,4.

Kết luận của Thanh tra tỉnh chỉ rõ ngoài việc xây dựng vượt diện tích ghi trên giấy phép, trên tầng thượng còn vượt diện tích 158m2 gồm: Nhà để máy phát điện dự phòng, nhà kho, hồ bơi, cửa hàng tiện lợi. Đây là những công trình phụ gây cản trở đường lưu thông xe cứu hỏa phục vụ phòng cháy chữa cháy cho công trình…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, ngày 12/7, đại diện pháp lý của doanh nghiệp Sơn Thịnh có thông tin rằng, khi tiếp nhận doanh nghiệp, phía công ty mới thấy các hợp đồng ông B (chủ đầu tư ban đầu) ký với cư dân rất khác nhau, lúc là hợp đồng mua bán nhà ở, căn hộ, lúc là hợp đồng góp vốn… Tuy nhiên, căn cứ theo giấy phép xây dựng thì đại diện pháp lý của Sơn Thịnh khẳng định đây là căn hộ du lịch.

Thanh tra tỉnh đề xuất UBND tỉnh 2 giải pháp. Cụ thể là sẽ điều chỉnh quy hoạch từ đất dịch vụ du lịch sang đất ở. Truy thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở (nhằm tránh thất thu ngân sách và quyền lợi khách hàng đã mua căn hộ được bảo đảm). Hoặc buộc chủ đầu tư trả lại mục đích ban đầu là căn hộ du lịch. Kiến nghị, chỉ đạo Sở Xây dựng đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những hạng mục xây dựng trái phép, không phép.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn luật sư TPHCM, nếu chủ đầu tư biết rõ đây là dự án Condotel mà cố tình ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, chức năng ở là có dấu hiệu của tội lừa dối khách. Do đó, ngoài việc xem xét khả năng khởi kiện đòi quyền lợi, khách hàng có thể cung cấp thêm các hồ sơ cho cơ quan CSĐT để xem xét dấu hiệu tội phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ