Vùng khó không làm khó được thầy trò

GD&TĐ - Dù nhiều khó khăn, Trung tâm GD nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk vẫn đạt thành tích xuất sắc 3 năm liền.

Một giờ học theo phương pháp mới tại Trung tâm GDNN-GDTX Ea Súp. Ảnh: TT
Một giờ học theo phương pháp mới tại Trung tâm GDNN-GDTX Ea Súp. Ảnh: TT

Quả ngọt sau tháng ngày vun trồng

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea Súp có 60 thí sinh là học viên khóa 2020 - 2023 đăng ký và dự thi, trong đó, 50 em là người dân tộc thiểu số (chiếm 83,33%). Kết quả, 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp trong đó có 1 em đạt 8,25 điểm môn Sử. Nhiều em có phổ điểm các môn đăng ký xét tuyển đại học tương đối cao.

Đây là năm thứ 3 liên tục Trung tâm đạt được thành tích đáng tự hào này. Vui mừng với kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Thành quả của học sinh chính là thước đo cho chất lượng dạy học và giáo dục của thầy cô. Không có quả ngọt nào mà không có nỗ lực của người vun trồng. Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy cô giáo đã động viên học viên khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách để học tập tốt nhất”.

Khẳng định kết quả đạt được rất đáng biểu dương, ông Phạm Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức dạy học thì số lượng biên chế giáo viên ít là một trong những trở ngại đối với Trung tâm GDNN-GDTX. Thế nhưng, ngoài đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đơn vị này còn phải tập trung dạy học chương trình THPT.

“Lãnh đạo huyện chúc mừng và biểu dương kết quả 3 năm liền có 100% học viên đỗ tốt nghiệp. Tôi khẳng định, chất lượng đào tạo tốt phải được thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp. Vì hầu hết học viên ở đây là những em không đủ điều kiện vào trường THPT hoặc đã nghỉ học, đi làm thuê nhiều năm mới quay lại học. Việc giúp học viên lấy lại đam mê học tập là nỗ lực rất lớn của thầy cô ở Trung tâm”, ông Công nói.

Trường vùng khó vượt khó

Là cơ sở giáo dục ở vùng biên giới, điều kiện tổ chức dạy học còn nhiều thiếu thốn, phần lớn học viên ở các xã khu vực biên giới (Ia Lốp, Ia Rvê, Ia JLơi, Ea Rok). Nhiều em nhà cách xa Trung tâm hơn 40km. Đặc biệt, trong số học viên người dân tộc thiểu số thì có tới 80% là con hộ nghèo, cận nghèo. Một số học viên lớn tuổi, từng vướng vòng lao lý nay được thầy cô vận động đi học lại.

Trong bộn bề khó khăn ấy, bằng tình yêu thương và phương pháp sư phạm tốt, đội ngũ thầy cô giáo của Trung tâm đã “chèo lái” những chuyến đò sang sông an toàn. Không giấu được niềm tự hào, thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên Lịch sử tâm sự, nhiều học viên đến Trung tâm GDNN-GDTX Ea Súp để làm lại cuộc đời. “Cũng như thầy cô ở một số Trung tâm khác, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học, giáo dục cho học viên. Nhiều đêm, tôi trăn trở, phải có cách gì đó để giúp các em tìm lại niềm vui trong học tập và tìm thấy ánh sáng tươi đẹp cho cuộc đời về sau”.

Để giải quyết bài toán trên, ngoài thực hiện tốt chỉ đạo chuyên môn của sở GD&ĐT và Giám đốc Trung tâm, thầy Tùng và thầy cô giáo nơi đây phải “lặn lội” tìm giải pháp tối ưu nhất. “Việc đi từ vài chục đến gần cả 100km trong ngày đối với giáo viên của Trung tâm là chuyện thường. Nhiều em ở xa, gần biên giới, điều kiện kinh tế khó khăn, chúng tôi phải đi tìm hiểu. Có em vì hoàn cảnh, theo bạn bè đi phá rừng rồi dính lao lý… Mình phải hiểu kỹ hoàn cảnh mới có phương pháp động viên và phương pháp dạy học cụ thể cho từng em được”, thầy Tùng chia sẻ.

Nói thêm về điều này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp phân tích, 100% học viên đăng ký vừa học chương trình GDPT vừa học Trung cấp nghề đã giúp địa phương giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

“Ngoài dạy kiến thức, đơn vị còn đào tạo nghề, giúp cho học viên sau khi ra trường có việc làm, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, việc một số thanh niên trở lại trường học, được thầy cô rèn luyện, giáo dục cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Địa phương đang thúc đẩy xuất khẩu lao động theo thời vụ sang Hàn Quốc, đây là điều kiện để Trung tâm GDNN-GDTX phát huy vai trò “đầu tàu” trong đào tạo nghề cho địa phương”, ông Phạm Công nói thêm.

Theo thầy Tùng, nhiều em sau khi đến Trung tâm học, được thầy cô động viên, đã tìm thấy niềm vui trong học tập: “Có 5 em, sau khi ra tù đến Trung tâm học lại. Các thầy cô động viên, hướng dẫn, sau đó các em cố gắng học và nay đã ra trường, có việc làm ổn định. Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi qua Zalo. Tết nào các em cũng đến gặp thầy cô để chúc Tết”, thầy Tùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.