Trường vùng khó đua thời gian triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Nhiều trường vùng khó đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình mới.

Tiết học của học trò Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Ảnh NTCC
Tiết học của học trò Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Ảnh NTCC

Phát huy nội lực

Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) có 268 học sinh/9 lớp, trong đó 7 lớp cấp THCS và 2 lớp cấp THPT. Thầy Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Chúng tôi đang triển khai cho giáo viên nghiên cứu lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa phù hợp; Đồng thời, chọn những người có kinh nghiệm, thành thạo công nghệ thông tin để tham gia giảng dạy chương trình mới…”.

“Giáo viên dạy hai môn Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT của trường còn “trống”. Ban giám hiệu đã đề xuất Sở GD&ĐT cho giáo viên 2 môn này ở cấp THCS của trường tham gia giảng dạy cho cả THPT. Những giáo viên này đều có trình độ đại học, đáp ứng được yêu cầu của chương trình”, thầy Thời chia sẻ.

Theo thầy Thời, việc chuẩn bị triển khai lớp 8, 11 theo Chương trình GDPT 2018 năm học tới có thuận lợi đó là các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật nhà trường đều tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị của cấp THCS để giảng dạy, cùng đó, trường bố trí sẵn phòng học 30 chỗ ngồi, có các thiết bị cơ bản để dạy học.

Thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) trao đổi: Với đặc thù trường liên cấp 2 và 3, đã áp dụng mô hình trường học mới 5 năm. Do đó, khi triển khai Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc sách giáo khoa, các môn học Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội với chương trình trường học mới cho giáo viên phần nào đã có kinh nghiệm, triển khai thuận lợi.

“Trường mới xây dựng và đi vào hoạt động năm 2018 do vậy những quy chuẩn về cơ sở vật chất đạt yêu cầu quy định. Một số phòng âm nhạc, mỹ thuật và phòng chức năng, phòng học bộ môn đang được thiết kế, dự kiến nửa năm nữa triển khai xây dựng”, thầy Quế cho biết.

Thầy Hoàng Đức Hoà - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng khẳng định, yếu tố thuận lợi khi triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 8, 11 bởi “trường có đội ngũ giáo viên trẻ, tâm huyết, yêu nghề, thành thạo công nghệ thông tin do vậy khi tiếp cận với chương trình mới các thầy cô thích ứng nhanh…”.

Thầy Hoà cũng cho rằng, thời gian chuẩn bị không còn dài do đó nhà trường đang gấp rút kiểm tra lại các thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy của chương trình cũ để chọn lọc dụng cụ nào có thể tái sử dụng, tránh lãng phí. Đồng thời, những môn học có tiết thí nghiệm khó, cơ sở vật chất, thiết bị không đáp ứng được, trường khuyến khích giáo viên nghiên cứu thí nghiệm ảo để mô phỏng cho học sinh hiểu. Trường cũng lưu ý giáo viên tận dụng tối đa công nghệ thông tin để bài giảng phong phú, kích thích học sinh và phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên.

Sau ba năm triển khai Chương trình GDTP 2018, thầy Nguyễn Văn Hoài - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT tiểu học Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ: Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên cần chú ý đến tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu biết về chương trình, sách giáo khoa mới. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên phải đẩy mạnh tham gia các lớp tập huấn, nghiên cứu tài liệu. Trong quá trình giảng dạy, học sinh đôi khi còn chậm hiểu thầy cô phải chịu khó rèn giũa, quan tâm để các em nắm được chương trình, tiếp thu bài hiệu quả”.

Thầy trò Trường Phổ thông DTBT tiểu học Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: NTCC

Thầy trò Trường Phổ thông DTBT tiểu học Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: NTCC

Vừa làm vừa gỡ

Thầy Hoàng Đức Hoà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch thẳng thắn chỉ ra những khó khăn chưa tháo gỡ hiết khi bước vào triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở năm học tới: “Thực hiện song song 2 chương trình nên việc đánh giá, xếp loại học sinh dễ nhầm lẫn. Một số giáo viên lớn tuổi, ngại thay đổi phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, đa số giáo viên của trường được đào tạo môn đơn nên khi giảng dạy gặp nhiều khó khăn, nhất là các môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử, Địa lí”.

Cùng đó, cơ sở vật chất trang thiết bị tại trường chưa đáp ứng đủ: Thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng. “Hiện nhà trường có duy nhất phòng tin học với 10 máy tính. Trong khi đó Tin học là môn bắt buộc. Trước những thách thức về điều kiện cơ sở vật chất, thầy cô và học trò mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa cho việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường…”, thầy Hoà bày tỏ.

Như nhiều trường học vùng khó đang trong cảnh thiếu nhân lực, thầy Vũ Xuân Quế chia sẻ: “Trường thiếu cả giáo viên Tin học và Tiếng Anh. Để khắc phục khó khăn, trước mắt đối với môn Tin học, trong lúc chờ bổ sung biên chế, trường đã cử một cô giáo đi học để trở về giảng dạy...”.

Còn tại Trường Phổ thông DTBT tiểu học Bát Đại Sơn, để khắc phục thiếu giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học trong bối cảnh không có nguồn tuyển, nhà trường sẽ tiếp tục bố trí dồn lớp, dạy trực tuyến nhằm đảm bảo học sinh được học đầy đủ các môn học, đáp ứng yêu cầu cơ bản chương trình đề ra.

“Chương trình GDPT 2018 áp dụng từ lớp 1 đến lớp 12 do đó rất cần giáo viên, cơ sở vật chất đầy đủ. Bên cạnh tận dụng nhân lực, nguồn lực đã có, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, đầu tư hơn nữa để việc triển khai đảm bảo hiệu quả…”, thầy Hoài chia sẻ.

“Cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT 2018 của Đình Lập cơ bản được đầu tư đồng bộ. Khó khăn lớn nhất gặp phải chính là thiếu giáo viên Tin học và Tiếng Anh. Chúng tôi đã phân công giáo viên THCS kiêm nhiệm để đảm bảo học sinh được học đầy đủ, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương có phương án tuyển dụng giáo viên. Đối với chương trình lớp 4 và 8, chúng tôi đã triển khai tập huấn, tổ chức giáo viên nghiên cứu tài liệu để lựa chọn bộ sách phù hợp; lưu ý các trường kiểm tra, rà soát khó khăn, bất cập ở đâu để có phương án hỗ trợ”. - Bà Ninh Thu Giang (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập, Lạng Sơn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ