Vùng khó dồn lực tu bổ trường, lớp đón năm học mới

GD&TĐ - Các trường học vùng khó đang tập trung mọi nguồn lực từ sự ủng hộ của các CLB đội nhóm, mạnh thường quân… để có kinh phí sửa chữa trường lớp.

Trường đẹp cho em

Chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) đã tiến hành ốp gạch men quanh tường phòng ở nội trú, quét lại sơn, làm hệ thống bếp một chiều. Nhà trường vừa nhận bàn giao công trình nhà vệ sinh trường học do 2 đơn vị trong và ngoài nước phối hợp thực hiện.

Sân bóng đá của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng khi học sinh tựu trường.
Sân bóng đá của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng khi học sinh tựu trường.

Công trình vệ sinh có 6 phòng với 2 dãy dành riêng cho học sinh nam – nữ, được xây dựng với tổng kinh phí gần 350 triệu đồng. Dự án này thuộc Chương trình “Điều ước cho em” – chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ nhiều mặt cho học sinh, giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ nguồn ủng hộ của các cá nhân, CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đang hỗ trợ xây dựng kiên cố cho điểm trường điểm trường Ông Bình thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam).

Từ trường xã lên tới điểm bỏ xe máy đi bộ, đoạn đường chỉ hơn 10km nhưng phải đi mất 1,5 tiếng đồng hồ mới đến điểm trường Ông Bình. Dù con đường mới làm nhưng chưa được thảm nhựa nên mùa mưa, mặt đường không khác gì mặt ruộng cày. Các thầy cô đi dạy khá gian nan và nguy hiểm.

Anh Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau cho biết: “Sau một thời gian tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, hè này, chúng tôi khởi động lại hoạt động hỗ trợ xây dựng kiên cố trường học ở các điểm lẻ nằm sâu trong thôn bản. Ở điểm trường đều 3 không: không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, phải dùng tua – bin để kéo điện suối về dùng.

Thầy cô và các em học sinh vẫn phải dẫn nước suối về dùng. Người dân chủ yếu làm rẫy. Những đứa trẻ hiền lành, lễ phép, nhưng lem luốc, ngồi học trong những phòng học được ghép từ những tấm tôn gỉ sét chắp vá, những phên gỗ xuống cấp lủng lỗ chỗ”.

Điểm trường Ông Bình có 49 em học sinh gồm mẫu giáo và các lớp 1, 2, 3. Mỗi điểm trường được CLB Bạn thương nhau đầu tư xây dựng kiên cố 2 phòng học, 1 phòng giáo viên và khu vệ sinh với tổng diện tích , khoảng 140m2. Ngoài nguồn kinh phí vận động xây dựng mỗi điểm trường khoảng 500 triệu đồng, CLB cùng với chính quyền và thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn đã vận động bà con trong nóc đóng góp này công. tham gia vận chuyển vật liệu.

Học sinh tại thôn Ông Dũ (xã Trà Vân, Nam Trà My) hàng ngày ngóng công trình trường học mới đang dần hoàn thiện, chuẩn bị cho năm học mới.

Học sinh tại thôn Ông Dũ (xã Trà Vân, Nam Trà My) hàng ngày ngóng công trình trường học mới đang dần hoàn thiện, chuẩn bị cho năm học mới.

Đón chờ những bước chân đến trường

Từ nhiều nguồn ủng hộ, CLB Kết nối Nam Trà My (Quảng Nam) đã hỗ trợ để xây dựng kiên cố điểm trường Ông Dũ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân và điểm trường thôn 2 thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vinh (Quảng Nam).

Mỗi điểm trường được đầu tư xây dựng 2 phòng học, phòng ở của giáo viên, công trình vệ sinh và sân chơi. Riêng điểm trường ở xã Trà Vinh được trang bị thêm đồ chơi ngoài trời cho học sinh và bộ thiết bị điện năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí đầu tư của 2 công trình gần 1,3 tỷ đồng.

Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh (Bình Định) đang khẩn trương tiến hành sửa chữa phòng học cho điểm trường của tỉnh Bình Định như: Hòn Mẻ của Trường Mẫu giáo Canh Thuận; điểm trường Hà Văn Trên của Trường Tiểu học Canh Thuận... Danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học gồm: Thiết bị dạy học lớp 4 cho 8 trường tiểu học; thiết bị dạy học lớp 8 trang bị cho 5 trường THCS; thiết bị dạy học cho 3 phòng chức năng Khoa học tự nhiên của cấp THCS; máy vi tính để bàn…

Ngoài ra, huyện Vân Canh có 2 trường mầm non được đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí 13 tỷ đồng sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Năm 2023 huyện Vân Canh bố trí 17 tỷ đồng cho ngành GD-ĐT mua sắm trang thiết bị dạy học và sửa chữa, duy tu bảo dưỡng công trình trường, lớp học để đạt chuẩn quốc gia và phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) bố trí nguồn kinh phí 9 tỷ đồng sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất trường lớp học; mua sắm trang thiết bị dạy học cho bậc mầm non, tiểu học và THCS, với kinh phí 6 tỷ đồng. Đồng thời, mua sắm, lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết RO cho 5 trường học trên địa bàn huyện, với kinh phí 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ được giao 422 triệu đồng để thực hiện mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho các trường nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Từ nguồn ủng hộ của hai học sinh tại Đà Nẵng, 9 tủ sách đã được đặt tại các điểm trường lẻ tại các xã Long Tú, Trà Don, Trà Vinh, Trà Mai, Trà Vân và Trà Cang của Nam Trà My (Quảng Nam). Dự án “Sách đọc tặng bạn – Tương lai rộng mở” sẽ duy trì lâu dài tại các điểm trường này và kỳ vọng mở rộng thêm ở nhiều điểm trường lẻ vùng sâu, xa khác. Mỗi quyển sách có mặt trong tủ sách hy vọng sẽ mở ra những chân trời mới, gieo thêm ước mơ, hoài bão cho trẻ em miền núi về một tương lai tươi sáng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.