Hối hả chuẩn bị trường lớp sẵn sàng vào năm học mới

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023, các sở GD&ĐT đã nhanh chóng dự thảo trình UBND cấp tỉnh kế hoạch thời gian năm học mới tại địa phương.

Học sinh cả nước bước vào năm học mới với tâm thế mới. Ảnh minh họa: Công Chung
Học sinh cả nước bước vào năm học mới với tâm thế mới. Ảnh minh họa: Công Chung

Nhiều nhà trường cũng dự kiến các mốc thời gian và kế hoạch công việc để chủ động, sẵn sàng triển khai trong khi chờ quyết định thời gian năm học chính thức.

Sớm ban hành kế hoạch thời gian năm học

Tại Tiền Giang, thông tin từ ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, dự thảo kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã trình UBND tỉnh. Theo dự thảo, ngày tựu trường sớm nhất vào 22/8, tổ chức khai giảng vào 5/9.

Cụ thể, các trường mầm non sẽ tập trung đón trẻ, ổn định nền nếp lớp, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới từ ngày 29/8 - 4/9. Ngày 5/9, tổ chức ngày hội trẻ đến trường và chính thức học chương trình năm học mới. Riêng với tiểu học, kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT quy định chỉ lớp 1 mới được tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

“Từ nay đến ngày tựu trường và khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành vệ sinh trường lớp; rà soát và tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thực hiện tốt công tác vận động HS ra lớp… để sẵn sàng cho năm học mới 2022 - 2023” - ông Lê Quang Trí cho hay.

Tuy nhiên, năm học vừa qua, học sinh (HS) tiểu học Tiền Giang phải học trực tuyến hơn 1 học kỳ, các em cần được ôn tập, củng cố kiến thức trước năm học mới. Do đó, theo ông Lê Quang Trí, dự thảo của sở GD&ĐT cho cả cấp tiểu học tập trung ổn định nền nếp lớp và ôn tập củng cố kiến thức cho HS từ 22/8 - 2/9. Đối với THCS, THPT, dự thảo cho HS đến trường sớm 1 tuần để ổn định tổ chức và sinh hoạt đầu năm mới. Cụ thể, HS THCS, THPT bắt đầu tựu trường vào 29/8.

Sở GD&ĐT Gia Lai đã có văn bản gửi các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm GDNN - GDTX huyện; đơn vị trực thuộc Sở; Sở Y tế tỉnh Gia Lai để lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Ý kiến góp ý gửi về sở GD&ĐT trước 10/8 để tổng hợp, trình UBND tỉnh ban hành. Theo dự thảo, HS toàn tỉnh tựu trường ngày 29/8. Riêng lớp 1, tựu trường ngày 22/8. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.

Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cũng đã dự thảo trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động trong công tác chuẩn bị và triển khai các nhiệm vụ đầu năm học 2022 - 2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị thông báo tập trung HS các khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10 vào ngày 25/8 để tổ chức biên chế lớp học, làm quen với giáo viên và môi trường học tập mới, dặn dò, phổ biến quy chế nhà trường... Các khối lớp thuộc các cấp học còn lại tập trung vào ngày 29/8 để thông báo đến HS các kế hoạch của nhà trường trong năm học mới.

Khung kế hoạch năm học là cơ sở để các địa phương thực hiện thành công công tác GD-ĐT. Ảnh minh họa

Khung kế hoạch năm học là cơ sở để các địa phương thực hiện thành công công tác GD-ĐT. Ảnh minh họa

Dành thời gian bổ trợ kiến thức cho học sinh

Dù UBND tỉnh chưa ban hành kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023, nhưng căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT ban hành, Trường THPT Miềng Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) đã dự kiến các mốc thời gian học sinh đến trường; chuẩn bị điều kiện để đón học sinh nhằm triển khai một cách chủ động nhất khi có kế hoạch thời gian năm học chính thức.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, thời điểm này, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã đi làm trở lại, dự kiến phân công chuyên môn học kỳ I cũng gửi đến các thầy, cô giáo. Riêng với lớp 10, năm học 2022 - 2023, nhà trường có tổng số 200 học sinh. Từ 5/8, các em bắt đầu đến trường đăng ký nguyện vọng lựa chọn môn học; đến nay có 184 học sinh nộp đơn đăng ký nguyện vọng tại các lớp.

Việc nộp đơn sẽ kết thúc trong tuần này để có thể hoàn thành sắp xếp lớp học với lớp 10. Với lớp 12, trường dự kiến cho học sinh đến trường sớm hơn để tổ chức ôn tập, củng cố lại kiến thức, hỗ trợ các em nhiều nhất để đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thời gian dự kiến học sinh lớp 12 đến trường là 15/8 và việc ôn tập kiến thức cho học sinh hoàn toàn miễn phí.

“Chúng tôi cố gắng có những giải pháp để khắc phục khó khăn khi năm học 2022 - 2023 cùng lúc phải triển khai 2 chương trình; đặc biệt thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 10 trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn” - thầy Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Với Thừa Thiên - Huế, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, sở đã có những lưu ý cụ thể với các đơn vị về công việc trước ngày tựu trường. Trong đó có yêu cầu liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế, nội quy nhà trường; công tác chuẩn bị SGK (cả khối phổ thông và GDTX), điều kiện học tập của HS; hệ thống phòng học, phòng chức năng, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em, điện chiếu sáng, quạt… Qua đó, nhà trường chủ động duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất bảo đảm cho việc tổ chức dạy học; tổng vệ sinh khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng chức năng…

Cùng với việc hoàn thành sinh hoạt chính trị đầu năm, các nhà trường cũng được lưu ý triển khai và tham gia đầy đủ, nghiêm túc lớp bồi dưỡng thường xuyên năm 2022; lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; tăng cường sinh hoạt chuyên môn để nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, thống nhất trong việc tổ chức dạy học SGK mới đạt hiệu quả. Đánh giá, phân tích nghiêm túc, cụ thể kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, kết quả sau 2 năm thực hiện Chương trình, SGK mới và có giải pháp cụ thể để phát huy, khắc phục trong năm học 2022 - 2023.

“Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch năm học 2022 - 2023 trên cơ sở văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT và điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục. Trong quá trình xây dựng, cơ sở giáo dục cần đánh giá kết quả giáo dục năm học 2021 - 2022, khắc phục tối đa hạn chế trong công tác quản lý và dạy học, đề ra các mục tiêu (được lượng hóa) và giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm, thời gian hoàn thành cho từng cá nhân, tổ chức.

Đối với địa bàn chưa hoàn thành việc bổ sung kiến thức khắc phục hậu quả dịch Covid-19 trong năm học 2021 - 2022, cần có kế hoạch linh hoạt tựu trường sớm hơn quy định để củng cố kiến thức cho HS” - ông Nguyễn Tân thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.