Vùng đất 'Chín Rồng' có đà để… lớn nhanh

GD&TĐ - Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP vùng ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế cả nước, đây được coi là đà thuận lợi cho phát triển vùng.

Cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào hoạt động đã tạo điều kiện giao thương, kết nối vùng ĐBSCL. Ảnh: TL
Cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào hoạt động đã tạo điều kiện giao thương, kết nối vùng ĐBSCL. Ảnh: TL

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), khu vực này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Đòn bẩy từ phát triển hạ tầng giao thông

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc), gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng đạt trên 424.600 tỷ đồng, tăng hơn 12%. Tổng thu ngân sách toàn vùng đạt trên 108.000 tỷ đồng, vượt hơn 8,7% so với dự toán, tăng 3,2% so với năm 2022.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 4/6 vùng trên cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,15%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (5,71%).

Môi trường kinh doanh của vùng cũng được cải thiện, có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất, trong đó Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ hai về chỉ số PCI năm 2023 (sau Quảng Ninh).

6 tháng đầu năm 2024, GRDP toàn vùng ĐBSCL tiếp tục có bước tăng trưởng khá, ước đạt khoảng 6,12%. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 6,4% xuất khẩu cả nước.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Hai năm qua, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hậu quả từ đại dịch Covid-19 kéo dài; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát neo ở mức cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả rất nghiêm trọng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân... Thế nhưng vùng ĐBSCL vẫn tạo được sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy sự nỗ lực của từng địa phương trong vùng.

“Các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp cụ thể phù hợp ở từng thời điểm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt kết quả tốt nhất.

Đặc biệt, ĐBSCL đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước. Điều này góp phần đảm bảo an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho cả nước”, ông Trần Duy Đông nhìn nhận.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL chính là sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng, liên vùng. Vùng ĐBSCL cũng được Chính phủ cho cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Trong đó có 7 công trình giao thông đường bộ quan trọng của vùng được áp dụng một số chính sách đặc thù như: Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); Dự án Triển khai mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ (Dự án 1);

Dự án Đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông – Tây và cầu Gành Hào; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (giai đoạn 1); Dự án cầu Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long – Bến Tre theo hình thức đối tác công tư; Dự án Xây dựng cầu Cổ Chiên 2 kết nối tỉnh Bến Tre với Trà Vinh...

vung dat chin rong co da de lon nhanh (1).jpg
Kinh tế biển được xem là thế mạnh của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: TG

Gỡ “điểm nghẽn”, tạo động lực phát triển

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vùng ĐBSCL được nhận định còn có những hạn chế, khó khăn như: Hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn yếu, thiếu nguồn lực để đầu tư; năng suất lao động đạt thấp; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả; ứng dụng khoa học và công nghệ còn chậm.

Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh của một số địa phương trong vùng chưa thực sự hấp dẫn, chưa thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài...

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khó khăn, thách thức mà tỉnh Cà Mau nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung đang gặp phải hiện nay là vấn đề biến đổi khí hậu.

vung dat chin rong co da de lon nhanh (3).jpg
Tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TG

“Tiểu vùng bán đảo Cà Mau đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn. Tuy hệ thống thủy lợi của tiểu vùng đã được đầu tư nhiều nhưng vẫn còn thiếu, xuống cấp, không ngăn được triều cường, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống người dân.

Mặt khác, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại nhiều địa phương ngày càng diễn biến phức tạp. Riêng tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 425km bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau nếu không có giải pháp khắc phục”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin.

Hiện tại, vùng ĐBSCL đang có nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng. Nhưng thực tế một số công trình đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu.

“Không chỉ các dự án cao tốc trọng điểm, mà các dự án vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh An Giang cũng thiếu nghiêm trọng cát phục vụ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

An Giang kiến nghị các bộ, ngành sớm nghiên cứu đưa ra các tiêu chuẩn về cát phục vụ các công trình hoặc đưa vào sử dụng vật liệu thay thế cát; cơ chế chính sách sử dụng cát biển... để thúc đẩy tiến độ thực hiện các công trình”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị.

“Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung nguồn lực cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các dự án cao tốc có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu cát đắp, đề nghị các bộ, ngành phối hợp với các địa phương có dự án đi qua tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ cho các công trình này” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, chỉ đạo tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL diễn ra tại Cà Mau vào đầu tháng 7/2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.