Vui đến trường giữa muôn vàn yêu thương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 5/9, hàng triệu học sinh trong cả nước đồng loạt hát Quốc ca trong Lễ khai giảng, đánh dấu sự bắt đầu của năm học 2022-2023. “Sáng đầu thu trong xanh/ em mặc quần áo mới/đi đón ngày khai trường/vui như là đi hội”. 

Học sinh lớp Một thành phố Đà Nẵng trong ngày tựu trường.
Học sinh lớp Một thành phố Đà Nẵng trong ngày tựu trường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về một số hoạt động đầu năm học, lễ khai giảng tại các trường học trong cả nước đều được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện nhà trường nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Phần lễ được giảm bớt, các báo cáo thành tích, thư chúc mừng… được rút gọn. Lãnh đạo địa phương đến dự lễ khai giảng không phải để phát biểu, mà là chứng kiến và hòa mình vào không khí vui tươi của thầy – trò. Đây là một sự thay đổi lớn để học sinh thực sự là trung tâm của "Ngày hội đến trường".

Cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Ngày khai giảng, nếu học sinh phải đến trường xếp hàng chờ đợi từ rất sớm, rồi các em phải tập trung ở sân trường để nghe những bài diễn văn dài đến hàng chục phút trong thời tiết nắng nóng thì không thể vui nổi”. Thế nên, nhà trường không tổ chức khai giảng thử, cũng không tập dượt trước đội hình đội ngũ nhiều ngày trước lễ khai giảng.

Ngược lại, học sinh phải là trung tâm của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường với các hoạt động văn hóa, văn nghệ theo kiểu “cây nhà lá vườn” hay tổ chức các trò chơi dân gian. Có như vậy, ngày khai giảng mới thật sự vui vẻ, ý nghĩa, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi và giúp học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.

Nhiều trường học còn tổ chức khu vực check – in dành riêng cho giáo viên, phụ huynh và học sinh trong ngày khai giảng.

Không chỉ với học sinh, mà cảm xúc từ ngày khai trường cũng sẽ truyền cảm hứng cho cả giáo viên và phụ huynh để bắt đầu một năm học mới. Năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới, cần sự chung tay của toàn xã hội với, trong đó vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sau 2 năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động của đời sống đã trở lại trạng thái bình thường. Nhưng dịch bệnh đã và đang gây ra nhiều tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội.

Trước thềm năm học mới, các trường học đã rất chú trọng rà soát những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Sự chung tay từ các tổ chức đoàn thể, cá nhân, các câu lạc bộ thiện nguyện… đã góp phần giảm bớt những lo toan của nhiều gia đình khi phải cùng lúc sắm sửa cho con từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, áo quần, giày dép, các khoản đóng góp đầu năm học…

Gần 1.000 học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS của xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) đã có ngày hội đáng nhớ trước ngày khai giảng năm học mới. Ngày hội tựu trường kéo dài từ sáng cho đến đêm với những hoạt động đầy náo nhiệt, sôi động và thú vị như xem ảo thuật, ăn tiệc buffet, xem phim… Các em được CLB Chuyến xe vạn tình 0 đồng (Đà Nẵng) tặng đầy đủ cặp sách, tập vở, đồng phục, dép mới và cả áo mưa.

Phụ huynh đưa con đến trường còn được tặng 1kg cá/hộ gia đình. Sự háo hức của con trẻ, niềm vui của phụ huynh khi đưa con đến trường sẽ là bầu không khí được nuôi dưỡng và duy trì trong suốt cả năm học với sự nỗ lực của thầy cô giáo cùng cộng đồng xã hội.

Khai giảng năm học mới, đôi bạn Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Tiến Nhật lại cùng gặp nhau tại Trường Hy Vọng (Đà Nẵng) sau một thời gian chia xa. Hai em từng là bạn học chung khối lớp 6 ở Bình Dương. Covid-19 ập đến, cả hai cùng mồ côi mẹ trong đại dịch. Nhật về quê ngoại ở Quảng Ngãi, Tùng về Thái Bình sống với ông bà nội. Rồi tình cờ, hai em gặp nhau ở Trường Hy Vọng. Đường đến trường trong ngày khai giảng của Tùng và Nhật, không còn được mẹ nắm tay trao cho cô giáo. Nhưng đã có nhiều bàn tay khác cùng chăm chút cho các em trên con đường học tập và sinh hoạt sắp tới.

Sự sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của thầy cô giáo và các tổ chức xã hội đã nâng bước cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục được đến trường. Đến trường giữa yêu thương nhờ sự tiếp sức của thầy cô và cộng động, cuộc hành trình chữ nghĩa của các em, vì vậy đã bớt đi sự chông chênh, nhen lên niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.