Những dòng nhật ký nặng trĩu

Những dòng nhật ký nặng trĩu

Nhân viên ngành CTXH thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng yếu thế (Trong ảnh: Các bác sĩ thăm bệnh nhân HIV/AIDS ở Bệnh viện 09 Hà Nội) ảnh: Hoàng Đan
Nhân viên ngành CTXH thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng yếu thế (Trong ảnh: Các bác sĩ thăm bệnh nhân HIV/AIDS ở Bệnh viện 09 Hà Nội) ảnh: Hoàng Đan

(GD&TĐ) - Không ít sinh viên ngành Công tác xã hội đến cơ sở thực hành với tràn đầy nhiệt tâm, mong muốn đem hết kiến thức và niềm say nghề đắp bù phần nào cho những đối tượng yếu thế. Nhưng, đáp lại nhiệt huyết đó, nhiều khi là sự lạnh lùng của cơ sở.

1. Ngày đầu đến cơ sở thực hành thật hồi hộp. Cả nhóm đã lên một kế hoạch rất chi tiết, cụ thể và hấp dẫn cho buổi tập huấn theo chủ đề cho các em nhỏ tại Trung tâm trẻ có HIV/AIDS. Đến nơi thì các bé vẫn đang ngủ trưa. Đành đợi vậy!

Hơn 2 giờ chiều, đã bắt đầu thấy nóng ruột. Nhóm cử người đi hỏi nhân viên trung tâm thì nhận được câu trả lời: Các em nhỏ ở đây hoàn cảnh rất khó khăn, mang trong mình căn bệnh thế kỷ là thiệt thòi lớn với các em nên các em chỉ ăn, ngủ, chơi là chủ yếu. Cứ để cho các em ngủ thoải mái.

Đợi mãi, đã có vài em thức dậy. Thôi thì được em nào hay em đó. Vào gặp các em, năn nỉ tham gia vào kế hoạch là tâm huyết cả nhóm trong mấy ngày. Nhưng số đồng ý thì ít, số chống đối thì nhiều. Có em chẳng những không tham gia còn phá bĩnh bằng cách lôi kéo bạn ra chỗ khác chơi thay vì hợp tác với đội. 

Lại phải nhờ đến các anh chị bên trung tâm. Câu trả lời rất ngọt ngào: Đây là nhóm trẻ đang bị tổn thương nên phải thật nhẹ nhàng, không nên quát nạt.

Nhưng, cho dù có vận dụng hết tất cả sự kiên nhẫn và tài lôi kéo, vẫn là những cái lắc đầu, vẫn là hình ảnh lộn xộn, tự do chạy nhảy làm theo ý thích, không có một chút kỷ luật nào.

Hơn 2 tiếng vật lộn như vậy, mệt mỏi ngấm vào từng thớ thịt. Ước gì các chị nhân viên hợp tác, giúp đỡ nhóm một chút, quản lý và giám sát trẻ nghiêm khắc hơn thì mới dám mong sự can thiệp, trợ giúp theo đúng những gì đã được học về CTXH tới các em nhỏ đạt chút hiệu quả.

Lại nhớ tới lời một chị khóa trên: Nhiều nơi họ muốn những đối tượng mà mình chăm sóc cứ ở mãi tình trạng như vậy để còn tiếp tục nhận được sự tài trợ của các tổ chức từ thiện, thiện nguyện. Cũng có nơi nhận mình vào thực tập chỉ để sai lau nhà, rót nước thôi. Chính chị cũng từng rơi nước mắt vì sau 3 tháng thực hành mà chưa thu được gì bổ ích.

x
Trẻ em ở Trung tâm trẻ mồ côi, suy dinh dưỡng Hà Nội.           Ảnh: Hoàng Đan

2. Đợt này phải thâm nhập thực tế, con gái như mình không biết có làm nổi không. Ở nhà trọ đã bao điều phức tạp, huống chi phải cùng ăn, ngủ, sinh hoạt tại nhà dân, lại ở một nơi nhiều tệ nạn như vậy. 

Gần 10 giờ mới dám ra bãi sông, dù sao thì đó cũng là lúc đông người. Rốp! Giật mình nhìn xuống dưới chân đã thấy một ống tiêm vỡ nát. Cả người bỗng dưng lạnh toát. Định thần nhìn sang hai bên. Thật khủng khiếp, từng gốc cây, góc tường, hầu như chỗ nào cũng có một ống xi - lanh nằm chỏng chơ. Vội vàng chạy đến UBND phường. Trả lời chú bảo vệ ngoài cổng nguyên nhân vào cơ quan, chỉ nhận được một cái nhìn như người từ hành tinh khác đến.

Có thể họ không tin mình chăng? Đành về mang máy ảnh ra chụp hình vậy. Cẩn thận chụp vài kiểu ảnh để nhìn thấy mấy ống tiêm rõ mồn một, lại tiện ghi âm lời mấy người dân để thêm chứng cứ tin cậy. Hào hứng mang thành phẩm vào, nhận thì nhận được câu trả lời lạnh te: Giờ đang bận, cứ để đó khi nào có thời gian sẽ xem.

Nhưng mòn mỏi đợi cả tuần chẳng thấy hồi âm.

Nhớ rõ lời cô trên giảng đường: Học nghề để áp dụng các kiến thức CTXH tìm hiểu vấn đề cộng đồng, từ đó giúp cải thiện tình trạng xấu, hướng tới cộng đồng tốt đẹp hơn. Nhưng có vẻ như lý tưởng đẹp đẽ này chẳng thể thực hiện!

3. Sáu năm kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hành CTXH, ThS Phạm Thị Tâm – Khoa CTXH Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự tự tin để khẳng định những sinh viên mà mình hướng dẫn sau khi tốt nghiệp sẽ vững vàng với với kiến thức và kỹ năng được đào tạo ở trường ĐH.

Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân chủ quan từ ý thức và nỗ lực học tập của sinh viên; Nguyên nhân khách quan từ chương trình giáo dục ĐH và cũng có nguyên nhân từ cách đón nhận của xã hội khi sinh viên đi thực hành hay xin việc làm.

Chị Tâm kể: Có những nhóm sinh viên rất năng động, biết cách vận dụng những kiến thức chuyên ngành CTXH vào thực tế nhưng lại không được cơ sở mà các em đến thực hành chấp nhận đề xuất. Ví dụ, có sinh viên thực hành tại một trường tình thương đã chọn được một học sinh hầu như ngày nào cũng bị phạt đứng ngoài hành lang vì không làm bài tập để tìm hiểu và giúp đỡ.

Nhưng khi đề xuất với cô giáo chủ nhiệm là sẽ tới nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, sinh viên này đã bị từ chối. Lý do cô chủ nhiệm đưa ra đó là học sinh cá biệt, từ 3 năm nay đã như vậy rồi nên đến nhà cũng không có kết quả gì.

Sinh viên thất vọng và bối rối bởi kiến thức trên giảng đường và hoàn cảnh thực tế có một khoảng cách quá lớn. Đồng thời, thấy bất lực bởi nơi mình thực hành nhiều khi vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những kiến thức được coi là chuyên nghiệp, mang tính khoa học của nghề CTXH. 

“Mong muốn của bản thân tôi cũng như bất kỳ một giáo viên nào khi hướng dẫn sinh viên thực hành tại cơ sở đều muốn các em học hỏi được những kinh nghiệm thực tế. Nhưng rõ ràng, môi trường để sinh viên CTXH thực tập, trau dồi kỹ năng nghề quả không dễ tìm. Môi trường đó, bên cạnh sự có mặt của các thân chủ cũng rất cần sự nhận thức đúng của các nhân viên cơ sở.

Làm sao để sinh viên và nhân viên tại cơ sở đồng thuận rằng: để can thiệp, trợ giúp cho đối tượng này, cần phải theo những bước này, tiến trình này, vận dụng những công cụ này... Đây thực sự vẫn đang là một khó khăn và trở ngại lớn đối với sinh viên theo đuổi ngành CTXH” - ThS Phạm Thị Tâm chia sẻ.n

HIếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.