Vực thẳm vỡ nợ

GD&TĐ - Mỹ đã chạm trần nợ công từ tháng 1/2023 nhưng trong những tháng trở lại đây, nước này vẫn chưa thống nhất được về trần nợ mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ Tài chính Mỹ mới đây cảnh báo đến đầu tháng 6, chính phủ có thể vỡ nợ, gây đe dọa đến các thành tựu kinh tế mà Mỹ đạt được kể từ đầu đại dịch, nếu không tăng trần nợ. Thực tế, Mỹ đã chạm trần nợ công từ tháng 1/2023 nhưng trong những tháng trở lại đây, nước này vẫn chưa thống nhất được về trần nợ mới.

Các chuyên gia nhận định, vấn đề không nằm ở chỗ liệu Mỹ có nên tăng trần nợ hay không mà là tăng như thế nào. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ muốn thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia thông qua việc cắt giảm mạnh chi tiêu. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng Dân chủ muốn thông qua mức tăng trần nợ “sạch” mà không bao gồm bất kể sự đánh đổi nào.

Vì hiện nay, đảng Cộng hòa nắm thế đa số tại Hạ viện và muốn tăng sức ép lên Tổng thống Joe Biden nên chính phủ chưa thể đi đến quyết định chung về việc tăng trần nợ. Sự bế tắc này dẫn đến những lo ngại rằng Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 tới với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Dù vậy, chưa ai có thể lường trước được sức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này.

Vỡ nợ đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến Mỹ sau đó là nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao.

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cảnh báo nếu đất nước vỡ nợ, người dân sẽ mất việc làm trong khi các khoản thanh toán nợ mua nhà, mua xe và thẻ tín dụng sẽ tăng lên. Từ đó, nó làm tăng chi phí đi vay. Các khoản đầu tư trong tương lai cũng trở nên đắt đỏ hơn đáng kể.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với thị trường tín dụng xuống cấp. Chính phủ cũng không đủ khả năng chi trả các khoản thanh toán cho gia đình quân nhân hoặc những người yếu thế phụ thuộc vào chế độ an sinh xã hội.

Việc nước Mỹ vỡ nợ sẽ lan rộng ảnh hưởng và tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đã chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, xung đột quân sự... Trên thị trường toàn cầu, trái phiếu Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất, sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ.

Đồng đô la Mỹ cũng có nguy cơ suy yếu và giảm đột ngột. Kéo theo đó, các nền kinh tế kém hoặc đang phát triển có nợ công cao sẽ phải trả nợ nhiều hơn. Các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Như vậy, nếu chính phủ vỡ nợ, Mỹ gần như sẽ bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng và toàn thế giới có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn.

Dù mối nguy hiểm lớn như vậy nhưng trong khoảng thời gian này, với hai đảng phái của Mỹ, không bên nào chịu lùi bước. Sự chậm trễ này có thể đưa nền kinh tế Mỹ đến gần hơn thảm họa vỡ nợ. Nếu như vậy, các cuộc đàm phán sẽ càng trở nên khó khăn hơn và tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ