Càng bái nể hơn giấc mơ chinh phục Sách Đỏ của người được mệnh danh là “Vua chim xứ Bắc” Trần Nhữ Giáp - một trong 10 nông dân xuất sắc được Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vinh danh và trao Giải thưởng Sao Thần nông năm 2015.
Trí thức làm nông dân
Con đường lập thân lập nghiệp của chàng cử nhân khoa Quản trị doanh nghiệp Trần Nhữ Giáp, Trường ĐH Thương mại ban đầu không hề xuôi chèo mát mái. Làm việc trong một doanh nghiệp ở Hà Nội, nhưng thu nhập không đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, chàng trai trẻ quyết chí về vùng quê Hà Nam theo đuổi niềm đam mê nuôi chim cảnh từ nhỏ.
Khởi đầu bằng 40 triệu đồng tích cóp và vay mượn thêm từ bạn bè, anh Giáp mua mấy đôi chim công, trĩ về nuôi. Chăm chim trong sự phản đối kịch liệt của gia đình và người bạn đời, anh cũng nhiều lúc khổ tâm. Bao năm ăn học đàng hoàng cuối cùng lại quay về làm anh nông dân chăn nuôi là điều mà người thân của anh không chấp nhận cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng ý đã quyết, từ lúc 2 chú chim trĩ đỏ anh chăm bẵm sinh sản được, trong anh dấy lên niềm tin anh có thể lập thân lập nghiệp từ chim. Nung nấu ý tưởng nhân giống loài chim trĩ đỏ, anh lên mạng tra cứu tài liệu để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Chạy đôn chạy đáo mượn đất, mượn tiền và lo thủ tục xin cấp giấy phép làm trang trại nuôi chim trên mảnh đất quê hương Lý Nhân, Hà Nam anh Giáp phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn.
Những năm đầu, chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của loài chim này, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim chết nhiều, có thời điểm mất hàng trăm triệu đồng. Vốn mỏng, đầu tư thì lớn, để cứu mình ra khỏi vũng lầy công nợ, anh Giáp tiếp tục vay mượn tiền bạc rồi dấn thân học nghề, lăn lộn hàng tháng trời bên Thái Lan, Malaysia, Lào... để học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi chim ở xứ người.
“Chim chẳng phụ người”, thương ông chủ lăn lóc, đầu tắt mặt tối tất cả mọi việc từ theo dõi, chăm sóc đến tiêm vắc xin phòng bệnh… đàn chim trĩ đã sinh sôi. Anh Giáp đã nhân giống thành công hàng vạn con chim trĩ đỏ, chứng minh được loài chim trĩ đỏ có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo.
Thành quả này của anh đã góp phần đưa chim trĩ ra khỏi danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Niềm đam mê, tìm tòi, ham học hỏi cùng với “những món học phí” đắt đỏ đã giúp anh Giáp nhân giống thành công nhiều loài chim quý hiếm khác trong điều kiện không có tài liệu cụ thể nào về quy trình kỹ thuật nuôi các loài này. Vườn chim Việt trở thành cơ sở đầu tiên và duy nhất trên cả nước được cấp giấy phép gây nuôi chim sinh sản và bảo tồn các loài động vật quý hiếm ở Việt Nam.
Cũng tại Vườn chim Việt, các loại chim trĩ Hoàng đế, những con chim Lạc hồng, loài chim quý đặc hữu ở Việt Nam được mô phỏng trong những họa tiết trên những chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, sâm cầm, hắc hạc... các loại chim công, gà lôi... đã từ từ “bước ra ngoài Sách Đỏ Việt Nam”.
Kể về đàn chim Lạc hồng, mà giới điểu học gọi là chim Việt, cũng chính là lý do anh Giáp lấy tên đặt cho trang trại của mình, anh Giáp bộc bạch: “Lạc hồng có chiếc mào vàng trên đầu hình rìu đá - tượng trưng cho công cụ lao động của người xưa đã được in hình trên trống đồng, quốc bảo của Việt Nam nhưng lại rất ít người biết về nó.
Tôi quyết tâm gìn giữ nhân giống loài chim này. Người Việt có quyền tự hào về rất nhiều loài chim quý, đặc hữu nhưng vấn đề là chúng ta cần biết trân trọng, bảo tồn. Niềm đam mê thỏa mãn sở thích sưu tầm những loài chim quý chỉ là một phần nhưng mong muốn bảo tồn, nhân giống nguồn gen quý mới là sự nghiệp mà tôi theo đuổi suốt đời”.
Vua chim xứ Bắc
Từng loài chim quý, gà quý trong Vườn chim Việt đều gắn với những “lao tâm khổ tứ” của ông chủ trang trại. Để có được đôi vẹt Úc màu sắc sặc sỡ đứng rỉa lông tắm nắng trong Vườn chim Việt, anh Giáp đã phải trả học phí đến hơn trăm triệu đồng.
Vịt uyên ương là một trong 10 loài chim đẹp nhất thế giới do Tạp chí Sinh vật cảnh bình chọn thì ở Việt Nam, anh Giáp là người đầu tiên nuôi và nhân giống được số lượng lớn. Anh bắt đầu nuôi loài này từ 7 năm trước. Mê mẩn nhìn ngắm những tấm ảnh về chúng, anh tìm nguồn rồi mang chim trĩ đổi lấy mấy con giống cho một người bạn mang từ Nga về.
Suốt 2 năm trời, “vua chim” kiên trì đeo bám, “ba cùng” với vịt mới phát hiện ra quy luật sinh tồn của chúng, đó là thói quen đẻ trứng... trên cây. Anh lụi cụi mang những thân gỗ mục gác lên làm tổ cho chúng. Lũ vịt lò dò lên đẻ trứng, ấp rồi nở, ấp rồi nở và sau 7 năm trang trại đã có cả một đàn vịt uyên ương đông đúc bơi lội, rỉa lông trong hồ nước nhỏ.
Hành trình đưa được giống gà đen Ayam Cemani về Việt Nam thật là cơ khổ và tốn kém. Đã nhiều năm nghiên cứu về giống gà quý có lông, mắt, mào, nội tạng đều đen tuyền ở Indonesia nên hễ nghe được tin tức nào từ các mối hàng chuyên chơi chim cảnh ở nước bản địa và địa chỉ có gà thuần chủng là anh Giáp hối hả đặt vé bay, rồi mò mẫm vào tận hang cùng ngõ hẻm tìm người bản địa để “gạ” mua. Lần thì mua hụt, bù lại anh mua được gà Hắc Phong, loại gà có da và lông đen ở Trung Quốc. Sau 5 lần sang Indonesia anh mới giao dịch thành công và rước về được một cặp gà đen thuần chủng với giá gần 100 triệu đồng.
Là người đầu tiên sở hữu giống gà đắt nhất ở Việt Nam nhưng rồi gà lại phụ người, do khí hậu thay đổi, chế độ chăm sóc chưa phù hợp, chỉ một thời gian ngắn, chú gà mái đột ngột lăn ra chết. Mong muốn nhân giống thuần chủng loại gà đặc biệt này của anh thất bại.
Đến tháng 6 năm 2015, ròng rã cả nửa tháng trời, sau nhiều lần di chuyển bằng đủ các loại phương tiện, rồi cuốc bộ ròng rã tới vùng quê hẻo lánh miền Trung đảo Java, chịu đựng đủ mọi vất vả khó khăn anh mới thuyết phục được người chủ gà đồng ý bán gà. Gà thuần chủng Ayam Cemani được người dân quanh vùng coi là con vật quý giá, linh thiêng và mang lại may mắn. Chúng được dùng làm vật phẩm tế lễ trong những dịp vô cùng đặc biệt.
Tại Mỹ và Indonesia, gà đen Ayam Cemani trưởng thành khoảng từ 2 – 3kg có giá bán trên 2.500 USD, tính ra hơn 50 triệu đồng. Giá của gà không chỉ đắt vì thịt có nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt mà đắt vì yếu tố tâm linh. Là con vật tâm linh nên không ít đại gia sẵn sàng chi tiền khủng để mua về làm cảnh cho độc, lạ. Những chú gà đen này còn có tên gọi là gà Lamborgini (tên loại ô tô đắt giá) và gà mặt quỷ vì chúng có một vẻ bí ẩn và đen tuyền độc đáo.
Hơn 40 giống gà quý hiếm hiện có trong Vườn chim Việt là một con số đủ sức nặng để nói lên hành trình gian nan nhưng đầy ắp đam mê và tình yêu cuồng nhiệt mà ông chủ Vườn chim Việt đã trút vào. Thành công nối tiếp thành công đã tạo thêm động lực để “Vua chim” tiếp tục chinh phục những thử thách cao hơn.
Trong Vườn chim Việt, xen kẽ giữa những chuồng lớn nuôi chim công, chim trĩ là những chuồng nhỏ hơn để nhốt nuôi những giống chim lạ mà anh Giáp đang theo dõi, nghiên cứu, chờ đủ điều kiện để nuôi đại trà. Cả một vùng hồ rộng lớn anh Giáp thả thiên nga, vịt trời, ngỗng trời, le le, sâm cầm, già đẫy, hồng hạc… Ngắm chúng thảnh thơi bơi đùa thật vui mắt và bình yên.
Anh Giáp cho biết, khoảng 50% số chim trong trang trại như chim trĩ, vịt trời… được anh nuôi làm thương phẩm, cung cấp ra thị trường. Số còn lại là những dòng rất quý của Việt Nam như vịt uyên ương, gà lôi trắng, gà lôi mào lưng lửa hay những loài có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/con như vẹt, hồng hạc, hắc hạc, anh nuôi để bảo tồn và nuôi chơi, chứ không bán, dù chăm sóc chúng rất tốn kém. Tết này, Vườn chim Việt cung cấp ra thị trường con giống các loại gà cảnh và gà thương phẩm như: Gà đen Indonesia, gà rừng tai trắng, gà rừng lông đỏ, gà Quý phi, gà Hắc Phong, gà vảy cá Thái Lan, gà lông xù, gà Đông Tảo, gà lôi, gà khổng lồ, gà sư tử (Anh) và nhiều loại chim công, chim trĩ…
Chắp cánh những giấc mơ
Trong khuôn viên rộng hơn 2 ha Vườn chim Việt, anh Giáp tổ chức, sắp xếp các loài chim trĩ, công, Lạc hồng, vịt uyên ương, gà Quý phi, le le… nuôi xen kẽ nhau theo mô hình “vườn ao chuồng” được tính toán tỉ mỉ và khoa học. Để chăm sóc tốt cho các giống chim quý, anh Giáp đã thuê 7 nhân công làm việc cố định tại trang trại ở xã Đông Mỹ. Cơ sở chăn nuôi những loài chim quý ở quê hương Hà Nam của mình anh cũng giao cho một người đồng sự phụ trách. Hiện anh vẫn âm thầm nghiên cứu đặc tính, cách nhân giống một số loài chim quý hiếm khác. Luôn khao khát chinh phục những loài gia cầm, thủy cầm quý, hiếm, giá trị kinh tế cao, hễ nghe được thông tin mới lạ là anh Giáp lên kế hoạch đi chinh phục, dù ở Tây Tạng hay Mông Cổ…
Anh Giáp còn mở ra một ngành nghề kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động. Công và trĩ là hai giống chim quý đã được anh Giáp nhân giống và hoàn thiện mô hình nuôi, mô hình đang được nhân rộng, mang lại lợi ích kinh tế lớn lao gấp mấy chục lần cho người chăn nuôi.
Hiện tại, anh Giáp đang cùng đồng sự xây dựng thêm trang trại sinh thái ở Phú Xuyên. Trang trại thứ tư được thiết kế như một công viên sinh thái đang xây dựng hạ tầng rộng 30 ha, giai đoạn hai sẽ mở rộng ra 30 ha nữa hứa hẹn sau vài năm tới sẽ đón hàng triệu học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế lý thú. Điều tiết lộ của “Vua chim” đã như ngầm giải thích cho tôi hiểu tại sao trong Vườn chim Việt gần đây đã xuất hiện thêm nhiều loài thú khác như lạc đà, cáo tuyết, khỉ…
Nhìn lại đoạn đời đã trải nghiệm và đi qua, Trần Nhữ Giáp đúc kết một câu thấm thía: Làm gì cũng vậy, phải dốc sức dốc lòng để tìm hiểu cặn kẽ thì mới có cơ hội thành công.