Hiếu cá sấu và giấc mơ ra biển lớn
Người đàn ông nổi tiếng khắp cả nước, mà chúng tôi đang nhắc đến đó chính là anh Trần Ngọc Hiếu - Giám đốc Công ty Vương Thảo, ở thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (Thái Thụy, Thái Bình). Trang trại của anh rộng hơn 10.000m2, được chia thành các khu nuôi cá bố mẹ bán hoang dã, khu nuôi cá con, cá thương phẩm; khu vực “hậu cần”, nhà lạnh dự trữ thức ăn.
Ngoài ra, anh dành một góc ao dựng nhà hàng nổi, vừa tạo cảnh quan, vừa phục vụ thực khách thưởng thức món thịt cá sấu. “Năm 2005, tôi vào thăm Thảo Cầm Viên (TP.HCM) và bị “phải bùa” với những chú cá sấu này. Tôi mua 7 con hết 10 triệu đồng về nuôi làm giống. Sau 1 năm, mỗi con nặng cả tạ, tìm hiểu thấy sản phẩm của loại này (da, thịt) đều giá trị, có thể xuất khẩu, tôi quyết định lập trang trại làm ăn lớn” – anh Hiếu kể về duyên nợ với cá sấu.
Anh Trần Ngọc Hiếu - Giám đốc Công ty Vương Thảo, ở thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên(Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: Việt Tùng
Nghĩ là vậy, nhưng khi những đàn cá sấu lớn, thì anh lại bí đầu ra. Anh đưa cá đi bán dạo khắp Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, nhưng không ăn thua. Đang bí kế, thì anh chợt nghĩ ra cách lập trang web để quảng bá, bán hàng. Nhờ đó, anh đã có được những hợp đồng từ vài con, đến vài chục con. Năm 2009, qua web các bạn hàng Trung Quốc đã lặn lội tìm đến trang trại của anh và những con cá sấu đầu tiên đã được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nghĩ làm cách này mãi không ổn, anh đã cất công sang Trung Quốc tìm đối tác lớn. Tuy nhiên, cá sấu là loài động vật hoang dã, xuất khẩu phải theo công ước quốc tế. Sau nhiều lần qua lại, thương thảo, cuối cùng anh cũng đã ký được một hợp đồng lớn với 50.000 con/năm.
Để có đủ lượng cá xuất khẩu và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, anh đã liên kết với các hộ nuôi vệ tinh cho anh. Từ lúc chỉ 20 – 30 hộ, nay đã có hơn 300 hộ nuôi vệ tinh cho anh, ở khắp các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa… với số lượng hàng chục nghìn con/năm. Không dừng lại ở việc xuất cá sấu nguyên con, anh vào TP.HCM tìm hiểu kỹ thuật thuộc da và nhận ra rằng, xuất khẩu da và làm ra các sản phẩm từ da, mới là biện pháp tối ưu nhất. Bởi một bộ gia có giá tới 20 triệu đồng, trong khi bán một con cá sấu trưởng thành chỉ được 5 – 6 triệu đồng.
“Quàng tay” sang nông nghiệp xanh
Anh Hiếu cho biết, nuôi cá sấu, cũng có thể được gọi là “nông nghiệp xanh, sạch”. Bởi chính cá sấu đã biến những thứ bỏ đi, gây ô nhiềm môi trường như lợn, gà, trâu, bò… chết, thành những miếng thịt giàu dinh dưỡng, những miếng da chất lượng, có giá trị kinh tế cao.
Đang vui với câu chuyện cá sấu, bỗng Hiếu chỉ tay sang khu vườn cây xanh bạt ngàn bên cạnh, tôi quan sát và thấy cả thanh long ở đó, rồi bảo: “Giờ tôi chuyển sang trồng cả hoa hòe và thanh long ruột tím”. Trồng thử, anh nhận thấy, 1ha hòe, có thể “ăn đứt” 5 - 6 ha lúa. Hiện anh đang trồng khoảng 3ha và hàng chục ha vệ tinh nữa”.
Mỗi năm anh Trần Ngọc Hiếu cung cấp cho người dân hàng vạn con giống. Ảnh: V.T
Anh Hiếu tính toán, mỗi ha đất có thể trồng 1.000 trụ thanh long, lãi gấp 20 lần trồng lúa.
Đang ngồi kể chuyện, Hiếu bỗng đứng phắt dậy, chạy vào nhà lấy ra một ít cám và một chai nhựa nhỏ. Cầm chai nhựa đó lên, anh bảo: “Đây mới thực sự là bảo bối của ngành thủy sản nước ngọt. Nuôi cá không cần cho ăn nhiều, nhưng cá vẫn lớn nhanh như thổi. Nếu không có “bảo bối” này, cá nuôi dày thế này thì sống làm sao được” – anh Hiếu nói thêm.
Theo anh Hiếu, thì đây là một loại chế phẩm sinh học đặc biệt, anh và Viện Nuôi trồng Thủy sản T.Ư đang phối hợp để nghiên cứu. Cá ăn sinh vật phù du này lớn rất nhanh, sạch bệnh, nên thịt cá rất ngon” – anh Hiếu khẳng định.