Giáo viên đi kèm trẻ tự kỷ: Nghề “giả vờ làm học sinh” tiểu học

GD&TĐ - Thời gian gần đây, trong các hội nhóm cha mẹ có con tự kỷ, Hội dạy trẻ tự kỷ…, các phụ huynh đăng thông tin tìm giáo viên đi kèm. Ngoài ra, nhiều sinh viên sư phạm cũng có nhu cầu tìm gia đình có con tự kỷ để làm giáo viên đi kèm. Họ là ai?

Trẻ tự kỷ rất cần người hướng dẫn trực tiếp, tận tình
Trẻ tự kỷ rất cần người hướng dẫn trực tiếp, tận tình

Đến với trẻ tự kỷ từ sâu thẳm yêu thương

Nguyễn Thị Hồng Thắm là giáo viên đi kèm cho học sinh tự kỷ, tăng động được 4 năm nay. Thắm đến với nghề này hết sức tình cờ. Vốn đã có một bằng cử nhân về kỹ thuật nhưng sau đó, Thắm đi học chuyển đổi văn bằng 2 là mầm non. Sau 2 năm theo đuổi và lấy bằng trung cấp mầm non, Thắm đi làm và có dịp tiếp xúc với trẻ tự kỷ.

“Các em ấy thực sự rất đáng thương, lúc nào cũng lủi thủi một mình, không hòa nhập được. Thế nên, em quyết định đi học thêm 1 bằng nữa để dạy trẻ tự kỷ. Em theo học Khoa giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó đến nay, em đã có 3 - 4 năm làm giáo viên đi kèm trẻ tự kỷ, giúp trẻ hòa nhập tại các trường công lập, dân lập” – Thắm chia sẻ.

Công việc của Thắm là đón trẻ ở trường từ sáng, học, ngủ, chơi cùng với trẻ và nhắc lại những lời cô giáo chủ nhiệm vừa nói. Đợt cao điểm là Thắm nhận kèm 2 học sinh tự kỷ trong cùng một lớp: “Em đón các bạn ngay tại cổng trường rồi đưa lên lớp. Trong giờ học, khi cô giáo ở trên bục giảng bảo lấy sách, lấy đồ dùng học tập ra – thì hầu hết học sinh tự kỷ sẽ không tập trung để nghe lệnh đó, không hiểu lệnh để làm theo. Các em chỉ ngồi chơi hoặc nhìn bút chì thôi. Lúc này mình ngồi bên cạnh, nhắc lại lệnh và đôn đốc trẻ làm theo.

Ban đầu, trẻ sẽ không biết lấy sách gì, lấy bút nào, thay đổi môn học thì lấy sách khác ra sao… mình phải làm cho các bạn ấy nhìn thấy. Lúc đó em sẽ cầm sách ra cho con hình dung, rồi bỏ sách lại vào cặp và sau đó bảo con cầm đúng quyển sách đó đưa lên bàn. Dù cách làm này chậm 1,5 nhịp nhưng các bạn ấy sẽ nhớ và tập một thói quen đến giờ học là lấy sách ra. Ngoài giờ học, giáo viên đi kèm như em sẽ đi theo trẻ trong cả giờ ăn, giờ ngủ và đặc biệt là giờ ra chơi, ngoại khóa, phải theo sát, quản lý hành vi, không cho trẻ có những hành vi phá phách.

Thầy Quanh trong một giờ kèm học sinh
Thầy Quanh trong một giờ kèm học sinh 

Ngoài việc hợp tác giữa cô giáo chủ nhiệm, giáo viên đi kèm như em luôn phải trao đổi hằng ngày với gia đình. Khi giao con cho bố mẹ, em đều kể về hành vi của trẻ mỗi ngày, ví dụ như hôm nay con không chịu viết bài, không chịu vào lớp, cứ đứng chơi ở cột cờ… hoặc con đã làm được những gì”.

Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên đi kèm chỉ mong đợi sau năm lớp 1, trẻ viết và đọc được, hiểu ở mức cơ bản chương trình lớp 1. Còn viết đúng hàng, đúng li thì đa phần không đặt nặng.

“Học trò em nhớ nhất là Nguyễn Mạnh Cường, học sinh lớp 1A2 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội), có cô Nguyễn Thị Hà làm chủ nhiệm. Cường nghịch lắm, dạng tăng động giảm chú ý và không biết viết đúng dòng, không biết đọc. Nhưng đến thời điểm này bạn ấy hoàn toàn ổn, có thể rút giáo viên đi kèm. Cường đã biết đọc, biết viết. Năm vừa rồi, môn Toán Cường được 7 điểm, Tiếng Việt được 6,5 điểm. không phải thi lại môn nào. Theo Cường một năm, em hiểu, Cường biết nhiều, chỉ là rất bướng, không thích làm và không tập trung làm.

Ngoài ra, học trò em nhớ nữa là Tuấn. Tuấn thông minh lắm và có IQ tốt. Em ấy chỉ bị tăng động, không kiểm soát được hành vi xíu thôi. Ngồi với Tuấn 1, 2 tiếng, Tuấn có thể hỏi liên tục 1.000 câu hỏi là bình thường. Năm nay, Tuấn đã lên lớp 4 và hoàn toàn có thể rút giáo viên đi kèm” – Hồng Thắm kể lại.

Chưa tìm được tiếng nói chung giữa gia đình và giáo viên

Một số trường em biết, có hẳn Ban Giáo dục chuyên biệt, có giáo viên lo cho học sinh tự kỷ. Những giáo viên đi kèm như em sẽ họp với Ban hai tuần một lần để có phương pháp phù hợp cho từng học sinh, nếu phương pháp cũ trẻ không có tiến bộ gì nhiều. Ngoài ra, giáo viên đi kèm luôn phải hợp tác ăn ý với giáo viên chủ nhiệm để đưa trò tiến lên. Ban giám hiệu sẽ hỏi kết quả thông qua cô giáo chủ nhiệm.
Những trường hợp học sinh tự kỷ, nếu học kỳ 2 không hoàn thiện được hồ sơ bệnh án của trẻ khuyết tật, thì con được tính như trẻ bình thường. Thi không được con sẽ ở lại lớp. Còn có hồ sơ bệnh án thì con vẫn lên lớp, dù không đạt kết quả. Mục tiêu chủ yếu là để các bạn ấy hòa nhập cộng đồng, làm quen, chứ không yêu cầu đạt một kết quả nào đấy.
Giáo viên đi kèm Nguyễn Thị Hồng Thắm

Tuy vậy, không phải lúc nào giáo viên đi kèm cũng thành công trong việc dạy trẻ tự kỷ. Lý do chủ yếu là không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình và giáo viên.

Thắm nhớ lại trường hợp mới nhất mình phải dừng giữa chừng: “Em đang hỗ trợ một bạn học sinh tự kỷ người Hàn Quốc. Đứa bé này thường xuyên nói lầm bầm trong miệng và hay ngửa mặt trên trời rồi vỗ tay. Ngồi trong lớp, mỗi khi được động viên là bé lại ngửa mặt lên trời và vỗ tay, hét hò ầm ĩ. Giáo viên dạy trước luôn dọa nạt trẻ bằng thước kẻ nên mẹ bé cũng dặn lại em là phải cầm thước kẻ, phải mắng con. Khi con thực hiện được hành động nào đó, cần phải vỗ tay hoan hô. Nhưng em không làm thế. Với một trẻ tăng động, mình phải hạn chế các hành vi của trẻ, phải dùng ánh mắt, sắc mặt để động viên hoặc tỏ thái độ không hài lòng. Em thường bắt trẻ nhìn vào mặt cô, không nói linh tinh. Muốn vậy phải hướng trẻ vào việc khác như mở sách ra dạy, để con quên hành vi đó đi. Nhưng gia đình không đồng ý. Vậy nên cô và trò phải chia tay nhau giữa chừng”.

Cũng làm công việc của giáo viên đi kèm trẻ tự kỷ, thầy giáo Trần Cao Quanh (Huế), cho biết, tại Huế có rất ít trường nhận trẻ tự kỷ. Lý do là họ không có giáo viên có chuyên môn cũng như cơ sở vật chất không đáp ứng. Chưa kể trường cũng bị áp lực thành tích. Ở Huế, chủ yếu trường dân lập hoặc quốc tế, có ít học sinh, thì họ mới đón thêm trẻ tự kỷ vào học.

Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam” do Trường đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp cùng tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức ngày 20/9, PGS.TS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, cả nước có khoảng trên 1,3 triệu học sinh khuyết tật đang theo học các trung tâm và chương trình giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo giáo viên dạy hòa nhập hiện nay còn quá ít. Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao chỉ tiêu đào tạo 35 sinh viên/năm học.Trong khi, thực tiễn ở bậc tiểu học quy định 1 cô giáo phụ trách 2 trẻ khuyết tật.

“Em đã từng kèm cả học sinh mầm non và tiểu học. Bạn học tiểu học bị tự kỷ hơi nặng – khả năng hòa nhập kém, khả năng ngôn ngữ và viết không được tốt. Bạn ấy hay chạy nhảy, khó kiểm soát hành vi. Khi chán thì la hét um xùm. Gia đình mong muốn đi học cùng các bạn bình thường để tiến bộ nên em nhận làm giáo viên đi kèm.

Em hỗ trợ cho trò tham gia các hoạt động của lớp, nhắc nhở làm bài tập trên lớp, xây dựng kế hoạch riêng cho trò ngoài chương trình học trên lớp như tăng thêm bài học giao tiếp, học thêm về thế giới xung quanh như nhận biết các loại quả, màu sắc.

Theo trò suốt 1 năm học, nên tình cảm hai thầy trò như người thân. Khi trò bực bội, bạn ấy có thể dựa vào mình mà làm nũng, hay quay lưng lại khóc, ôm thầy, thủ thỉ theo cách riêng. Tiếc là hiện tại bạn ấy phải quay lại học chuyên biệt vì không theo kịp, không tương tác được”.

Trên Facebook hiện có khá nhiều nhóm được lập ra dành riêng cho cha mẹ có con bị tự kỷ. Điển hình như nhóm Hội dạy trẻ tự kỷ với hơn 21 nghìn thành viên; Dạy trẻ tự kỷ với 36,9 nghìn thành viên; Nhóm Cha mẹ có con tự kỷ và Nhà chuyên môn về tự kỷ với 24,3 nghìn thành viên…
Hội dạy trẻ tự kỷ và nhóm Dạy trẻ tự kỷ: Mục tiêu đặt ra là nơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh, các cô giáo và các nhà chuyên môn về trẻ tự kỷ; Hiểu đúng, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ và đồng hành cùng trẻ tự kỷ. Nhóm dành nhiều folder đăng tải các tài liệu khoa học, các tủ sách dành cho trẻ tự kỷ.
Nhóm Cha mẹ có con tự kỷ và Nhà chuyên môn về tự kỷ: Đây là “ngôi nhà” của những phụ huynh có con tự kỷ hoặc những người đã dành một phần đời của mình để nghiên cứu và điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.