- Thưa ThS, những sai lầm phổ biến của cha mẹ trong việc phối hợp can thiệp và hỗ trợ cho trẻ tự kỷ hiện nay là gì?
Đó chính là việc kéo dài thời gian chấp nhận trẻ có những dấu hiệu hoặc được bác sĩ chẩn đoán trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Điều này ảnh hưởng đến việc can thiệp sớm. Khi biết chắc chắn con bị tự kỷ, họ lại tìm thông tin trên mạng xã hội để can thiệp cho trẻ mà không biết thông tin đó thiếu hoặc kém bằng chứng khoa học.
Là một bác sĩ chuyên trị liệu cho trẻ tự kỷ, tôi thấy vai trò của cha mẹ trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ là quan trọng nhất. Nhiều người nghĩ, việc can thiệp cho trẻ tự kỷ là của bác sỹ, chuyên viên âm ngữ trị liệu, giáo viên, tâm lý, cha mẹ chỉ là người trả tiền để mua dịch vụ. Điều này là sai lầm!
Chúng ta chưa tạo được một đội mà ở đó, nhà chuyên môn và cha mẹ cùng hỗ trợ cho trẻ tự kỷ trong tất cả các môi trường mà trẻ tham gia như can thiệp, vui chơi và học hoà nhập.
Ai cũng nghĩ trẻ tự kỷ là không biết nói cứ quan niệm là phải tập nói, điều này hoàn toàn không đúng. Khó khăn lớn nhất mà trẻ gặp phải đó là giao tiếp, ngôn ngữ, tương tác, chơi đùa, kết bạn, hành vi và cảm giác.
- Như ThS đã trao đổi, nhiều cha mẹ không thừa nhận con mình bị tự kỷ. Vậy, dấu hiệu điển hình nào giúp phát hiện sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ?
Trẻ có mấy dấu hiệu đặc trưng sau mà bố mẹ cần lưu ý:
Trẻ không cười tươi hoặc khó thể hiện tình cảm khác nhau hoặc không giao tiếp mắt khi trẻ 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn; Trẻ không trao đổi âm thanh qua lại hoặc khó thể hiện nụ cười biểu cảm trên khuôn mặt với người đối diện khi trẻ 9 tháng tuổi hoặc lớn hơn;
Đến 12 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa bập bẹ mama, dada; Trẻ không có cử chỉ chỉ trỏ, chỉ cho người khác thấy điều mình muốn khi trẻ 12 tháng tuổi hoặc lớn hơn. Đến 16 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa nói được từ đơn như: Cơm, gà, cha, mẹ; Đến 24 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa tự nói được cụm 2 từ có nghĩa.
Bất kỳ dấu hiệu mất tiếng nói, tiếng bập bẹ hay mất kỹ năng tương tác xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào trong quá trình phát triển.
- Trẻ tự kỷ cũng có thời gian vàng để can thiệp sớm, giúp trẻ hòa nhập tốt hơn. Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều nguồn lực, địa chỉ như thế trong việc khám, chẩn đoán và can thiệp trẻ tự kỷ chưa, thưa ThS?
Hiện tại, Việt Nam chúng ta vẫn đang thiếu nguồn nhân lực khám và chẩn đoán. Chúng ta chưa được đào tạo đầy đủ các nhà chuyên môn trong nhóm khám và đưa ra chẩn đoán.
Việt Nam chưa có trường nào đào tạo bác sĩ Nhi khoa phát triển hoặc bác sĩ tâm lý. Chuyên viên tâm lý đã có, chuyên viên âm ngữ trị liệu mới có mấy năm nay và chuyên viên hoạt động trị liệu thì mới đào tạo trong những năm gần đây.
Do thiếu nguồn lực nên việc chẩn đoán tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ tự kỷ chưa như mong đợi.
- Dưới góc độ là bác sĩ trị liệu cho trẻ tự kỷ, theo ông, chúng ta cần làm gì để hỗ trợ trẻ và cha mẹ?
Đầu tiên nhà chuyên môn cần tư vấn giải thích và hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ của trẻ trước, rút ngắn thời gian chấp nhận của cha mẹ. Nên hướng cha mẹ và trẻ tự kỷ là trung tâm trong suốt thời gian can thiệp và hỗ trợ trẻ;
Nhà chuyên môn nên định hướng cho cha mẹ và cộng sự giao tiếp của trẻ là hỗ trợ trẻ bằng kỹ năng giao tiếp chức năng. Tốt nhất trẻ cần được can thiệp sớm Đúng và Đủ gồm: Can thiệp tâm lý lâm sàng, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, quản lý hành vi, giáo dục đặc biệt vừa được học hoà nhập trong môi trường có trẻ bình thường.
Nhà chuyên môn cần thống nhất mỗi chương trình can thiệp và hỗ trợ là cho mỗi trẻ tự kỷ, cần cá nhân hoá cho trẻ tự kỷ.
Ngoài ra, nên hỗ trợ cha mẹ bằng cách huấn luyện họ từ việc nhìn nhận vấn đề của trẻ, tham gia lượng giá, tham gia xây dựng chương trình hỗ trợ và thực hiện các chiến lược hỗ trợ giao tiếp cho trẻ trong tất cả các môi trường tự nhiên ở nhà và nơi công cộng.
- Hiện nay, nhiều bố mẹ muốn con tự kỷ được học và hòa nhập ở môi trường bình thường, với những đứa trẻ bình thường. Vậy, có nên có một giáo trình nào cho trẻ tự kỷ khi học hòa nhập hay không?
Hiện trên thế giới không có một giáo trình nào tốt nhất đem ra áp dụng cho tất cả trẻ tự kỷ. Và cũng không có một phương pháp chữa trị nào cho trẻ tự kỷ. Chỉ có những chiến lược hỗ trợ trẻ nhằm cải thiện các vấn đề khó khăn mà trẻ đang gặp phải.
Bởi vì mỗi trẻ tự kỷ là mỗi khác nhau, không có trẻ nào giống trẻ nào. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh tự kỷ nên không có một phác đồ hay một giáo án nào là tối ưu.
Đặc biệt, nên đào tạo cha mẹ của trẻ trở thành người thầy của con họ trong suốt thời gian phát triển của trẻ; Động viên cha mẹ thực hiện các chiến lược hỗ trợ cho trẻ tại nhà và ngay cả nơi công cộng.
- Xin cảm ơn ThS!
Bức tranh gây xúc động mạnh của người chị dành cho em trai tự kỷ
Bức vẽ gây xúc động mạnh của Angela Hà. |
Một người chị người Úc gốc Việt đã dồn hết tình yêu thương dành cho cậu em trai bé bỏng bị tự kỷ qua bức tranh tự vẽ bằng than của mình! Đi kèm theo đó là những lời ruột gan đúc rút từ những năm tháng gia đình đảo lộn, bố mẹ vất vả, khó khăn nhưng vẫn tràn ngập tình yêu thương, gắn kết.
Trong giờ học nghệ thuật tại trường, Angela Hà – cô bé 18 tuổi đã khiến bạn bè, thầy cô ngạc nhiên và cảm động vì cách thể hiện tình yêu của mình đối với cậu em bé nhỏ lên 6 tuổi. Cô bé đã vẽ một bức tranh gia đình nằm trong hình bóng bố mẹ và em trai trên một bức tranh khổ cực lớn.
Người xem cảm nhận được nỗi buồn thẩm thấu, tình thương yêu dành cho gia đình, cho người em nhỏ thiệt thòi, và đặc biệt là cảm nhận được sự trưởng thành, nhạy cảm và rất nhân văn của cô bé qua thông điệp của những nét vẽ.