Vụ thảm sát được cảnh báo từ mạng xã hội: Các biện pháp bảo vệ cũ không còn hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trước khi xả súng, Salvador Ramos, kẻ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại thị trấn Uvalde ngày 25/5/2022 (vụ thảm sát trường học lớn nhất tại Mỹ trong thập niên qua) đã thường xuyên đe dọa các cô gái tuổi teen trên mạng xã hội.

Hiện trường vụ nổ súng.
Hiện trường vụ nổ súng.

Rõ ràng, khi các tay súng trẻ chuyển sang mạng xã hội để săn mồi, phát tán thông điệp hận thù, đe dọa và chuẩn bị tấn công, các biện pháp bảo vệ cũ đã không còn hiệu quả.

Cảnh báo rơi vào những lỗ tai điếc

Những người trẻ tuổi từng gặp kẻ được cho là “tay súng trên mạng” cho biết hắn đã đe dọa bắt cóc, hãm hiếp hoặc giết chết họ. Nhưng họ nói rằng, các báo cáo gửi đến “những nơi phải gửi” đã bị bỏ qua với kết luận kiểu “sự giận dữ của anh ta chỉ là… chuyện bình thường trên mạng”.

Ramos lộ rõ sự bí ẩn, tục tằn và đáng sợ khi thích gửi tin nhắn giận dữ và hình ảnh về súng đến các cô gái. Nếu họ không đáp ứng như mong muốn của y, y đe dọa cưỡng hiếp hoặc bắt cóc họ, rồi sau đó tự cười nhạo “đây chỉ là trò đùa lớn”.

Học sinh được hộ tống đưa lên xe buýt khi xảy ra vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb ở Texas vào ngày 24/5 - Ảnh: REUTERS.

Nhưng đa số cô gái trẻ từng nói chuyện trực tuyến với Ramos trong những tháng trước khi y gây án lại hiếm khi báo cáo về những gì họ gặp phải.

Trong các cuộc phỏng vấn với The Washington Post, một số cô nêu lý do “những lời đe dọa của y có vẻ quá mơ hồ”. Một thiếu niên nam báo cáo trường hợp Ramos trên ứng dụng xã hội Yubo than phiền: “Không đến đâu, không có ai phản ứng!”.

Vụ xả súng kinh hoàng xảy ra sáng 25/5 (theo giờ Việt Nam) tại Trường Tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde của bang Texas (Mỹ) khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có 18 học sinh. Thủ phạm được xác định là Salvador Ramos, 18 tuổi, cựu học sinh Trường Phổ thông trung học Uvalde. Lực lượng an ninh đã tiêu diệt đối tượng tại chỗ.

Một số khác xem đây “chỉ là cách các chàng trai tuổi teen nói chuyện trên Internet ngày nay, một sự pha trộn giữa cơn thịnh nộ và sự bỡn cợt đến mức khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là kẻ nguy hiểm, đâu là người đùa giỡn quá đà”.

Thậm chí một cô gái, khi nói về những khoảnh khắc kẻ giết người tỏ ra đáng sợ và đe dọa, vẫn khẳng định đó chỉ là “how online is” (trực tuyến là thế).

Tất cả dẫn đến câu hỏi: Làm thế nào mà một thanh niên 18 tuổi có thể thoải mái phát tán rất nhiều sự căm ghét và thù hận trên mạng mà không hề bị trừng phạt hay ít nhất là lên tiếng cảnh báo từ những người có trách nhiệm quản lý mạng xã hội và những người được báo cáo? Đáng ngại hơn là những mối đe dọa này không được phát hiện bởi cha mẹ, bạn bè và giáo viên mà bởi những “người lạ” chưa hề gặp Ramos ngoài đời.

Nhà Trắng treo cờ rủ sau vụ xả súng - Ảnh: AP.

Những “người trong cuộc” lên tiếng

Ứng dụng Yubo được tải xuống hơn 18 triệu lần ở Mỹ, riêng tháng 4/2022 là hơn 200 nghìn lần (theo ước tính từ Công ty phân tích Sensor Tower). Trên Yubo, mọi người có thể tụ tập trong các phòng trò chuyện (chatroom) trong thời gian thực, được gọi là bảng điều khiển (panel), để nói chuyện, gửi tin nhắn và chia sẻ video.

Đây là một hình thức giao tiếp kỹ thuật số tương đương với tụ tập bạn bè (hangout) ngoài đời thực. Những cô gái cho biết, Ramos bắt đầu trò chuyện bên lề với họ và theo dõi họ trên các nền tảng khác, gồm cả Instagram, nơi y dễ dàng gửi tin nhắn trực tiếp bất cứ lúc nào muốn.

Ứng dụng Yubo.

Sau một thời gian, họ bắt đầu phát hiện ra “có một cái gì đó không ổn” và nhận thấy “một khía cạnh đen tối” nằm trong cuộc trò chuyện. “Ví dụ, Ramos đăng hình ảnh những con mèo chết, nhắn những tin nhắn lạ và nói đùa về việc tấn công tình dục”, một cô gái nói.

Trong một video ghi từ phòng trò chuyện trực tiếp của Yubo, Ramos nói: “Mọi người trên thế giới này đều xứng đáng bị hãm hiếp”. Một cậu bé 16 tuổi sống tại Austin, thủ phủ tiểu bang Texas cho The Post biết, cậu thường xuyên nhìn thấy Ramos trong các bảng điều khiển của Yubo và y thường xuyên đưa ra những bình luận về tình dục, kích động các phụ nữ trẻ trên ứng dụng.

Ramos cũng gửi cho cậu ta lời đe dọa giết chết trong một cuộc trò chuyện vào tháng 1/2022. Thấy có vấn đề, thiếu niên này và bạn bè báo cáo ngay tài khoản của Ramos cho Yubo, cảnh báo về hành vi bắt nạt và các vi phạm lặp đi lặp lại khác.

“Nhưng chúng tôi không bao giờ nhận được phản hồi, và tài khoản vẫn hoạt động bình thường” – thiếu niên nói. Khi được The Post hỏi, Amy Williams - người phát ngôn của Yubo - không xác nhận hay phủ nhận công ty có nhận được báo cáo về các vi phạm của tài khoản Ramos.

Nghi phạm xả súng Salvador Ramos. Ảnh: NY Post.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott (đảng Cộng hòa) cho biết, trước khi xảy ra cuộc thảm sát, trong một tin nhắn trên Facebook, Ramos viết: “Tôi sẽ bắn bà tôi và tôi sẽ bắn một trường tiểu học”.

Hai ngày sau, Bộ An toàn Công cộng Texas tiết lộ Ramos đã thảo luận nhiều lần về việc mua một khẩu súng trong các cuộc trò chuyện riêng tư trên Instagram. “Mười ngày trước khi nổ súng, y gửi đi một thông điệp ngắn bí ẩn: 10 ngày nữa! Một người hỏi y: Bạn sẽ tấn công một trường học hay một cái gì đó? Ramos trả lời: Không, đừng hỏi những câu ngu ngốc như thế. Hãy chờ và thấy”, một quan chức nói.

Thoải mái đưa thông điệp bạo lực lên mạng

Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2021 cho thấy, những người trẻ tuổi thường gặp các hành vi nhũng nhiễu trên mạng hơn. Khoảng 2/3 người lớn dưới 30 tuổi thừa nhận họ từng bị quấy rối trực tuyến.

33% phụ nữ dưới 35 tuổi nói họ từng bị quấy rối. Danielle K. Citron - Giáo sư luật tại Đại học Virginia - giải thích: “Phụ nữ và bé gái thường không báo cáo những đe dọa hiếp dâm cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lớn đáng tin cậy.

Vì họ cảm thấy dư luận xã hội xem họ không xứng đáng nhận được sự an toàn và riêng tư trên mạng. Đôi khi, họ không tin sẽ có người giúp đỡ”.

Lòng căm ghét phụ nữ và ám ảnh bạo lực của Ramos thể hiện rất rõ trong các tin nhắn được The Post xem qua và các cuộc phỏng vấn do tờ báo thực hiện.

Những thanh, thiếu niên đồng ý nói chuyện với The Post cho biết, họ đã nhìn thấy y trong các video phát trực tiếp trên Yubo, sau đó hai bên dùng tài khoản Instagram để nhắn tin cho nhau.

Y cố kiềm chế các nhận xét của mình trong các dịch vụ nhắn tin riêng tư như Yubo và Instagram, mà để “gánh nặng” này cho người nhận tin. Giống như nhiều đối tác trò chuyện khác, Ramos rất ít tiết lộ về bản thân trên mạng, thường chỉ chia sẻ tên và tuổi. Y sử dụng các biệt danh như “salv8dor_”, “TheBiggestOpp”. Ảnh đại diện là ảnh tự chụp đang giơ áo lên hoặc nhìn đăm đăm trước tấm gương vỡ.

Các mạng xã hội phản ứng

Trung tâm chống thù hận kỹ thuật số của Mỹ (Center for Countering Digital Hate) cho biết, tháng trước họ đã phân tích hơn 8 nghìn tin nhắn trực tiếp được gửi đến 5 phụ nữ nổi tiếng và phát hiện Instagram đã không xử lý được 90% số tin nhắn lạm dụng, dù đã được báo cáo.

Trong những năm gần đây, Instagram đã ra mắt các công cụ mới để bảo vệ thiếu niên khỏi những kẻ săn mồi. Năm ngoái, công ty đã bắt đầu đặt tài khoản của thiếu niên ở chế độ riêng tư mặc định ngay sau khi họ đăng ký Instagram để ngăn người lớn gửi tin nhắn trực tiếp đến những người không theo dõi họ.

Gần đây, công ty giới thiệu thêm tính năng “ẩn từ”, cho phép người dùng lọc các từ, cụm từ và biểu tượng cảm xúc xúc phạm trong các tin nhắn để đưa vào một hộp thư đến riêng biệt.

Yubo cho biết, họ cấm các bài đăng đe dọa, bắt nạt người khác, đồng thời sử dụng kết hợp phần mềm và kiểm duyệt của con người để hạn chế các nội dung không phù hợp. Mọi người có thể chặn tài khoản của người khác hoặc báo cáo với nhóm “chuyên gia an toàn” để được phản hồi thỏa đáng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy tiền sử bạo lực hoặc đe dọa đối với phụ nữ là đặc điểm chung của các tay súng trong các vụ xả súng hàng loạt, nhất là vụ xả súng hộp đêm Orlando năm 2016 và ở Dayton, Ohio năm 2019.

Whitney Phillips, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oregon (Mỹ), kết luận: “Các mạng xã hội có thể làm được nhiều hơn để đẩy lùi nạn quấy rối và bạo lực hiện đang rất thường xuyên đối với phụ nữ”.

Theo The Washinton Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.