Vụ thảm sát 6 người: Nghi can Tiến từng có cơ hội “dừng tay” gây tội ác

Khi cùng Dương khống chế và sát hại nạn nhân đầu tiên, Tiến khuyên Dương “bỏ cuộc” và đòi về nhưng sau đó nghi can này vẫn nghe theo lời Dương và cùng Dương gây ra vụ thảm sát 6 người. Dù có rất nhiều cơ hội để tránh tội ác nhưng Tiến vẫn lao vào.

Vụ thảm sát 6 người: Nghi can Tiến từng có cơ hội “dừng tay” gây tội ác
Nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến
Nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến

Sáng 17/7, Công an tỉnh Bình Phước cùng các đơn vị nghiệp vụ vẫn đang tiến hành lấy lời khai hai nghi can Nguyễn Hải Dương (quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (quê Bình Phước, cả hai cùng 24 tuổi, tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM). Hai đối tượng này được xác định là nghi can trực tiếp gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành). 

Đến thời điểm hiện tại, cả hai nghi can đều thừa nhận diễn biến vụ án, quá trình, động cơ gây án phù hợp với kết quả điều tra được Ban chuyên án cung cấp trong buổi họp báo diễn ra vào chiều 11/7 tại trụ sở Công an huyện Chơn Thành.

Xác định đây là một án đặc biệt nghiêm trọng nên việc tố tụng phải diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Cần phải có luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho hai nghi can nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh oan sai nên cơ quan điều tra đã chỉ định Luật sư Hoàng Kim Vinh – Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cùng hai luật sư khác sẽ tham gia vào quá trình lấy lời khai, bào chữa cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến
Nghi can Vũ Văn Tiến có đủ thời gian, cơ hội để bỏ chạy ngay khi nạn nhân đầu tiên bị sát hại - Ảnh CA cung cấp

Ở buổi tham gia lấy lời khai đầu tiên tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Phước, một luật sư được chỉ định cho biết, quá trình tham gia cùng Nguyễn Hải Dương gây án, nghi can Tiến có đủ thời gian để bỏ chạy sau khi cả hai đã khống chế và sát hại cháu Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu ông Mỹ) ngay cổng. 

“Nếu khi đó như Tiến đã có ý can ngăn, run sợ khi cháu Vỹ bị giết thì vẫn có đủ thời gian, cơ hội bỏ chạy, hô hoán. Nếu Tiến bỏ chạy có lẽ 5 người trong nhà ông Mỹ sẽ không bị hại. Vì khi leo lên tầng 2 đột nhập vào căn nhà, Tiến còn đứng ở dưới và đưa bao hung khí lên cho Dương. Lúc này, Tiến có quá nhiều thời gian và cơ hội để trốn ra ngoài” – Vị luật sư này chia sẻ.

Theo Luật sư Hoàng Kim Vinh, ở buổi xét hỏi thứ nhất, Tiến khai sau khi Dương sát hại em Vỹ thì Tiến đã quá sợ nên Tiến nói với Dương: “Thôi về đi, đừng làm nữa, tao sợ quá”. Tuy nhiên, Dương nói: “Về sao được, giờ mà về là lỡ hết việc của tao”. 

Vậy là Dương và Tiến tiếp tục đi vào, trèo lên lan can nơi phòng của nạn nhân Linh đang ngủ. Lần này Tiến tiếp tục đòi về, không muốn tham gia gây án nữa, Dương lại bảo: “Tao với mày đã làm thì làm tới cùng, giờ về sao được nữa”. 

Lần thứ ba, Tiến tiếp tục đòi dừng, không làm nữa là sau khi đã giết bà Nga (vì bà Nga không chỉ nơi cất tiền). Tuy nhiên, Dương lạnh lùng: “Phải làm tới cùng!”.

Một số tang vật của vụ án được thu giữ - Ảnh CA cung cấp
Một số tang vật của vụ án được thu giữ - Ảnh CA cung cấp
Một số tang vật của vụ án được thu giữ - Ảnh CA cung cấp

Trong quá trình lấy lời khai, hai nghi can Dương và Tiến nhiều lần đổ gục xuống bàn. Dương nhiều lần phải xin cán bộ điều tra cho hút thuốc để lấy lại bình tĩnh, dường như Dương là người nghiện thuốc lá khá nặng. 

“Sau khi bị tạm giữ, tinh thần hai nghi can đôi khi tỏ ra khá hoảng loạn. So với nghi can Dương thì Tiến có vẻ mệt mỏi và sợ hãi hơn. Trong quá trình lấy lời khai, hai nghi can nhiều lần ôm mặt, gục đầu xuống bàn và đôi mắt đờ đẫn như vô hồn khiến cuộc lấy lời khai nhiều lần phải tạm dừng để Dương và Tiến lấy lại bình tĩnh, nghi can Tiến có vẻ hối hận về những việc đã xảy ra. 

Tuy được lấy lời khai ở hai nơi khác nhau nhưng cả hai nghi can đều khai giống nhau nên khá thuận lợi cho cơ quan điều tra” – Một luật sư tham gia buổi hỏi cung chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Hoàng Kim Vinh cho biết: “Nếu phạm tội, các bị can sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình chúng tôi phải tham gia bào chữa cho họ theo luật định. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc giám sát quá trình hỏi cung, xem xét có vấn đề gì mâu thuẫn không, có vi phạm tố tụng hay không nhằm nhằm tránh oan sai”.

Luật sư Vinh tâm sự: “Hầu hết các luật sư rất e ngại khi bị chỉ định tham gia bào chữa các vụ án gây bức xúc trong dư luận, bởi vì luật sư rất dễ bị “ném đá”, chịu nhiều áp lực”.

Nghi can Nguyễn Hải Dương đang được lấy lời khai thời điểm mới bị bắt
Nghi can Nguyễn Hải Dương đang được lấy lời khai thời điểm mới bị bắt

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, trong trường hợp nào, luật sư được chỉ định sẽ không phải tham gia vào vụ án này? “Chỉ khi gia đình nghi can yêu cầu luật sư mà họ thuê bào chữa cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến” – Luật sư Vinh khẳng định.

Trước đó, ông Nguyễn Phú Hải (49 tuổi, cha nghi can Nguyễn Hải Dương) chia sẻ, hiện gia đình ông chỉ chờ đến ngày ra tòa bởi chứng cứ liên quan đến vụ án đã quá rõ ràng. 

Như vậy, với việc gia đình Nguyễn Hải Dương quyết định không thuê luật sư thì luật sư Hoàng Kim Vinh sẽ là người theo xuyên suốt quá trình tố tụng và xét xử của nghi can này. Dù là vậy, nhưng theo luật sư Vinh, ông cùng các cộng sự chỉ tham gia các buổi hỏi cung khi cơ quan điều tra cần sự phối hợp. Trong lần gặp hai nghi can đầu tiên các luật sư chỉ gặp với tư cách là luật sư tiếp xúc với người bị tạm giam.

Luật sư Hoàng Kim Vinh cho biết hiện tại ông và hai đồng nghiệp cũng chưa thể có quan điểm bào chữa cho 2 bị can. “Khi nào có kết luật điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát lúc đó chúng tôi mới có quan điểm bào chữa” – Luật sư Vinh khẳng định.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ