Vụ rò rỉ không đúng thời điểm

GD&TĐ - Các đường ống dẫn dầu Nord Stream 1 và 2 đưa khí đốt Nga trực tiếp đến Đức cùng bị rò rỉ một lúc ở 3 vị trí.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giữa lúc Nga và châu Âu cực kỳ căng thẳng vì cuộc chiến thì ít nhất 2 bên cùng có một quan điểm giống nhau: Việc rò rỉ này là hành động phá hoại.

Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy dưới biển Baltic, gần với Thụy Điển và Đan Mạch. Cả 2 đường ống không hoạt động khi xảy ra vụ rò rỉ nhưng đều chứa khí đốt nén. Các nhà địa chấn học đã phát hiện các vụ nổ dưới nước gần đường ống hôm 26/9 nhưng chưa thể xác định các vụ nổ có liên quan đến việc rò rỉ hay không.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Terje Aasland cũng như các nhà lãnh đạo EU đều cho rằng, vụ rò rỉ là hành động phá hoại. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen yêu cầu điều tra đầy đủ sự việc.

Về phía Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã thảo luận với người đồng cấp Đan Mạch hôm thứ Ba về “vụ phá hoại rõ ràng”, nói rằng Mỹ đang hỗ trợ các nỗ lực điều tra. Các cơ quan an ninh của Đức, Đan Mạch và Scandinavia hiện đã vào cuộc.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm vụ này. Bà Zakharova không ngần ngại đề cập việc cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã lên tiếng cảm ơn Mỹ vào thời điểm các vụ nổ xảy ra.

Ông Sikorski, hiện là một nhà lập pháp EU, đã đăng một bức ảnh về địa điểm xảy ra vụ nổ trên Twitter với dòng chữ: “Cảm ơn, Hoa Kỳ”. Ông mô tả sự cố là một “hoạt động bảo trì đặc biệt”.

Sikorski nói thêm rằng, “không thiếu năng lực đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, bao gồm cả Đức”, đề cập đến đường ống đất liền Yamal - châu Âu đi qua Belarus và Ba Lan.

Sau sự cố đối với đường ống Nord Stream, Tổng thống Nga Vladimir Putin “sẽ phải nói chuyện với các quốc gia đang kiểm soát” tuyến đường thay thế để nối lại nguồn cung cấp, ông Sikorski dự đoán. Sikorski có mối liên hệ tốt với giới tinh hoa Washington thông qua việc làm tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau.

Bà Zakharova trước đó đã hỏi liệu các tweet của ông Sikorski có giống như một “tuyên bố chính thức rằng đây là một vụ tấn công khủng bố” hay không.

Đã có nhiều lời đe dọa từ một số quốc gia phương Tây đối với các đường ống dẫn dầu dưới biển của Nga, đặc biệt là Nord Stream 2 cả trước và sau thời điểm Nga đưa quân vào Ukraine hôm 28/2. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã yêu cầu vào tháng trước rằng đường ống dẫn dầu phải được “loại bỏ hoàn toàn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo hồi đầu tháng Hai rằng nếu Nga có hành động chống lại Kiev, “sẽ không còn Nord Stream 2 nữa, chúng tôi sẽ chấm dứt nó”. Những phát biểu này đang được báo chí và mạng xã hội dẫn lại nhân vụ rò rỉ.

Việc phá hoại đồng thời xảy ra cùng ngày trên ba đường ống dẫn khí ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng có. Nhà điều hành Nord Stream AG chưa thể ước tính thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt.

Trong khi châu Âu đang điều tra, thì vụ việc đã đánh chìm mọi kỳ vọng còn lại rằng châu Âu có thể nhận khí đốt qua Nord Stream 1 trước mùa đông, khi giá khí đốt tăng cao và các quốc gia săn lùng nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Nord Stream 1 vào tháng 8, với lý do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra khó khăn kỹ thuật - điều mà các chính trị gia châu Âu cho rằng đó chỉ là cái cớ để ngừng cung cấp khí đốt. Còn đường ống Nord Stream 2 mới chưa đi vào hoạt động thương mại.

Kế hoạch sử dụng đường ống này đã bị Đức loại bỏ vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong bối cảnh châu Âu đang phải tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt, giá khí đốt tăng cao với các hộ gia đình châu Âu, thì vụ phá hoại đường ống này chắc chắn thiệt hại cho châu Âu hơn là cho Nga, và bồi thêm một cú sốc nữa khiến các lãnh đạo châu Âu phải lo lắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.