Nhiều nguồn chứng cứ, tài liệu
Bộ GD&ĐT cho biết, các chứng cứ, tài liệu bao gồm: Các cuốn luận án ông Quế bắt buộc phải nộp như: Luận án nộp Bộ GD&ĐT để thành lập Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước; Luận án nộp tại Thư viện Quốc gia sau khi bảo vệ để làm thủ tục cấp bằng tiến sĩ; Luận án nộp tại Thư viện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là tài liệu trong hồ sơ bảo vệ luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Ngoài ra là các biên bản làm việc với người tố cáo, người bị tố cáo, các tổ chức, cá nhân có liên quan; kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an); Kết quả rà soát của Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế.
Cùng với đó là các bản giải trình của ông Hoàng Xuân Quế, ý kiến của một số thành viên Hội đồng chấm luận án, người phản biện, người hướng dẫn, một số tài liệu khác và ba cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế cung cấp (mà ông Quế cho rằng đó là các cuốn luận án dùng để bảo vệ năm 2003).
Bộ GD&ĐT khẳng định, Quyết định số 5674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 của Bộ GD&ĐT do nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký theo phân công quản lý trong lãnh đạo Bộ. Quyết định này cũng được ban hành theo đúng quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và hiện nay, Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục quy định: “Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì có trách nhiệm thu hồi và hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ” (Khoản 2 Điều 22).
Về kết quả xem xét ba cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế bắt buộc phải nộp, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ đơn tố cáo của công dân thì phạm vi xác minh tố cáo chỉ là hành vi “sao chép luận án” của ông Hoàng Xuân Quế. Với phạm vi này thì có thể giao một số đơn vị như: Vụ GDĐH, Thanh tra, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đối chiếu giữa cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế và luận án của ông Mai Thanh Quế là có thể kết luận được vấn đề.
Tuy vậy, để giúp Bộ xác định không chỉ về việc có sao chép hay không, mà còn xác định nếu có sao chép thì mức độ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của luận án, Bộ đã đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế xem xét, đánh giá. Kết quả, Hội đồng đã khẳng định: Luận án của ông Hoàng Xuân Quế sao chép 52,5/159 trang; trong đó Chương 3 được sao chép tới 29/44 trang từ luận án của ông Mai Thanh Quế. Các nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích. Nếu loại bỏ phần sao chép thì luận án của ông Hoàng Xuân Quế không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn.
Luận án được cung cấp có một số điểm không đúng quy định
Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đối với ba cuốn luận án mà ông Hoàng Xuân Quế cung cấp cho thấy, ba cuốn luận án này có một số điểm không đúng quy định, không có sự đồng nhất và không đủ sự tin cậy. Cụ thể: Hai cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng, trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; Một cuốn có 180 trang, hai cuốn còn lại có 179 trang; lề một số trang của ba cuốn luận án và số lỗ ghim ở các trang trong ba cuốn luận án không đồng nhất… Một số trang sử dụng phông chữ không đúng quy định. Những trang này có số lỗ ghim khác số lỗ ghim tại các trang liền kề và trùng với các trang mà Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế kết luận là sao chép.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, người hướng dẫn, người phản biện luận án của ông Hoàng Xuân Quế chỉ gửi ý kiến cho rằng, không có việc sao chép luận án, mà không cung cấp chứng cứ, không chỉ rõ dựa trên cơ sở so sánh trực tiếp giữa các cuốn luận án nào, vì sao sử dụng cuốn luận án đó… và các ý kiến này không có mối liên hệ logic với các chứng cứ khách quan mà Bộ GD&ĐT đã thu thập được, nên không thể dùng để so sánh, đối chiếu về sự sao chép được.
Việc kết luận ông Hoàng Xuân Quế sao chép luận án của người khác còn được cân nhắc từ việc xem xét, đối chiếu nội dung cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, do ông Hoàng Xuân Quế là tác giả, Nhà Xuất bản Thống kê xuất bản sau khi ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án. Tại cuốn sách này, nội dung sao chép cũng thể hiện gần như nguyên văn giống trong ba cuốn luận án nộp Bộ GD&ĐT và nộp các thư viện.
Như vậy, Bộ GĐ&ĐT đã xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan các chứng cứ; đã căn cứ vào bản chất, mức độ vi phạm để kết luận việc sao chép luận án và xử lý sai phạm của ông Hoàng Xuân Quế.