Vụ kiện quyết định thu hồi bằng tiến sĩ: Tòa đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng

GD&TĐ - Bất ngờ với bản án ngày 14/12/2018, tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ GD&ĐT về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế, ông Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã bỏ qua nhiều tình tiết và chứng cứ quan trọng.

Việc “đạo văn” là rõ ràng trong vụ án ông Hoàng Xuân Quế
Việc “đạo văn” là rõ ràng trong vụ án ông Hoàng Xuân Quế

- Vì sao ông lại bất ngờ với bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội về việc hủy quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế?

Tôi khá bất ngờ với quyết định của Tòa án nhân dân TP Hà Nội vì sự việc theo tôi được biết là đã rất rõ ràng. Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT và Hội đồng Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư Nhà nước đã xác định một cách chặt chẽ, khách quan và minh bạch. Ngoài ra, vụ việc ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ GD&ĐT đã được Tòa án TP Hà Nội thụ lý từ cuối năm 2013 đến nay đã là hơn 5 năm và sau nhiều lần trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau, vụ việc hẳn phải đã khép lại, bởi vì thời hạn của vụ án hành chính và nếu như không đủ cơ sở giải quyết theo yêu cầu của ông Hoàng Xuân Quế thì ít nhất Tòa sẽ tuyên hủy án (còn gọi là án thối). Nhưng thật bất ngờ đến nay, sau 5 năm xem xét và nghị án thì Tòa án Hà Nội lại đưa ra phán quyết như vậy.

Ông Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)

Ngoài ra, Tòa án lật lại xét xử và tuyên án ở thời điểm này là rất bất lợi cho phía Bộ GD&ĐT và có lợi cho ông Hoàng Xuân Quế. Hiện nay, không chỉ ông Phạm Vũ Luận đã không còn làm Bộ trưởng, mà nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã nghỉ hưu cũng như một số cán bộ khác, đặc biệt nhân sự ở Thanh tra Bộ GD&ĐT, những người trực tiếp theo dõi và tham gia giải quyết vụ việc, đã chuyển công tác khác. Trong hoàn cảnh như vậy, phía Bộ GD&ĐT gặp không ít khó khăn và ở vào tình thế rất bất lợi. Kết quả là Tòa đã chính thức tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ GD&ĐT về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế; đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Quế.

- Ông có bình luận gì về bản án này?

Tôi thấy những căn cứ để Tòa đã tuyên án là không thuyết phục, không bám sát vào các quy định về đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Ngoài ra, theo tôi được biết còn một số chứng cứ, tình tiết rất quan trọng đã không được nhắc tới trong căn cứ phán quyết của Tòa án TP Hà Nội. Cụ thể:

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cũng đã rất nhân văn, cho phép ông Hoàng Xuân Quế nộp lại bản luận án “chính thức” và ông Quế đã nộp cho Bộ GD&ĐT nhưng không thấy Tòa xem xét hay đề cập đến kết quả xem xét các bản luận án này.

Thứ hai, 1 năm sau khi bảo vệ luận án, năm 2004 ông Hoàng Xuân Quế còn xuất bản cuốn sách tham khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” với nội dung cơ bản là bản luận án bảo vệ năm 2003. Cuốn sách này được kê khai trong danh mục công trình khoa học để được xét học hàm Phó Giáo sư và đã được ông Quế tặng cho rất nhiều người. Tuy nhiên, cuốn sách này cũng không được đề cập tới trong các luận cứ của Tòa khi tuyên án.

- Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ kháng cáo. Vậy ông có ý kiến gì về việc này?

Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT đã triển khai xác minh và thanh tra một cách chặt chẽ, khách quan và minh bạch thì cần phải kháng cáo và quyết tâm đến cùng. Bởi vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của một vị cựu Bộ trưởng, mà của Bộ GD&ĐT cũng như uy tín của nền giáo dục nước nhà.

Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chương trình hợp tác về đào tạo và nghiên cứu với Việt Nam và với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng rất quan tâm sát sao đến vụ việc này.

Theo công bố báo chí thì Bộ GD&ĐT sẽ quyết tâm kháng cáo và chúng tôi rất đồng tình với điều đó. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, trung thực và sự công bằng của công lý Bộ GD&ĐT cần phải có đề xuất ý kiến với Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Tòa án Nhân dân Tối cao để tăng cường sự giám sát quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc của Tòa án Hà Nội trong phiên phúc thẩm sắp tới.

- Xin cảm ơn ông!

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tháng 7/2013, Bộ nhận được đơn tố cáo chính danh do Thường trực UBVH GDTNTN&NĐ của Quốc hội chuyển đến. Bộ đã tiến hành thụ lý giải quyết tố cáo theo đúng quy định. Ngày 11/4/2013 Bộ đã ký Quyết định 4674/QĐ-BGDDT thu hồi bằng TS ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế. Ngày 28/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (khi đó là ông Phạm Vũ Luận) ra tòa hành chính Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Từ 2013 tới nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã nhiều lần dừng, hoãn phiên toà, tạm đình chỉ vụ án; trong đó, một số lần không đúng quy định tố tụng, để vụ án kéo dài 5 năm, trái quy định về tố tụng hành chính.

Qua đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” của ông Hoàng Xuân Quế (bảo vệ năm 2003), với cuốn luận án tiến sĩ “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ năm 2002 - cả hai cuốn cùng được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia), Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT xác định: Mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang/159 trang; cụ thể: Chương I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang.

Trong phần “Tài liệu tham khảo” cuối cuốn luận án, ông Hoàng Xuân Quế hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án tiến sĩ “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế.

Như vậy hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là rất rõ ràng, mức độ sao chép rất nghiêm trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ