Không phải sản phẩm khoa học chung
Cụ thể, có quan điểm cho rằng, ông Mai Thanh Quế có nghiên cứu chung với ông Hoàng Xuân Quế nên những nội dung giống nhau trong luận án là sản phẩm khoa học chung của 2 người. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định, thông tin về ông Mai Thanh Quế có nghiên cứu và đã đồng ý cho ông Hoàng Xuân Quế sử dụng nghiên cứu chung trong luận án và đồng ý cho sử dụng luận án của ông Mai Thanh Quế chỉ là giải trình của cá nhân ông Hoàng Xuân Quế. Trong Biên bản làm việc với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Biên bản làm việc với Tòa án cũng như phát biểu trên báo chí, ông Mai Thanh Quế đều không thừa nhận đã có nghiên cứu chung hoặc cho phép ông Hoàng Xuân Quế sử dụng luận án.
Trong quá trình xác minh, ông Hoàng Xuân Quế không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào về việc có nghiên cứu chung với ông Mai Thanh Quế. Cho đến thời điểm hiện nay, không thấy có bất cứ công trình khoa học nào được hai ông nghiên cứu và công bố chung. Vì vậy, quan điểm trên không đúng với các tình tiết thực tế khách quan nên không thể được chấp nhận.
Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng, Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế được thành lập không có căn cứ pháp luật nên không có thẩm quyền xét lại luận án đã được duyệt bởi Hội đồng đánh giá luận án cấp Nhà nước (được thành lập theo pháp luật và được quy định thẩm quyền đánh giá luận án). Bộ GD&ĐT cho biết, trước hết, cần khẳng định rằng, Bộ GD&ĐT không mời Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế học (Hội đồng) xem xét lại hay thẩm định lại chất lượng của luận án hoặc quyết nghị của Hội đồng chấm luận án trước đây của ông Hoàng Xuân Quế. Công văn của Bộ gửi Hội đồng nêu rõ: Đề nghị Hội đồng xác minh luận án có sao chép không? Mức độ ảnh hưởng, nếu có sao chép?
Căn cứ pháp luật để đưa kết luận của Hội đồng vào quá trình giải quyết tố cáo là Điều 17 của Thông tư số 01/2009/TT-TTCP về Quy trình giải quyết tố cáo: “Đối với những vụ việc phức tạp, khi xét thấy cần thiết, người ra quyết định xác minh tố cáo tổ chức tham khảo ý kiến tư vấn của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trước khi kết luận nội dung tố cáo”.
Sao chép 52,5 trang luận án của ông Mai Thanh Quế
Việc giải quyết đơn thư tố cáo ông Hoàng Xuân Quế là cả một quá trình với diễn biến sau: Ngày 20/6/20013, Bộ GD&ĐT nhận Công văn từ Báo Nhân dân phản ánh đơn thư tố cáo ông Hoàng Xuân Quế đạo văn và đề nghị Bộ làm rõ, trả lời Báo.
Ngày 21/6/2013, Bộ gửi công văn đến Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiểm tra, xác minh theo đơn thư nêu trên.
Ngày 26/6/2013, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có báo cáo luận án của ông Hoàng Xuân Quế có 45,3 trang quy đổi giống luận án của ông Mai Thanh Quế; riêng chương 3, giống nhau 51%
Bên cạnh những vấn đề đã được kết luận, ý kiến phản ánh về một số dấu hiệu chứng minh hành vi gian lận của ông Hoàng Xuân Quế như sau: Chữ ký trên bản luận án cho rằng được bảo vệ tại Hội đồng vào năm 2003 mà ông Quế nộp lại cho Bộ khác hẳn với chữ ký năm 2003 trong Hồ sơ bảo vệ Luận án lưu tại Bộ và giống với chữ ký trong các bản giải trình nộp gần đây. Cuốn luận án nộp lại của ông Quế cũng có nội dung sao chép từ 2 luận văn thạc sĩ khác được bảo vệ năm 2002 tại Học viện Tài chính Ngân hàng của bà Hoàng Thị Kim Thanh và ông Nguyễn Văn Khách. Trong trường hợp cần thiết, các thông tin trên sẽ được công bố chính thức.
Ngày 9/7/2013, Bộ có Công văn đề nghị Hội đồng xác minh luận án có sao chép không? Mức độ ảnh hưởng, nếu có sao chép (Bộ cần tham khảo ý kiến Hội đồng để bảo đảm đánh giá vụ việc khách quan, là một kênh thông tin để kiểm tra, đối chứng với kết quả của trường. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang có mâu thuẫn nội bộ, tránh tính trạng kết luận của trường chịu sự ảnh hưởng của một trong các bên đang mâu thuẫn).
Ngày 12/7, Bộ nhận Công thư từ đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến chuyển Đơn kiến nghị có nội dung tố cáo yêu cầu giải quyết tố cáo theo luật định. Bộ đã thụ lý đơn tố cáo này.
Ngày 17/7/2013, Hội đồng gồm 7 thành viên đều nhất trí kết luận: Luận án của ông Hoàng Xuân Quế chép luận án của ông Mai Thanh Quế 52,5 trang = 33,02%; nếu bỏ phần sao chép thì không còn giá trị khoa học và kiến nghị Bộ thu bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế…
Kết luận của Hội đồng đã được Tổ xác minh, người giải quyết tố cáo xem xét, đánh giá cùng với nhiều tài liệu chứng cứ khác như: Kết luận của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; các luận án mà Bộ GD&ĐT lưu, thu được; ý kiến của các thành viên Hội đồng chấm luận án, các tài liệu mà ông Hoàng Xuân Quế cung cấp; kết luận của Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an, các biên bản làm việc của A83 Bộ Công an và Tổ xác minh với Thư viện Quốc gia và các cá nhân, tổ chức liên quan khác…
Trong phần nhận xét, đánh giá về nội dung tố cáo, Bộ có viện dẫn đến kết luận của Hội đồng vì đó là ý kiến tư vấn của cơ quan chuyên môn, mang tính khách quan, thống nhất và có mối quan hệ logic với các tài liệu, chứng cứ khác mà Bộ thu thập được, trong đó có nhiều nội dung trùng với kết quả xem xét trực tiếp của Tổ xác minh nên có cơ sở để chấp nhận.