Vụ kiện quyết định thu hồi bằng tiến sĩ: Bộ GD&ĐT có đầy đủ cơ sở pháp lý để thu hồi văn bằng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT khẳng định, khi thu hồi văn bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đều có căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định hiện hành.

Phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính ông Hoàng Xuân Quế đối với nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính ông Hoàng Xuân Quế đối với nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Có cơ sở pháp lý

Trước thông tin cho rằng, Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 10/11/2013 của Bộ GD&ĐT thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế không đúng căn cứ pháp luật, trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; người ký Kết luận và Quyết định thu hồi bằng TS của ông Quế không đúng thẩm quyền, về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định, Quyết định 4674/QĐ đã căn cứ vào 3 văn bản sau:

Thứ nhất là Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT về Quy chế đào tạo sau đại học quy định: Nhất thiết phải dẫn nguồn tài liệu hoặc kết quả của người khác được sử dụng trong luận án. Phải nêu rõ cả việc sử dụng những đề xuất hoặc kết quả của đồng tác giả. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ (Khoản 2, Điều 20).

Tại Điều 41 Quyết định trên có nêu: Cá nhân hoặc tổ chức có một trong các hành vi sau đây, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:.. Sao chép gian lận luận văn, luận án và công trình khoa học của người khác.

Thứ hai là Quyết định số: 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002 của Bộ GD&ĐT “Về việc ban hành quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học”. Theo đó, Quyết định này quy định: “Cấp có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ nào thì có quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đó… Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a) Người được cấp văn bằng, chứng chỉ vi phạm các quy định về tuyển sinh, giáo dục, đào tạo do Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành”.

Trong thực tế mấy chục năm qua, không có bất kỳ cơ sở đào tạo hay cá nhân nào liên quan đến việc thực hiện, hướng dẫn, chấm luận văn, luận án… hỏi hay thắc mắc về cách hiểu của từ “sao chép”. 

Thứ ba là Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ GD&ĐT “Ban hành quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”. Theo Quyết định này thì văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a) Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Như vậy, khi thu hồi văn bằng, Bộ GD&ĐT phải căn cứ vào tất cả các quy định trên vì: Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT xác định: Sao chép gian lận luận văn, luận án và công trình khoa học của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy cần áp dụng chế tài tại Điều 41 của Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT và chế tài tại Điều 12 của số 52/2002/QĐ-BGDĐT. Nếu Quyết định số: 52/2002/QĐ-BGDĐT không quy định việc thu bằng đối với người được cấp văn bằng, chứng chỉ vi phạm các quy định về đào tạo thì Bộ cũng không thể thu bằng (chỉ áp dụng chế tài tại Điều 41, Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT nếu còn thời hiệu).

Người ký Quyết định đúng theo phân cấp quản lý

Hành vi sao chép luận án (LA) chỉ diễn ra ở một thời điểm nhưng hành vi sử dụng văn bằng do sao chép gian lận LA mà có sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời người được cấp bằng (nếu không bị thu lại bằng). Vì vậy, Bộ GD&ĐT không chỉ căn cứ vào luật của thời điểm sao chép LA mà còn phải căn cứ vào luật của thời điểm thu bằng. Nếu lúc thu bằng, pháp luật không còn quy định đó là hành vi vi phạm đến mức phải thu bằng thì Bộ cũng không được thu bằng. Nếu luật hiện hành vẫn quy định việc thu bằng tiến sĩ của người do sao chép gian lận LA mà có thì Bộ mới có quyền thu bằng.

Điều 22 Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT quy định, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Như vậy, áp dụng Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT để thu bằng chính là áp dụng chế tài nhằm khắc phục hậu quả của việc sử dụng văn bằng do sao chép luận án mà có. Hành vi sử dụng văn bằng do sao chép gian lận LA mà có vẫn đang diễn ra nên việc áp dụng Quyết định này đúng với quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực” (Khoản 1, Điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Điều này tương tự như biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng bất cứ lúc nào, không căn cứ vào thời điểm thực hiện hành vi vi phạm và thời hiệu xử phạt.

Thực tế không cá nhân, tổ chức nào, đặc biệt là cơ quan giáo dục và cơ quan thực thi pháp luật lại có thể chấp nhận việc sử dụng văn bằng TS được cấp do sao chép LA mà có (tương tự như việc pháp luật không bao giờ chấp nhận việc sở hữu tài sản do trộm cắp mà có. Bất cứ lúc nào phát hiện ra, kể cả khi đã hết thời hiệu xử lý hành vi trộm cắp thì tài sản đó vẫn phải được thu để trả về hiện trạng cũ).

Về thẩm quyền ký Kết luận nội dung tố cáo và Quyết định thu hồi bằng: Đã được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý của Bộ GD&ĐT tại Quyết định số 1958/QĐ-BGDĐT. Theo đó: Thứ trưởng Bùi Văn Ga (thời điểm đó) phụ trách: Lĩnh vực công tác: Giáo dục Đại học… Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng. Việc giải quyết tố cáo này thuộc lĩnh vực giáo dục đại học nên Thứ trưởng ký theo sự phân cấp quản lý.

Cũng liên quan đến vụ án này có quan điểm cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa có quy định thế nào là “sao chép”, do đó Bộ chưa có đủ căn cứ để quyết định vấn đề này. Vì vậy, cùng một loại việc tố cáo, với tỷ lệ sao chép tương đương nhưng cách giải quyết của Bộ lại khác nhau và phụ thuộc vào Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành là tổ chức không có chức năng thực hiện công việc này. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ “sao chép” là từ phổ thông, đã được giải thích rõ trong từ điển tiếng Việt.

Từ “sao chép” cũng không thuộc trường hợp phải giải thích theo quy định tại các điều 19, 20 của Thông tư 25/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật: “Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích” và “trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản” nên không cần thiết phải có quy định thế nào là “sao chép”.

Vì vậy, nếu có trường hợp luận án này có nội dung được “chép lại đúng y như bản gốc” của luận án kia thì đó là sao chép và phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ