Vũ khí phương Tây vượt lằn ranh vẫn đến điểm nóng

GD&TĐ -Phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã cảnh báo Đức và Pháp không cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Không quân Ukraine.

Xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine.

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 4 tháng 6, ông Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng việc đức và Pháp cung cấp những tên lửa tầm xa Taurus sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang hơn nữa.

"Bây giờ chúng ta đã thấy rằng cuộc thảo luận bắt đầu về việc chuyển giao, ví dụ, từ Pháp, Đức các tên lửa có tầm bắn từ 500 km trở lên. Đây là một loại vũ khí khác về chất lượng, cuối cùng sẽ dẫn đến một vòng xoáy căng thẳng leo thang khác", phát ngôn viên Peskov nói khi trả lời câu hỏi của nhà báo Pavel Zarubin.

Vào tháng 5, các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Đức tiết lộ rằng Ukraine đã gửi yêu cầu đề nghị Berlin cung cấp tên lửa hành trình KEPD 350 Taurus có tầm bắn hơn 500 km.

Tên lửa sử dụng hệ thống định vị GPS được hỗ trợ bởi hệ thống khớp đường viền địa hình. Máy ảnh nhiệt tương tự được sử dụng để điều hướng địa hình giúp tên lửa hướng về mục tiêu trong pha tiếp cận cuối bằng cách sử dụng hình ảnh phù hợp.

Taurus có thể so sánh với tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow của Anh-Pháp, mà Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine vào đầu tháng 5.

Ukraine đã nhận được một phiên bản xuất khẩu của Storm Shadow với phạm vi hạ cấp từ 560 km xuống chỉ còn 250. Tuy nhiên, không có phiên bản hạ cấp nào của Taurus, điều đó có nghĩa là Đức có thể cung cấp cho Ukraine phiên bản gốc mà về lý thuyết có thể vươn tới thủ đô Moscow của Nga.

Nga liên tục cảnh báo rằng trang bị vũ khí mới cho Ukraine sẽ khơi mào chiến tranh thế giới, nhưng phương Tây và cả Mỹ tiếp tục thách thức các lằn ranh đỏ đó.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước đã bật đèn xanh để Ukraine nhận tiêm kích F-16 từ các đồng minh đánh dấu một lần nữa Washington vượt qua lằn ranh đỏ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra.

Lãnh đạo Nga từng nhiều lần tuyên bố rằng việc chuyển giao F-16 sẽ làm thay đổi cuộc xung đột, đồng thời kéo Washington và Moskva vào một cuộc đối đầu trực diện.

Được biết, đây không phải cảnh báo đầu tiên Nga đưa ra kể từ khi cuộc xung đột bùng phát. Mỹ ban đầu tỏ ra thận trọng với nguy cơ leo thang xung đột và châm ngòi đụng độ trực tiếp với Nga, nhưng dần dần vượt qua các lằn ranh của Nga với cấp độ ngày càng cao hơn.

Giai đoạn đầu xung đột, Mỹ chỉ chuyển cho Ukraine tên lửa chống tăng Javelin và phòng không Stinger, giúp Kiev đẩy lùi lực lượng Nga ở miền bắc. Sau đó, Washington lần lượt cung cấp pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng không tiên tiến, UAV, trực thăng, xe tăng M1 Abrams và sắp tới là các chiến đấu cơ.

Mỹ cho rằng lý do chính khiến chính quyền Biden phớt lờ những cảnh báo của Nga bắt nguồn từ thực tế rằng Moskva đã không thể hiện thực hóa những lời đe dọa mà họ đưa ra với phương Tây từ đầu cuộc xung đột.

Điều đó khiến các lãnh đạo Mỹ và châu Âu tin rằng họ có thể tiếp tục thách thức Nga mà không dẫn đến bất kỳ hậu quả nào. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây vẫn là một canh bạc mà phương Tây cần thận trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.