Nhờ đó các em sống có hoài bão và khát vọng vươn lên, nói không với bạo lực học đường.
Xây dựng tình bạn đẹp
Giữa tháng 4/2023,Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”. Chương trình đã truyền tải đến học sinh hiểu biết được khái niệm bạo lực học đường, hệ quả của vấn nạn bạo lực học đường, những việc học sinh cần làm để xây dựng một tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường,…
Theo cô Đặng Thị Ánh Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, tin cậy, phản bác các hành vi bạo lực học đường, lan tỏa giá trị sống tích cực đến học sinh... Qua đó, góp phần xây dựng trường học văn minh, lành mạnh, an toàn, học sinh thân thiện, gương mẫu. Đặc biệt, tình bạn đẹp, trong sáng sẽ giúp gắn kết và hướng mỗi người tới những giá trị tốt đẹp.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh, năm học vừa qua, nhà trường đã triển khai tiết học trải nghiệm, lồng ghép, các nội dung phòng, chống bạo lực học đường thông qua 3 hoạt động cơ bản: Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng năng lực xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường cho toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh toàn trường.
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu thường xuyên tổ chức các hoạt động góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa học sinh. |
Các hình thức tuyên truyền như: Trình chiếu video về các tình huống, thảo luận nhóm để giải quyết các câu hỏi hay thuyết trình, trình bày quan điểm cá nhân, nhóm,… về vấn đề bạo lực học đường. Từ đó giúp học sinh biết cách thể hiện quan điểm không đồng tình với hành vi bạo lực học đường, lên án cũng như biết cách tránh xa bạo lực học đường.
Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho biết: “Nhà trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề nề nếp, bởi ở độ tuổi học sinh THPT có nhiều đặc điểm tâm sinh lý phức tạp. Đặc biệt, để giúp học sinh hiểu và xây dựng được tình bạn đẹp, gắn kết, ngăn chặn bạo lực học đường, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, xây dựng các chủ đề, chủ điểm hoạt động hàng tháng, lồng ghép trong nội dung các môn học Giáo dục công dân, Ngữ văn...”.
“Cẩm nang pháp luật” cho học sinh
Ngày 9/5/2023, Hội liên hiệp Phụ nữ phường Bình Trưng Tây, Trường THCS Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức), phối hợp Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”. Phiên tòa nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về thực trạng bạo lực học đường. Hướng dẫn học sinh nhận biết các hành vi và biện pháp phòng, chống nạn bạo lực học đường hiện nay.
Phiên tòa giả định thu hút hàng trăm học sinh và thầy cô giáo cùng tham gia, tình huống được đặt ra trong vụ án xét xử: Do bạn gái có mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước nên Trần Phi Công và Huỳnh Minh (sinh năm 2007) đã hẹn nhau ra nói chuyện. Minh đã rủ thêm Nguyễn Thanh Sơn, Huỳnh Văn Sâm, Lê Văn Khang cùng đi đến gặp nhóm công. Sơn mượn cây sắt mang theo. Gặp nhau hai bên xảy ra ẩu đả nên Sơn đã dùng cây sắt đánh trúng đầu Công bất tỉnh.
Hậu quả của vụ ẩu đả là Công chấn thương đầu, tỉ lệ thương tật 10%. Sơn bị truy tố ra Tòa án nhân dân TP Thủ Đức về tội gây thương tích. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử giả định đã phân tích cho bị cáo biết rõ hành vi sai trái của mình.
Học sinh tham gia phiên tòa giả định đều tỏ ra hào hứng và tập trung theo dõi từng chi tiết trong vụ án, đồng thời nêu lên những quan điểm suy nghĩ của mình.
Trước đó, ngày 8/5, Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11) cũng tổ chức phiên tòa giả định với nội dung tương tự. Theo thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh bị bạo lực, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ dẫn tới những xích mích không đáng có gây mất đoàn kết kèm theo những hành vi lời nói bột phát làm tổn thương tinh thần lẫn nhau. Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng này sẽ xảy ra những hậu rất quả đáng tiếc.
Đặc biệt, thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường còn diễn ra trên Internet khi học sinh sử dụng mạng xã hội tràn lan, xúc phạm, lăng mạ, nói xấu nhau... chỉ vì những mâu thuẫn đôi khi rất nhỏ trong giờ giải lao, chơi đùa.
Toàn cảnh phiên tòa giả định phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THPT Trần Quang Khải. |
Để ngăn chặn bạo lực học đường, Trường THPT Trần Quang Khải thường xuyên tăng cường giáo dục thái độ sống, kỹ năng sống, tổ chức các phong trào, hoạt động tập thể thu hút học sinh tham gia.
Cùng với đó nhà trường tăng cường công tác phối kết hợp quản lý và giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là đưa nội dung không sử dụng điện thoại di động trong quá trình học tập nếu môn học không có yêu cầu sử dụng và trong quá trình sinh hoạt tại trường vào nội quy trường lớp.
“Nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người khác như ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; Tôn trọng, đoàn kết với bạn bè, suy nghĩ tích cực, chấp hành tốt nội quy trường lớp, tránh xa bạo lực. Khi có vấn đề về bản thân, các mối quan hệ với bạn bè hoặc với đối tượng khác thì học sinh nên chia sẻ cùng các bạn trong lớp, người thân và thầy cô để nhận được lời khuyên và giúp đỡ cần thiết kịp thời… Nhờ đó mà mà học sinh trong trường ngoan ngoãn, đoàn kết và quý trọng nhau”, thầy Tài chia sẻ.