Vụ giang hồ “Đường Nhuệ”: Cánh tay nối dài của một bộ phận “sâu mọt”

Vụ giang hồ “Đường Nhuệ”:  Cánh tay nối dài của một bộ phận “sâu mọt”

Lộ diện những mắt xích đầu tiên

Sau khi Nguyễn Xuân Đường, tức Đường Nhuệ bị bắt, những hành động vi phạm pháp luật của giang hồ khét tiếng này dần bị phanh phui. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 người về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị can gồm: Phạm Văn Hiệp (36 tuổi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp); Vũ Gia Thành (43 tuổi, đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản); Trịnh Thị Minh Thúy (40 tuổi, Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT Thái Bình) và Hà Văn Dũng (36 tuổi, nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên). Như vậy, cho đến thời điểm này, ngoài vợ chồng Đường Nhuệ và loạt đàn em, thì 4 cán bộ biến chất cũng đã phải “nhập kho”.

4 “cán bộ” bị bắt đều liên quan đến việc bảo kê đấu giá đất của Đường Nhuệ. Dưới mác doanh nhân, Đường Nhuệ đã sử dụng côn đồ để chèn ép, hăm dọa loại các nhà thầu khác khỏi các cuộc đấu giá đất.

Những khu đất mà vợ chồng này tham dự đấu giá phải kể đến như đất Nhà máy Bia Ong cũ ở phố Lý Thường Kiệt, dãy shophouse sau Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, khu dân cư tại xã Bình Nguyên và xã Vũ Ninh thuộc huyện Kiến Xương...

Theo một số người từng đi đấu giá tại những khu đất trên, thì cách làm ăn mà cặp vợ chồng Đường Nhuệ thường dùng đó là huy động một lượng lớn đàn em xã hội xăm trổ đến địa điểm đấu giá. Nếu có ai mua hồ sơ, đầu tiên sẽ là đe dọa người mua để họ tự rút lui. Nếu người nào không chịu thì sẽ tiếp tục khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung đánh đập. Nhờ vậy mà cặp vợ chồng đại gia này rất tự tin trong các cuộc đấu giá, và trở thành cái tên khiến nhiều người khiếp vía.

Điển hình như vụ đấu giá đất tại xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương gần đây, khu dân cư này có 46 lô đất nhưng có đến 700 hồ sơ xin đăng ký mua. Đến khi chốt lại, Công ty Đường Dương trúng đến 30 lô đất, 700 hồ sơ khác phải ngậm ngùi đấu giá 16 lô còn lại. Trong vụ đấu giá này, chính Đường Nhuệ đã khoe “thành tích” trên Facebook cá nhân, rằng: “Hôm nay đấu giá có 46 lô đất mà đông người quá. Lộc ai người đấy hưởng. Vợ Đường Dương trúng có hơn 30 lô. Chục lô còn lại thì hơn 700 người chia nhau…”.

Diễn biến sự việc cho thấy, rất có thể số người bị bắt chưa dừng lại. Bởi 4 “cán bộ” bị bắt mới chỉ liên quan đến đấu giá đất - một mảng hoạt động băng nhóm của Đường Nhuệ. Ngoài hành vi côn đồ trong hoạt động đấu giá đất đai, nhóm này còn hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Thực tế, sau khi nhóm này bị bắt giữ, xuất hiện rất nhiều thông tin về những hành vi vi phạm pháp luật của họ. Những hành vi này chưa được phát hiện, điều tra làm rõ hoặc có điều tra nhưng… bỏ lửng?

Vì sao Đường Nhuệ hoạt động tội phạm dưới vỏ bọc công ty?

Từ cuối năm 2017 đến trước khi Đường Nhuệ cùng đồng bọn bị bắt tạm giam, các công ty làm dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình phải đóng tiền “phế” cho Đường Nhuệ 500.000 đồng/đám. Số tiền này các gia đình người chết phải chịu và được cộng vào chi phí bên ngoài dịch vụ tang lễ. Để dễ bề quản lý, Đường Nhuệ huy động đàn em đến gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ mai táng yêu cầu không được làm việc trực tiếp với lò hỏa táng ở Nam Định. Nếu đám nào muốn đi hỏa táng thì phải thông qua “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” do công ty của Đường Nhuệ đứng đầu. Các đơn vị dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình khi nhận đưa người đi hỏa táng đều phải báo cáo chi tiết thông tin về thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường Nhuệ. Căn cứ vào số liệu báo cáo, hàng tháng các công ty dịch vụ mai táng phải nộp đủ cho băng nhóm giang hồ này.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) thì trong hoạt động điều tra hình sự, đã có những “đại án” được bắt đầu, khai thông từ những vụ việc nhỏ. Hành động trấn áp ổ nhóm tội phạm Đường Nhuệ sẽ là bước đột phá để Công an tỉnh Thái Bình điều tra mở rộng.

Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định, việc các tổ chức tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Và Đường Nhuệ cũng “bắt nhịp” hoạt động theo vỏ bọc ấy.

Trong quá trình hoạt động, nhằm tạo dựng các mối quan hệ với cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước để thuận lợi trong công việc làm ăn, hay để che giấu đi những hoạt động phạm tội trong thế giới ngầm, họ cần những bộ mặt “sạch sẽ”.

Khi đó, không gì dễ dàng hơn là việc tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, cùng với công nghệ “lăng xê” qua nhiều hình thức. Để che đậy cách làm ăn kiểu xã hội đen, vợ chồng Đường Nhuệ xây dựng hình ảnh trên trang Facebook cá nhân bằng các hoạt động xây cất nhà lầu với hàng trăm bất động sản, chơi siêu xe. Tổ chức những bữa tiệc có sự tham dự của nhiều quan khách, cầu thủ, ca sĩ, diễn viên… để tạo vỏ bọc sang chảnh, tử tế.

Đồng thời, Đường Nhuệ cũng không quên “dằn mặt” người khác bằng hình ảnh xăm trổ của đàn em hay quan hệ rộng với các đại ca giang hồ ở khắp các tỉnh thành. Bản thân đại gia Đường Nhuệ cũng từng tham gia một số phim phát trên mạng như Chạm mặt giang hồ, Luật lệ giang hồ, Tỷ phú đè đại gia...

Theo đánh giá của một bộ phận dư luận, thì Đường Nhuệ chỉ là một con hổ giấy. Sau khi vợ Đường là Nguyễn Thị Dương bị cơ quan điều tra bắt giữ thì Đường còn tuyên bố với đàn em là 2 ngày nữa Dương sẽ được thả. Nhưng ngay sau đó, Đường biết thông tin mình cũng phải “nhập kho” nên mất phương hướng. Đường chạy đến nhà đàn em ở Hà Nam để lẩn tránh mà trong túi cũng chỉ còn một chút tiền lẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.