Vụ cụ ông 83 tuổi được bồi thường oan sai: Tiền tỉ được chia như thế nào?

GD&TĐ - Cụ Trần Văn Thêm, 83 tuổi, ở Bắc Ninh bị oan suốt hơn 40 năm nhưng khi nhận được 6,7 tỉ đồng tiền bồi thường, cụ lại chia cho nhiều người khiến con trai cụ nộp đơn tố cáo những người có liên quan trong sự việc.

Cụ Trần Văn Thêm
Cụ Trần Văn Thêm

Chỉ mang về gần 1/3 số tiền bồi thường

Trong đơn tố cáo gửi Công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), ông Trần Văn Sáu đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường cho cha mình là cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, người từng mang án oan giết người suốt hơn 40 năm) số tiền 6,7 tỉ đồng nhưng khi cụ Thêm nhận tiền mang về nhà chỉ 2,1 tỉ đồng gồm: 4 sổ tiết kiệm và 100 triệu đồng tiền mặt.

Ông Sáu cho rằng, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi và ông Trần Văn Được (cháu cụ Thêm) là những người liên quan, không minh bạch trong việc sử dụng số tiền bồi thường của cụ Thêm.

Ngày 15/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Sáu (con trai cụ Thêm) cho biết: Hiện tại, đơn mà ông Sáu gửi đã được Công an huyện Yên Phong tiếp nhận. Công an huyện đã vào cuộc và mời các bên có liên quan lên làm việc.

Theo ông Sáu, gia đình ông muốn làm sáng tỏ về việc tất cả các đơn được lập ra và để cụ Thêm kí. Khi nộp đơn, ông Sáu cũng đề nghị Cơ quan công an làm rõ việc ăn chia 40%, số tiền cụ Thêm nhận được và còn lại là bao nhiêu. “Vì tất cả lời khai trước đây như ông Được nói là cầm 900 triệu đồng của cụ đến bây giờ ông ấy lại bảo là 1,35 tỉ đồng, việc đấy là hai lời vì thế cần phải làm sáng tỏ” - ông Sáu nói.

“Đối với ông Hòa, đấy không phải là ăn chia mà bố tôi nói là ủy quyền 40% số tiền cho ông Hòa để đưa vào từ thiện, hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn oan sai như bố tôi. Quan điểm của bố tôi là như thế, chứ không phải là cho hay cắt phần trăm cho ông Hòa. Trong đơn tôi đã nêu rõ” - ông Sáu cho hay.

Cũng theo ông Sáu, gia đình ông luôn ghi nhận công sức của những người đã giúp bố ông được minh oan, nhưng phải minh bạch. “Lấy tiền tại sao không báo gia đình, kí kết những gì gia đình tôi không biết. Tự các ông ấy lập ra bảo bố tôi kí thì cụ kí thôi. Tôi thấy bức xúc khi bảo bố tôi nhận đủ 6,7 tỉ đồng nên tôi mới làm đơn nhờ cơ quan chức năng làm rõ” - ông Sáu chia sẻ.

Số tiền đền bù còn lại ở đâu?

Tại biên bản làm việc ngày 13/7/2019 có chữ ký được cho là của ông Trần Văn Được, Trần Tuệ Lâm (cháu đích tôn của cụ Thêm), Nguyễn Văn Hòa… và nhiều chữ ký làm chứng của các phóng viên thể hiện: Ông Nguyễn Văn Hòa là người mời cụ Thêm cùng con cháu đến làm việc.

Tại biên bản này, người được cho là ông Hòa thừa nhận sau 3 ngày Tòa án Cấp cao chuyển tiền bồi thường của cụ Thêm vào tài khoản của cá nhân ông theo ủy quyền, ngày 19/3/2018, ông Hòa mời cụ Thêm và cháu là Trần Văn Được đến chi nhánh Ngân hàng Agribank Bình Phú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để rút toàn bộ số tiền ra giao cho cụ Thêm.

Cùng lúc đó, cụ Thêm đứng ra lập 6 sổ tiết kiệm tiền gửi tại ngân hàng, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng. Sau đó, 3 người mang tiền về Phòng Công chứng Quốc Dân - Thạch Thất để xác nhận việc giao dịch.

Khi ông Hòa cùng cụ Thêm và ông Được quay trở lại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất, ông Hòa nói: Nếu phải nộp tiền thuế thu nhập thì cụ phải đóng, vì vậy cụ Thêm đã gửi tôi 1 sổ tiết kiệm số AC00008923758. Tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất, cụ Thêm đã giao cho tôi 2,6 tỉ đồng như đã thỏa thuận trong giấy ủy quyền. Cụ Thêm cũng giao cho anh Được số tiền 200 triệu đồng có sự chứng kiến của tôi. Số còn lại cùng với 5 sổ tiết kiệm cụ Thêm và anh Được mang về Yên Phong (Bắc Ninh).

Theo biên bản được lập trên, người được cho là ông Trần Văn Được thừa nhận: Trên đường về thị xã Từ Sơn, ông và cụ Thêm vào rút một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng cùng với số tiền mặt mang về, cụ Thêm đưa cho ông Được 1,15 tỉ đồng. “Như vậy, tổng số tiền cụ cho tôi tại trường và trên đường về là 1,35 tỉ đồng, tương đương 20% giá trị tổng số tiền bồi thường mà cụ Thêm được nhận” - ông Được trình bày tại biên bản làm việc.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc nêu trên, chiều 15/7, Báo GD&TĐ đã trao đổi với Luật sư Vũ Văn Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi (Công ty Luật Hòa Lợi). Ông Lợi nói rằng: “Chúng tôi làm miễn phí từ giai đoạn mà cụ Thêm khiếu kiện mấy chục năm không được minh oan. Từ giai đoạn hồ sơ không có gì cho đến khi tìm ra được bản án để chứng minh việc oan sai. Chúng tôi đã làm việc với TAND Tối cao, Bộ Công an và VKSND Tối cao tổ chức công khai xin lỗi”.

Theo Luật sư Vũ Văn Lợi, đến khi tổ chức công khai xin lỗi xong thì gia đình cụ Thêm hoàn toàn tách li, không có liên hệ với công ty nữa. “Vì vậy, sau khi được công nhận oan sai, công khai xin lỗi, khi cụ Thêm nhận được tiền thì Công ty Luật Hòa Lợi cũng không biết và cá nhân tôi cũng không biết” - ông Lợi nói.

Luật sư Vũ Văn Lợi cũng khẳng định, ông Hòa không phải là luật sư, mà chỉ là Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi phụ trách hành chính. Giữa ông Hòa và cụ Thêm kí hợp đồng ủy quyền đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật không cấm, phù hợp với quy định và hợp đồng này được công chứng, chứng thực đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng như được các cơ quan của TAND Tối cao chấp nhận.

“Giấy ủy quyền này hoàn toàn hợp pháp, do vậy ông Hòa mới được thanh toán thay mặt cụ Thêm và giấy ủy quyền này cũng có ủy quyền trực tiếp là chuyển vào tài khoản ông Hòa vì bản thân cụ Thêm không có tài khoản ngân hàng” - Luật sư Lợi lý giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ