Vụ chiếm đất vàng quốc phòng tại TPHCM: Út “trọc” đã dùng thủ thuật gì để lừa đảo?

Vụ chiếm đất vàng quốc phòng tại TPHCM: Út “trọc” đã dùng thủ thuật gì để lừa đảo?

Tạo dựng người thân làm lá chắn

Theo bản cáo trạng mới ban hành, liên quan đến sai phạm tại 3 lô đất quốc phòng, số 2, 7 - 9, 9 - 11 đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TPHCM, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc và truy tố Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng; nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị can Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình), Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh) cũng bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan vụ án, ông Nguyễn Văn Hiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Một số cấp dưới của ông Hiến bị cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Hành vi của ông Hiến và đồng phạm gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, năm 2005, ông Hệ nhờ Hoan (cháu gọi bằng cậu, lúc này đang là SV năm nhất một trường ĐH tại TPHCM) làm giám đốc, đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng. Công ty có hai thành viên là Vũ Thị Hoan và nhân viên bảo vệ nhưng thực chất họ không vốn góp, mọi hoạt động đều do ông Hệ điều hành.

Lợi dụng sự chủ quan, kém hiểu biết về pháp luật của một số cán bộ thuộc Quân chủng Hải quân (QCHQ) và những sơ hở, buông lỏng trong quản lý đất đai, Út ‘trọc’ và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất của QCHQ tại khu đất số 7 - 9, ở đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TPHCM.

Tháng 12/2007, ông Nguyễn Văn Hiến ký quyết định bàn giao khu đất cho Công ty Yên Khánh trực tiếp quản lý, ông Hệ cho các tổ chức cá nhân thuê lại làm bãi đậu xe thu tổng cộng hơn 32 tỷ đồng. Đến năm 2009, Hệ bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh, còn Hoan chuyển qua làm đại diện cho công ty liên doanh mới thành lập.

Ngoài ra, Út ‘trọc’ còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn nhưng không có tiền góp vốn, để thành lập một số công ty. Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập, nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới dự chỉ đạo và điều hành của Hệ.

Sửa không thành có

Vụ chiếm đất vàng quốc phòng tại TPHCM: Út “trọc” đã dùng thủ thuật gì để lừa đảo? ảnh 1
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) ra tòa trong một vụ án khác. Ảnh: IT

Theo cáo trạng, năm 2006, ông Hệ biết QCHQ có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TPHCM sang làm kinh tế, bị can đã chỉ đạo Hoan ký tờ trình đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh. Lúc này, Công ty Yên Khánh mới thành lập, vốn điều lệ chỉ là trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.

Thế nhưng, Út “trọc” đã chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình để Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7 - 9. Tại thời điểm, khu đất này chưa được chuyển đổi sang làm kinh tế nhưng các bị can Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính QCHQ) đã tham mưu cho ông Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga (Giám đốc Công ty Hải Thành thay ông Vũ Văn Khánh) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh tại khu đất số 7 - 9.

Cụ thể, ông Thiềm đã chủ trì 4 buổi đàm phán với Công ty Yên Khánh. Đến ngày 4/9/2006, hai bên chính thức ký hợp đồng với 7 nội dung, thành lập Công ty liên doanh Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất này, thời hạn 49 năm. Công ty liên doanh có vốn điều lệ 320 tỷ đồng, trong đó Hải Thành góp 32 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng đất. Yên Khánh sẽ thanh toán cho Hải Thành một khoản thu nhập ổn định (được tính theo đơn giá 3 - 4,5 USD/m2 mỗi tháng, tăng dần theo các năm) không phụ thuộc vào doanh thu của công ty liên doanh.

Hợp đồng này được ông Thiềm và Thảo ký bảo đảm mặc dù thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bùi Văn Nga vẫn ký hợp đồng góp vốn với Công ty Yên Khánh Hải Thành, xác định Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất số 7 - 9 là hơn 503 tỷ đồng.

Tháng 7/2009, UBND TPHCM duyệt giá trị quyền sử dụng đất khu đất hơn 503 tỷ đồng để Công ty Hải Thành nộp vào ngân sách thành phố. Do công ty không có tiền đóng, ông Thảo đề xuất ông Hiến ký công văn đề nghị Sở Tài chính TPHCM cho phép công ty được chuyển số tiền này cho QCHQ sử dụng. Ngày 25/11/2009, UBND TPHCM cho phép Công ty Hải Thành được chuyển mục đích sử dụng khu đất để đầu tư xây dựng dự án.

Đến ngày 3/2/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty Hải Thành. Út “trọc” chỉ đạo Phạm Văn Diệt kêu nhân viên đến Công ty Hải Thành lấy giấy giới thiệu, nộp 500 triệu đồng lệ phí trước bạ để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Út “trọc” chỉ đạo người khác lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất số 7 - 9 để bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh vay 52 tỷ đồng của Ngân hàng Thương Tín. Số tiền này, được Út “trọc” dùng để mua 2 căn nhà cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Như (vợ cả đã ly hôn) và con ở quận 2, TPHCM; số còn lại thì mua cổ phiếu. Sau đó, số tiền vay này đã được Công ty Yên Khánh giải chấp cuối năm 2013.

Sau khi giải chấp tài sản thế chấp là khu đất số 7 - 9 tại Ngân hàng Thương Tín, ông Hệ tiếp tục chỉ đạo việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7 - 9 để vay vốn của Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thành Đô cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ. Ngân hàng này và các công ty thống nhất xác định giá trị khu đất số 7 - 9 là hơn 717 tỷ đồng, các công ty vay tiền của ngân hàng thế chấp bằng giá trị khu đất.

Cáo trạng của Viện KSQS chỉ ra rằng, quá trình làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, tháng 5/2015, Công ty Yên Khánh đem hồ sơ thế chấp (trong đó có hợp đồng liên doanh đã ký với Công ty Hải Thành ngày 4/9/2006) đến văn phòng công chứng tại Q.3, TPHCM để công chứng. 

Hợp đồng này bị sửa nội dung từ việc Công ty Yên Khánh Hải Thành không được thế chấp quyền sử dụng đất số 7 - 9 thành Công ty Yên Khánh Hải Thành có quyền thế chấp quyền sử dụng đất, đồng thời được phép phát mại chuyển nhượng quyền sử dụng đất không cần điều kiện 49 năm… Với các thủ thuật trên, Út “trọc” và đồng phạm đã chiếm đoạt quyền sử dụng đất số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TPHCM của QCHQ, có giá trị tại thời điểm tháng 2/2020 là hơn 525 tỷ đồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...