Các tổ chức, chuyên gia giáo dục kêu gọi chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ để không học sinh Indonesia nào bị bỏ lại phía sau.
Hồi tháng 7, ông I Made Nuka, sống tại Bali, Indonesia, phải lựa chọn giữa việc dùng số tiền ít ỏi để đóng học phí cho con trai học THCS hoặc mua thức ăn cho gia đình. Cuối cùng, ông đã chọn phương án thứ 2.
Con trai của ông đã tốt nghiệp trung học 2 năm trước nhưng do gia đình không thể trả khoản nợ học phí 665 USD (khoảng 15,8 triệu đồng), nhà trường chưa phát bằng. Vì vậy, chàng trai 21 tuổi không thể tìm việc làm hỗ trợ gia đình. Cả nhà phụ thuộc vào công việc xây dựng của ông Nuka.
Để người con thứ 2, Ardita học THCS, ông Nuka sẽ phải chi 73 USD (1,7 triệu đồng). Tuy nhiên, từ khi giá nhiên liệu tăng, ông Nuka không thể đổ xăng xe máy, dẫn đến cơ hội tìm việc làm xung quanh làng bị hạn chế. Ngoài ra, gia đình ông cũng phải “thắt lưng buộc bụng” do giá thực phẩm tăng cao.
“Nếu không xin được việc làm, tôi phải vay bạn bè hoặc hợp tác xã trong làng. Tôi cảm thấy mình là ông bố thất bại. Nếu đủ khả năng, tôi có thể cho con học hết phổ thông nhưng giờ đây, tôi không thể chi trả tiền học của cháu”, ông Nuka bày tỏ.
Chị Ni Luh Sudiasih, bà mẹ ba con, cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự ông Nuka. Làm nghề bán hoa cúng trong các ngôi đền tại Bali, chị Ni Luh cho biết số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình.
Khi lạm phát đẩy giá cả lên cao, mua thức ăn ngày càng khó khăn hơn. Chị không còn đủ khả năng cho con cái đi học nên các cháu đã nghỉ ở nhà trong những tháng gần đây.
Vào tháng 9, lạm phát ở Indonesia ở mức 4,69%, giảm nhẹ so với mức 4,94% trong tháng 7 - mức cao nhất trong 7 năm qua. Chính quyền Indonesia đã phân bổ 1,6 tỷ USD nhằm hỗ trợ hơn 20 triệu gia đình khó khăn vượt qua làn sóng lạm phát kéo theo giá nhiên liệu tăng.
Các gia đình đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp thông qua Chương trình Hy vọng Gia đình và được tặng thêm 40 USD. Gia đình ông Nuka và chị Ni Luh nằm trong nhóm được nhận trợ cấp nhưng khoản tiền vẫn chưa được phân bổ.
Con cái của hai người cũng không được nhận hỗ trợ từ Chương trình Indonesia thông minh, dự án trợ giúp xã hội nhằm giải quyết tình trạng học sinh Indonesia bỏ học. Đây là dấu hiệu cho thấy, việc quản lý dữ liệu trong các chương trình hỗ trợ xã hội tại Indonesia đang gặp khó khăn.
Bà Retno Listyarti, thành viên Ủy ban quốc gia về Bảo vệ Trẻ em, kiến nghị chính phủ cải tiến cơ sở dữ liệu của Chương trình Indonesia thông minh để hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có nguy cơ bỏ học khi lạm phát tăng.
“Nữ sinh bỏ học sẽ kết hôn và sinh con sớm. Còn nam sinh nếu chỉ tốt nghiệp tiểu học sẽ bị hạn chế việc làm. Những điều này tạo ra vòng lặp đói nghèo và hạn chế cơ hội học tập của con cái họ trong tương lai”, bà Retno chỉ ra.