Thờ ơ với sở thích của HS
Theo các học giả, nhiều cơ sở GD tại Indonesia đã hạn chế việc cho phép HS tự do khám và bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân. Ngoài ra, người học cũng không có sự tự do trong học tập.
Việc thiếu không gian để HS thể hiện bản thân và khám phá niềm đam mê trong học tập có thể được coi là câu trả lời lý giải cho việc Indonesia không được đánh giá cao trên nền GD toàn cầu. Theo số liệu từ Chương trình Đánh giá HS Quốc tế (PISA) – đánh giá toàn cầu đối với 72 quốc gia, Indonesia là 1 trong 10 quốc gia đứng cuối cùng về lĩnh vực GD. Thậm chí, HS Indonesia đạt điểm thấp hơn so với các bạn đồng trang lứa từ Mexico, Colombia và Thái Lan ở tất cả các hạng mục: Đọc, Khoa học và Toán học.
Theo thống kê, có hơn 33 triệu HS đang theo học tại các trường công lập Indonesia. Trong khi đó, số lượng người học đăng ký vào các trường đại học (ĐH) nước này là khoảng 7 triệu. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia (AIPI), ông Satryo Brodjonegoro cho biết, nền GD của Indonesia đang trải qua “thị trường hóa”, giúp mọi người đều có thể tiếp cận GD một cách dễ dàng giống như mua một món đồ bình dân.
Nền GD Indonesia đã chứng kiến sự tăng vọt trong tỷ lệ nhập học đối với bậc THCS, từ khoảng 21% trong năm 1978 lên khoảng 77% vào năm 2015. Mặc dù, tỷ lệ HS tiếp cận với GD tăng đáng kể, nhưng ông Satryo nhận định, phương pháp GD hiện tại chỉ ưu tiên cải thiện cách quản lý trường học và phúc lợi dành cho giáo viên (GV). Trái lại, nền GD nước này vẫn chưa tập trung vào nhu cầu của HS, khiến người học luôn có cảm giác bị cô lập và là người không quan trọng.
Phát biểu tại một cuộc thảo luận, ông Satryo đã đề xuất những ưu tiên trong việc cải thiện mô hình GD Indonesia; đồng thời khẳng định, các trường học và GV nên GD HS dựa trên sở thích và niềm đam mê của các em. “Chúng ta cần thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp GV có thể khuyến khích HS suy nghĩ một cách logic và dám đưa ra ý kiến mà không sợ phạm lỗi”, vị Chủ tịch AIPI nhấn mạnh.
Giải pháp công nghệ trong GD
Ông Iwan Pranoto, Giáo sư (GS) Toán học tại Học viện Công nghệ Bandung (ITB) cho biết, công nghệ có thể cung cấp giải pháp cho những thách thức trong hệ thống GD. Theo GS Iwan, Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng để tăng cường trải nghiệm học tập của HS.
“Nếu được sử dụng một cách chính xác, phân tích AI và Dữ liệu lớn có thể cho phép các nhà GD thiết kế các bài học phù hợp với từng người học”, ông Iwan khẳng định. Cụ thể là Carnegie Learning - công ty AI cung cấp phần mềm học tập, đã cá nhân hóa một chương trình Toán học cho các trường trung học ở Wichita (Kansas, Mỹ).
Mặc dù không ít học giả thể hiện kỳ vọng vào AI đối với nền GD, nhiều học giả đã sử dụng “công cụ học tập thích ứng” một cách cẩn trọng. “Công nghệ tương tự như AI này cũng có thể được sử dụng để làm cho quá trình học tập trở nên giống với việc đào tạo, thay vì quá nặng nề như GD”, GS Iwan phát biểu.
Một khảo sát của Forrester Consulting chỉ ra rằng, tiến trình triển khai AI tại Indonesia đã trở nên tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Microsoft cho thấy, chỉ có 1/7 công ty tại Indonesia sử dụng AI trong các hoạt động của mình, chưa kể đến hệ thống GD nước này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhận định, khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến việc áp dụng AI trở nên đầy thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và tổ chức Indonesia đang phải vật lộn với việc quản lý khối lượng thông tin khổng lồ.
Trước tình trạng này, GS Iwan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo, các học giả cùng nhau thúc đẩy triển khai AI tại các trường học ở Indonesia. “Chúng ta phải học cách sử dụng các công nghệ có sẵn và áp dụng vào bối cảnh cụ thể của Indonesia”, GS Iwan nhấn mạnh.
Mang tới tự do học thuật
Bên cạnh việc mở rộng nền GD và có những tiến bộ về công nghệ, HS Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về tự do trong học tập. Đầu năm nay, một trường ĐH thuộc tỉnh Bắc Sumatra đã giải thể Hiệp hội Báo chí Sinh viên do xuất bản ấn phẩm có nội dung về các vấn đề giới tính, tình dục.
Tại một cuộc thảo luận, ông Budiman Sudjatmiko, một thành viên của quốc hội và cựu nhà hoạt động năm 1998 đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi sự tự do của người học không được tôn trọng. “Bản chất của một trường ĐH là tự do học thuật. Nếu không có yếu tố đó, không nơi nào có quyền tự xưng là một cơ sở GD. Hiến pháp của Indonesia đã đưa ra những biện pháp bảo vệ rõ ràng. Do đó, chính phủ phải thực hiện một cách mạnh mẽ”, ông Budiman khẳng định.
Một cuộc khảo sát mới đây do Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo và Xã hội thực hiện cho thấy, có tới hơn 40% GV ở Indonesia có xu hướng bác bỏ các ngành khoa học “không bắt nguồn từ Hồi giáo”. “Chủ nghĩa bảo thủ hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì, nhưng nó làm tôi buồn khi mọi người không suy nghĩ rõ ràng và phủ nhận sự thật khoa học. Đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại nếu các GV có cách cư xử như vậy”, ông Budiman nói thêm.