Võ Nguyên Giáp là một nhà văn hóa lớn. Là Bí thư Quân ủy Trung ương, là Đại tướng Tổng Tư lệnh suốt 34 năm, ông đã rèn luyện cho Quân đội Nhân dân trở thành một quân đội cách mạng mang bản sắc văn hóa riêng, trong đó mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của Tổng Tư lệnh.
Ông thực sự là Chính ủy của các Chính ủy, một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng trên tất cả các mỹ từ đó, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông lại tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Nếu Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ thì ông chính là một người Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam đẹp nhất, một vị tướng của lòng dân!
1.
Được Bác Hồ giao trọng trách “Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang”, Võ Nguyên Giáp là người biết rõ hơn ai hết cái giá phải trả của chiến tranh. Ông cho rằng, việc quý trọng sinh mạng của con người không chỉ là vấn đề đạo đức, trách nhiệm, mà còn là thước đo trình độ và phẩm chất văn hóa của người cầm quân. Ông thực sự là vị tướng hiếm hoi trên thế giới đã thể hiện rõ nhất tính chất nhân văn của người làm tướng.
Ông luôn nhắc nhở các tướng lĩnh thân cận câu nói nhân văn của Bác: “Không có trận thắng nào là đẹp cả”. Các đồng chí gần gũi Đại tướng kể lại: Ông đã từng rơi lệ khi nghe tin thương vong của chiến sĩ, tổn thất của đồng bào; đã không cầm được nước mắt trước sự hy sinh của học sinh, sinh viên, của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trên dòng sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, đỉnh đèo Phu Lê Nhích (Trường Sơn)…
Tổng Tư lệnh đã có nhiều đêm mất ngủ khi nghe báo cáo số cán bộ, chiến sĩ thương vong quá cao trong một trận đánh, suốt 11 ngày đêm trăn trở và một đêm thức trắng để đi đến quyết định “khó khăn nhất trong đời Chỉ huy” để giành được chiến thắng “như một cột mốc bằng Vàng” - “Chấn động địa cầu” - Điện Biên Phủ!
Bản chất nhân văn tỏa sáng trong con người ông. Ông luôn coi đồng đội, chiến sĩ như anh em, như con của mình. Do vậy, trước những chiến dịch, trận đánh lớn, hầu như bao giờ ông cũng thức thâu đêm trăn trở, suy tính tìm đủ mọi cách giải bài toán giữa máu xương và chiến thắng nhằm hạn chế thương vong ở mức tối thiểu mà vẫn giành chiến thắng ở mức tối đa!
Là Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ quán triệt tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ cũng như truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc ta. Ông là người làm nên giá trị Bộ đội Cụ Hồ! Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh tiêu biểu chủ nghĩa nhân văn của một quân đội cách mạng, hết lòng yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của nhân dân, dân tộc mình cũng như bè bạn, láng giềng với tinh thần quốc tế cao cả. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của các bạn Lào, Campuchia mà đến nay có nhiều người vẫn chưa trở về được với Đất Mẹ, để lại nỗi đau vô hạn cho bao bà mẹ, cho bao người thân…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã từng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch thời chống Pháp, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, ông đánh giá rất cao công cuộc chi viện sức người, sức của cho chiến trường.
Khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, đầu năm 1959, với ý kiến của nhiều tướng lĩnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh và Tổng tham mưu phó Trần Văn Trà), Đại tướng Tổng Tư lệnh đã chấp thuận các kiến nghị trên, đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thành lập tuyến chi viện Bắc Nam trên bộ và trên biển, trong đó đường trên bộ Đông Trường Sơn trên đất Việt Nam gọi là Đường dây 559. Đại tướng đã đề nghị Bộ Chính trị thỏa thuận với Đảng và Chính phủ hai nước Lào - Campuchia phối hợp giải phóng các đồn bốt địch ở Tây Trường Sơn để Đoàn 559 mở đường vận tải sang Tây Trường Sơn.
Trong quá trình phát triển, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo, biểu dương mặt tốt, chỉ ra những khuyết điểm. Một trong những sáng kiến chiến lược của ông là vào năm 1965, khi đường tắc do địch đánh phá quyết liệt, Tổng Tư lệnh đã điện cho Đoàn 559, Bộ Giao thông và tỉnh Quảng Bình mở đường 20 Quyết Thắng để giải quyết tính độc đạo của đường 12, góp phần quan trọng vào vận tải trong mạng lưới đường Hồ Chí Minh.
Suốt 16 năm ra đời và phát triển, đường Hồ Chí Minh đã làm tròn 4 nhiệm vụ chiến lược:
Một là, chi viện cơ sở vật chất kỹ thuật, binh lực từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam và một phần cho hai nước bạn.
Hai là, phối hợp quân dân bạn với chiến trường nước ta đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chư hầu, từng bước đập tan cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện trên chiến trường Trường Sơn.
Ba là, xây dựng được căn cứ địa Đông - Tây Trường Sơn, 3 nước Đông Dương.
Bốn là, chuẩn bị thực hiện xuất sắc, góp phần đảm bảo cho lệnh tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trong thắng lợi vẻ vang đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “nhân tố có ý nghĩa quyết định” - Ông đánh giá: “Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
2.
Đường Hồ Chí Minh trên biển có phần công lao to lớn của Đại tướng vì được bắt nguồn chính từ tư tưởng kiệt xuất của ông đề nghị Bộ Chính trị thành lập Đoàn 559 và vận chuyển vũ khí bằng đường biển bí mật.
Tháng 10/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 - mở đường chiến lược đưa hàng, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngay khi thành lập, Đại tướng căn dặn: “Việc mở đường không được ai biết. Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật… có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn...”. Lời căn dặn này vô cùng cần thiết và quý báu!
Ngày 11/10/1962, với hơn 30 tấn vũ khí, con tàu mang tên “Phương Đông 1” đã vinh dự được chọn làm tàu mở đường, bắt đầu một chiến dịch lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Tướng Đồng Văn Cống - lúc đó được giao theo dõi hành trình, kể: “…cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng hỏi: Thế nào rồi? - Mãi sáng ngày 19/10/1962 (9 ngày sau), mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương họp giao ban. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu lên nhìn tôi đăm đăm. Lần này tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Ông khóc!…”.
Thành công của con tàu “Phương Đông 1” đã chính thức khai thông tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển suốt 13 năm - gắn với những chiến công huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam - góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Chúng ta hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng với chiến sĩ lẩn khuất trên địa bàn bí mật ở miền Nam được Chỉ huy Khu ủy khu VI cử ra Bắc “trao tận tay” Đại tướng tài liệu mật về hoạt động ven biển của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cách đây 63 năm. Sau khi vượt “muôn ngàn gian khổ” ra Bắc gặp Võ Đại tướng. Ông bắt tay anh, “ôm lấy hai vai anh” và “bảo anh ngồi xuống, tự tay bóc thuốc lá và rót nước”. Chiến sĩ đứng dậy: “Thưa Đại tướng, có cái phong bì này, anh Hiền dặn “đưa tận tay cho Đại tướng”.
Ông đưa cho anh một cây bút chì vót nhọn: Đồng chí báo cáo đi và chỉ rõ chỗ trên bản đồ…”. Chiến sĩ cầm bút, đứng sững trước tấm bản đồ hồi lâu. Anh lắp bắp mãi mới nói: “Báo cáo Đại tướng, tôi… tôi không biết chữ! Căn phòng chợt lạnh ngắt!… Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu”… Rồi ông nghẹn ngào nói: “Anh em ta trong ấy vậy đó…”. Ông cầm lấy bút chì từ tay chiến sĩ, kéo lại cạnh mình: “Tôi sẽ chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ, và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ các vùng anh từng biết…”.
Đêm đó, Đại tướng - Chiến sĩ đã “tâm tình đến tận khuya” để nghe anh kể về hoạt động và cuộc đời của anh…”. Khi cán bộ tham mưu “Báo cáo Thủ trưởng đã 1 giờ khuya” thì ông cũng đứng dậy và nói: “Cảm ơn, cảm ơn đồng chí Thanh”. Lần này, ông “ôm chặt cả hai vai anh” và giao hai nhiệm vụ: Chữa bệnh, bồi dưỡng thật khỏe và “phải đi học. Học chữ và học chuyên môn”. “Đêm nay ngủ cho thật ngon”...
Từ cuộc gặp gỡ lịch sử, kỳ lạ và vô cùng cảm động giữa người Chỉ huy cao nhất quân đội với chiến sĩ của mình đã khởi nguồn cho con đường mòn vận chuyển vũ khí vào miền Nam - “đường Hồ Chí Minh trên biển” và góp phần tạo ra chiến thắng cho các trận đánh và thành lập Quân giải phóng miền Nam. Có lần ông ra đến tận nơi xuất phát, nắm tay chiến sĩ giây phút ra khơi với “trái tim người Anh Cả của Quân đội Nhân dân!”
Nhiều tập thể và cá nhân - có Đặng Văn Thanh - được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang!
Sau đó, đến đầu năm 1970 - Tết Canh Tuất - cán bộ, chiến sĩ “đoàn tàu không số” được đón Đại tướng đến thăm và chúc Tết. Đại tướng căn dặn bộ đội ta “tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Lời dặn dò của Tổng Tư lệnh đã “thôi thúc cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ để làm nên con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh! Sau này các cựu binh nguyên là chiến sĩ đoàn tàu không số kính trọng gọi Đại tướng là “linh hồn của đoàn tàu không số”.
Hai con đường huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đã “thay đổi thế cờ” của cuộc kháng chiến ở miền Nam và đều có dấu ấn của Đại tướng!
3.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Tôi chợt nhớ đến một ông già bản mà tôi gặp trên đường vào Mường Phăng - Ông nói: “Chuyện Đại tướng chứ gì?… Vùng này là quê của Đại tướng đấy. Năm nọ (2004), Đại tướng có về quê… Nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng tôi đấy. Nhà đại tướng ở chỗ kia kìa…”. Ông già chỉ lên núi Mường Phăng - Một giải xanh “um tùm và rậm rạp như rừng nguyên sinh” giữa mênh mông đồi trọc. Ở đây, người dân vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng… và đặt tên là Rừng Đại tướng. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân tự lập để tôn thờ Đại tướng. Đối với vị tướng trận, đó là hạnh phúc lớn - Một hạnh phúc mà mấy ai có được?
____________________________________________
Tài liệu tham khảo:
(*) Tên bài chúng tôi trích câu thơ của nhà giáo Hồ Cơ
- Trần Thái Bình - Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm - NXB Trẻ.
- “Cuộc gặp gỡ khác thường, mở đường cho những đoàn tàu không số” - Nguyên Ngọc.
- “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” - Phát biểu của tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Đoàn 559, Quân khu Trường Sơn giai đoạn 1967 -1975.
- “Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân” - Đặng Anh Đào - NXB Văn hóa - Văn nghệ - TP Hồ Chí Minh - 2014 - Tuyển chọn và giới thiệu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trần Đăng Khoa.
- Trò chuyện với anh Võ Hồng Nam, - con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.