Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng là một Tổng tư lệnh “Biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Tài năng và nhân cách của ông được nhân dân tôn kính, ngưỡng mộ.
Đã có không ít tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời lấy cảm hứng từ chính cuộc đời cao cả mà bình dị của ông, trong đó không thể không nhắc tới dòng ca khúc xúc động về vị Đại tướng của nhân dân.
Một điểm chung dễ nhận thấy trong những ca khúc viết về Đại tướng là tình cảm ngưỡng mộ, kính yêu trước tài năng kiệt xuất và nhân cách vĩ đại của con người có công lớn trong việc xây dựng quân đội ta lớn mạnh ngay từ những ngày đầu.
Ngày 22/12/1944, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do Võ Nguyên Giáp làm đội trưởng. Từ 34 chiến sĩ ban đầu của đội quân tiền thân ấy, quân đội ta không ngừng phát triển lớn mạnh, liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách.
Khu rừng Mường Phăng được bà con địa phương nơi đây trìu mến gọi là “Rừng Đại tướng” vì gắn liền với căn cứ chỉ huy và chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Được khơi gợi cảm hứng từ tình cảm nồng ấm, thân thương mà những người dân nơi đây dành cho Đại tướng, nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác ca khúc “Có một khu rừng như thế”. Bài hát được mở đầu bằng những giai điệu trữ tình, mượt mà: “Có một khu rừng như thế/ Với tình thắm thiết ruột rà/ Dân trìu mến gọi rừng Đại tướng/ Sớm tối giữ gìn như mảnh vườn riêng…”.
Được viết dưới hình thức một bản hợp xướng, ca khúc đã phần nào làm toát lên được tầm vóc của vị tướng tài ba, vừa tinh tường, sáng suốt trong quá trình trực tiếp chỉ huy từng trận đánh lớn lại vừa hết sức gần gũi với người dân, chiếm trọn niềm tin yêu của nhân dân.
Cũng trong dòng cảm xúc thành kính, ngợi ca, ca khúc “Hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ban đầu có tên “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” do nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến sáng tác đã ra đời vào năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng.
Sử dụng chất liệu âm nhạc mang âm hưởng dân ca Quảng Bình – quê hương của Đại tướng, ca khúc đã thực sự gây ấn tượng mạnh đối với người yêu nhạc bởi ca từ và giai điệu hào sảng, trầm hùng, bay bổng: “Xứng danh người anh cả, trọn cuộc đời vì nước vì dân/Xuôi về tuổi ấu thơ, ra đi từ An Xá quê hương/Ký ức xa mờ, dòng Kiến Giang lững lờ/Gia phong cha ông bất khuất anh hùng… Võ Nguyên Giáp tướng quân, tên Người hai cuộc trường chinh/Oai hùng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu/Ngày thống nhất vang lừng năm châu…”.
Hình ảnh Đại tướng trong bộ quân phục chỉnh tề, đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị, nụ cười đôn hậu luôn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt bên cạnh những bậc danh tướng trong lịch sử đã làm rạng rỡ non sông.
Nếu như “Hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” thể hiện niềm tự hào về một người con ưu tú của dân tộc bằng giai điệu trầm hùng thì ca khúc “Anh Văn của đồng đội” do nhạc sĩ Đào Hữu Thi sáng tác lại truyền tới người nghe những cảm xúc mới mẻ khác.
Được viết theo thể hành khúc, bài hát không chỉ tái hiện được khí thế hành quân thần tốc của những người lính Cụ Hồ mà còn khắc họa được một cách chân thực hình ảnh một vị tướng rất mực gần gũi, giản dị, đời thường. Ca khúc có nhiều ca từ mộc mạc, chất chứa nhiều cảm xúc: “Cả cuộc đời dâng trọn nước non/ Đã vượt lên những tháng năm dẫu thăng trầm lịch sử…/Dấu chân anh, tiếng của anh giăng khắp mọi chiến trường”.
Dù ở cương vị nào, lúc trực tiếp cầm quân hay khi đã trở về với cuộc sống đời thường, vị Tổng tư lệnh vẫn là “Anh Văn” thân thương, gần gũi trong lòng đồng đội, chiến sĩ, nhân dân.
18 giờ 09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi. Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử vốn là quy luật của tự nhiên nhưng nhiều người vẫn không khỏi cảm thấy xót đau, ngậm ngùi. Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế thành kính tưởng nhớ ông.
Trong dòng cảm xúc thương tiếc, kính yêu, nhiều ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đời. Có thể kể tên một số ca khúc như: “Tiếng đàn” (An Thuyên); “Còn mãi với mùa thu” (Quỳnh Hợp); “Một đời người hai lần đại thắng” (Vũ Trung Thu)… Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu âm nhạc.
Những lúc rảnh rỗi, ông vẫn dành thời gian học và chơi dương cầm, gửi gắm vào tiếng đàn biết bao tình cảm yêu thương với đồng đội, đồng bào. Được khơi gợi cảm hứng từ hình ảnh một vị tướng huyền thoại ngồi bên chiếc đàn piano, ca khúc “Tiếng đàn” của nhạc sĩ An Thuyên ra đời chỉ sau ít ngày Đại tướng ra đi.
Bài hát đã gây xúc động lòng người nghe nhạc với những ca từ thật thiết tha: “Tiếng đàn vị tướng, mười ngón tay thô/Lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời/Vinh quang cay đắng, cây đời vẫn xanh/Tiếng đàn đồng chí, rạng rỡ non sông/Áo xanh bạc màu, thủy chung đồng đội/Vào sinh ra tử, ấm tình anh Văn”.
Giữa các ca khúc ngợi ca về người anh hùng của dân tộc vào thời khắc Đại tướng đi xa, nhạc sĩ An Thuyên đã chọn một cách khai thác đề tài riêng: Khắc họa một phần phẩm chất nghệ sĩ trong con người Đại tướng.
Không chỉ những người nhạc sĩ đã thành danh, sự ra đi của Đại tướng cũng đã lay động trái tim của nhiều ca sĩ trẻ. Ca sĩ Sao Mai Phạm Phương Thảo đã sáng tác ca khúc “Đất mẹ ngày về” để bộc lộ nỗi lòng mình với Đại tướng.
Niềm xúc động trào dâng đã làm bật lên trong bài hát của người ca sĩ trẻ những ca từ thổn thức: “Quảng Bình chiều nay, nắng không vờn mây/Xác xao ngàn cây, núi sông quặn mình… Đưa Người về quê mẹ, thỏa ước nguyện thời sinh/Cao xanh cũng rưng lệ, muôn dân kết một lòng/Oai phong từ tên họ, lừng lẫy một nghiệp binh/Tâm trong quý như ngọc, tiếng thơm truyền ngàn đời…”.
Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng, Phương Thảo cũng như những người dân nơi đây luôn tự hào về Đại tướng. Ca khúc của cô không chỉ thể hiện nỗi tiếc thương sâu sắc mà còn bày tỏ niềm cảm phục lớn lao của thế hệ trẻ hôm nay với người anh hùng của dân tộc.
Còn rất nhiều ca khúc khác viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời và cả khi ông đã mãi mãi đi xa. Chân dung, thân thế vị tướng của nhân dân luôn ngời sáng chí khí cách mạng, yêu nước thương dân, bao dung độ lượng… chính là những chất liệu khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các thế hệ nhạc sĩ.
Và như thế, đề tài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dòng chảy của âm nhạc nước nhà hẳn sẽ còn được tiếp nối với những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ.