Tối ngày 7/6, tại Trường Quân sự Quân khu 4, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Sở GD&ĐT, báo Tiền phong tổ chức lễ phát động cuộc thi viết “Thư gửi mẹ hiền”.
Chủ đề cuộc thi nhằm hướng đến những câu chuyện kể cảm động thiêng liêng về tình mẫu tử. Từ đó, giúp học sinh bậc học phổ thông có cơ hội rèn luyện phát huy kỹ năng viết, phát ra hiện những “Cây bút tuổi hồng”; đồng thời, khơi dậy lòng hiếu thảo của các em về công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố, mẹ và gia đình. Từ những câu chuyện cảm động và có thật ấy, cộng đồng xã hôi cùng biết đến, cảm thông, chia sẻ, và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
“Với ý nghĩa ấy, ban tổ chức mong muốn xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường, giúp các em học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, mà còn khơi dậy chữ hiếu, nhân văn trong nhà trường”, anh Dương Hoàng Vũ – Phó bí thư tỉnh đoàn Nghệ An phát biểu.
Tại buổi lễ phát động, cô Nguyễn Thi Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An xúc động đọc 2 bài thơ về mẹ là bài Mẹ ốm (Trần Đăng Khóa) và bài Khóc giữa chiêm bao (Vương Trọng), và có những trải lòng với các em học sinh đang học ở bậc phổ thông:
“Tình cảm yêu thương đối với ông bà, cha mẹ, người thân không phải chỉ đến khi phát động cuộc thi các em mới có, nhưng cuộc thi chính là động lực để các em nói lên suy nghĩ của mình.
Những lá thư sẽ là nơi các em giãi bày những tâm sự thầm kín, những yêu thương tha thiết, lời xin lỗi và cảm ơn, hay cả ước mong với cha mẹ, người thân, bạn bè… mà trong cuộc sống thường ngày các em ngại ngùng không dám nói thành lời”.
Ngay trong dịp lễ phát động, “đêm yêu thương viết thư gửi mẹ” cũng đã được tổ chức cho 350 chiến sĩ đang tham gia học kỳ quân đội tại trường quân sự QK 4. Với nhiều em học sinh, đây là lần đầu tiên xa nhà, lần đầu tiên sống cuộc sống tập thể với kỷ luật, kỷ cương quân đội…
Những cảm xúc trộn lẫn khiến chính các em cũng không lý giải nổi, chỉ biết òa khóc nức nở khi nhắc về mẹ cha, về gia đình, về những vất vả lo lắng và hi sinh suốt của cuộc đời của bậc sinh thành đã dành cho các em.
Những câu chuyện “của riêng mình” được các em gói ghém trong tờ giấy học trò ướt nhem nước mắt, gấp lại và gửi về cho gia đình. Với nhiều em học sinh, đây là những lá thư tay đầu tiên trong cuộc sống hiện đại có quá nhiều phương tiện kết nối: điện thoại, mạng Internet… Nhưng cái phương thức liên lạc cổ điển này chính là “một khoảng lặng” để các em kịp nhớ nhà, nhớ cha mẹ, kịp trân trọng những yêu thương tưởng chừng hiển nhiên mà vô giá, kịp chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Tại lễ phát động, Ban tổ chức cũng đã trao quà cho 24 tiểu đội chiến sĩ nhí, và suất học bổng trị giá 3 triệu đồng cho trường hợp em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le không còn cả bố lẫn mẹ.