Theo truyền thông Indonesia, đây là trường hợp xảy ra tại một ngôi làng ở phía đông Java nước này. Người phụ nữ trẻ 21 tuổi có tên Dina Oktavia đã bị chồng bỏ rơi ngay sau khi cô hạ sinh ra đứa con trai đầu lòng bị dị tật.
Cuộc sống hiện tại của đứa trẻ dị tật và người mẹ vô cùng khó khăn nhưng may mắn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng.
Trước đó, Dina và chồng có hẹn hò với nhau một thời gian khá dài trước khi tiến tới hôn nhân. Mặc dù vậy, gia đình nhà trai chưa bao giờ đồng ý với đám cưới này mặc dù cặp đôi trẻ đã cố gắng thuyết phục gia đình nhiều lần. Phải tới khi cô gái trẻ lỡ mang bầu mới được mẹ chồng đồng ý cho làm đám cưới và miễn cưỡng chấp nhận cô làm dâu con trong nhà.
Vì không được sự chấp thuận của mẹ chồng nên Dina luôn sống trong nỗi lo lắng, chờ ngày con trai chào đời và cô hy vọng con trai sẽ là sợi dây gắn kết gia đình. Tuy nhiên không may mắn là bà mẹ trẻ lại hạ sinh một em bé bị dị tật, em bé không chỉ bị sứt môi mà còn bị tràn dịch não.
Mặc dù Dina vô cùng đau buồn nhưng đau đớn hơn nữa là người chồng cô đã lập tức làm thủ tục ly hôn sau khi nhìn thấy con trai bị dị tật.
Không chỉ bị chồng phản bội, Dina cũng không được nhận làm con dâu, em bé cũng không được nhận làm cháu nội của gia đình chồng nữa. Ngay sau khi sinh con cô đã phải rời khỏi nhà chồng và thuê một căn phòng ngủ chỉ vỏn vẹn 12 mét vuông để ở.
Ngay khi câu chuyện của bà mẹ trẻ này được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự chú ý, quan tâm của cộng đồng mạng và các nhà hảo tâm.
Hiện tại, các nhà tài trợ đã hỗ trợ cô sửa lại căn phòng trọ sạch sẽ hơn và hỗ trợ tiền viện phí để em bé được phẫu thuật não. Sức khỏe của em bé sau ca phẫu thuật cũng đã có tiến triển tốt.
Rất nhiều người cũng đã bày tỏ thái độ về người chồng của Dina. Hầu hết mọi người đều lên án người đàn ông không xứng đáng làm chồng, làm cha.
“Em bé là máu mủ mà lại dứt ruột bỏ rơi ngay khi con vừa chào đời, thật quá nhẫn tâm”, “Tôi không thể tin nổi sao có một người bố như vậy?”, “Vào tình huống này, người cha phải đứng ra lo chữa trị cho con chứ, đằng này người đàn ông đó lại đuổi 2 mẹ con họ đi, thực sự quá tàn nhẫn”…
Các nhà hảo tâm đến giúp đỡ mẹ con Dina Oktavia.
Những nguyên nhân gây ra dị tật thai nhi
Sinh ra một em bé dị tật là điều không ai mong muốn, vậy nhưng bạn có biết đâu là những nguyên nhân khiến thai nhi bị dị tật?
Thai nhi mắc dị tật do di truyền từ cha mẹ
Khi cha mẹ mang gen di truyền có biểu hiện hoặc khỏe mạnh nhưng trong gia đình có tiền sử dị tật bẩm sinh. Người mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non, thai dị dạng... thì khả năng cao cho thấy những bất thường về di truyền và có rất nhiều khả năng di truyền những bất thường đó cho thai nhi.
Mẹ mang thai khi đang bị bệnh
Việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là cực kỳ quan trọng. Dựa trên tình hình sức khỏe cũng như bệnh tật của người mẹ mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho thai kỳ khỏe mạnh "mẹ tròn con vuông".
Nếu bỏ qua bước khám thai kỳ quan trọng này, mẹ vẫn mang thai dù đang mắc bệnh rubella, viêm gan siêu vi, viêm thận…, rủi ro sảy thai, sinh non, thai thết lưu hoặc dị tật thai nhi là rất dễ xảy ra.
Mang thai khi cha mẹ đã lớn tuổi
Theo nghiên cứu và thống kế thì những phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên và những người cha từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ sinh con mắc những hội chứng dị tật bẩm sinh cao hơn những người ít tuổi hơn.
Đối với người cha, từ 50 tuổi trở lên mặc dù vẫn còn khả năng sản sinh tinh trùng nhưng ở độ tuổi này, tinh trùng cũng dễ bị lỗi dẫn đến những bất thường gây nên bệnh di truyền cho thai nhi.
Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ được sinh ra khi người cha từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc chứng tự kỷ cùng những chứng bệnh khác như suy yếu não, chỉ số IQ thấp,… cao gấp 6 lần so với những người cha sinh con trong độ tuổi 30.
Do ở độ tuổi cao, trứng và tinh trùng thường không còn được đảm bảo, trong quá trình phân chia nhiễm sắc thể dễ xảy ra lỗi dẫn đến những bất thường về di truyền – nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi với những hội chứng dị tật bẩm sinh thường gặp như: Down (Trisomy 21), Edwards (Trisomy 18), Patau (Trisomy 13), các bất thường nhiễm sắc thể giới tính: Turner, Klinefelter, Jacobs... được phát hiện trong quá trình thăm khám và siêu âm dị tật thai nhi.
Mẹ tự ý sử dụng thuốc khi mang bầu
Khi nào có những dấu hiệu bị ho, cảm xúc, viêm họng hay sốt khi đang mang thai thì mẹ bầu đều nên đi thăm khám để được điều trị và uống thuốc an toàn. Uống thuốc không chỉ định của bác sĩ có thể tác động rất xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Đặc biệt nghiêm trọng nhất là nguy cơ dị tật bẩm sinh. Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý uống thuốc trong thai kỳ mà không được sự cho phép của bác sĩ.
Nếu mẹ bầu đang sử dụng thuốc để chữa bệnh tim, chống ung thư, thuốc thần kinh… thì không nên thụ thai bởi những loại thuốc này có thể gây chứng rối loạn kinh nguyệt. Điều đó làm ảnh hưởng đến sự rụng trứng cũng như chất lượng trứng.