Vợ chồng và nghệ thuật “nói thẳng“

Có một thực tế rất đáng buồn là nhiều cặp vợ chồng vì không bao giờ đối diện với vấn đề gặp phải hàng ngày một cách thẳng thắn, mà chỉ nói vòng vòng, nói bóng nói gió, nói xa nói gần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều đó dẫn đến có những cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm nhưng vợ chồng dường như không hiểu nhau trọn vẹn, cứ hục hặc những chuyện không đâu vào đâu.

Nhưng nói thẳng thắn vào những vấn đề hai vợ chồng đang gặp phải như thế nào cho đúng cách cũng là một nghệ thuật. Nói thẳng thắn khác hẳn với sự sỗ sàng, nói bỗ vào mặt, nặng nề và gây tổn thương người bạn đời của mình.

Một khi đã là vợ chồng thì dĩ nhiên phải đối mặt với rất nhiều vấn đề diễn ra hàng ngày: công việc, con cái, quản lý tài chính chi tiêu, cha mẹ gia đình hai bên, thói quen tính cách khác biệt.. 

Nói chuyện thẳng thắn như thế nào để cả hai vợ chồng hiểu nhau một cách chính xác, đi đến giải quyết vấn đề rốt ráo, giữ được cuộc sống đượm nồng ít tranh cãi., tin tưởng nhau.. chính là nghệ thuật sống mà cả hai vợ chồng cần hướng tới.

Có vài nguyên tắc cơ bản khi cần trao đổi thẳng thắn trong hôn nhân như sau:

Chọn thời điểm thích hợp khi nói

Nhiều người vợ “thẳng thắn” đến mức chồng vừa từ công sở bước vào nhà trong trạng thái mệt mỏi, bơ phờ đã lao ra cửa phàn nàn đủ thứ chuyện con cái, tiền bạc. 

Như thế chắc chắn sẽ thất bại vì người chồng sẽ chẳng tiếp thu được chút vấn đề gì từ người vợ hoặc tiếp thu trong trạng thái bực bội, thiếu tỉnh táo để phân tích vấn đề.

Có những người chồng cũng chọn lúc vợ đang vất vả trong bếp núc, chạy vào chê bai hoặc góp ý việc này việc nọ. Hoặc khi vợ đang cáu giận vì con không ngoan, lại thêm thắt những ý kiến tiêu cực.. Hiệu quả của những lúc trao đổi như vậy phần lớn sẽ thất bại.

Nhìn chung, không trao đổi vấn đề riêng của gia đình khi có người khác xung quanh, trong những dịp vui như hội họp gia đình, đi du lịch cùng cơ quan, trong lúc cơ thể mệt mỏi vì công việc. 

Thời điểm thích hợp nhất là vào dịp cuối tuần, khi vợ chồng cùng nhau thức dậy muộn một chút.

Hoặc trước giờ đi ngủ khoảng 30 phút, khi cơm nước đã xong, cơ thể trong trạng thái thư giãn, hoặc khi dạo bộ cùng nhau.

Tốt nhất là cả hai nên làm “cuộc hẹn” để nói chuyện. Chẳng hạn: “Tối nay em muốn trò chuyện với anh vấn đề này”.. Hay: “Sáng mai lúc ăn sáng anh muốn bàn chuyện này với em..”.

Những điều cần tránh khi trò chuyện thẳng thắn

Bắt đầu câu chuyện không nên “đao to búa lớn”, nên bắt đầu từ những vấn đề nho nhỏ, những câu nói thân thiện, tình cảm, chân thành.

Không kêu gào khóc lóc khi không vừa ý, cũng không mỉa mai cay độc để bày tỏ sự không hài lòng. Luôn ghi nhớ người đang trò chuyện với mình là chồng, là vợ, là người bạn đời chung sống dưới một mái nhà.

Không buộc tội, không khẳng định cái tôi của mình quá lớn, như: “Từ đầu tôi đã biết là anh kém rồi”, hay: “Cô đúng là chẳng làm nên tích sự gì..”. Khi thiếu kiểm soát mà thốt ra những lời nói như vậy, buổi trò chuyện chắc chắn sẽ đi đến thất bại.

Cần phải luôn kiểm soát cảm xúc thật tốt

Điều quan trọng nhất để giữ hòa khí trong gia đình là cả hai bên vợ và chồng đều phải học cách kiểm soát các cảm xúc của mình trong mọi trường hợp. Khi có con cái thì điều này còn quan trọng hơn nữa. 

Trong các cuộc trò chuyện, đặc biệt là khi “động chạm” đến những vấn đề nhạy cảm như tiền bạc, nghi ngờ về kẻ thứ ba.. thì việc kiểm soát cảm xúc phải tốt.

Trong lúc trò chuyện khi thấy xung đột bắt đầu nảy sinh thì có thể tạm dừng, đợi khi bình tĩnh rồi tiếp tục.

Khi vấn đề đã giải quyết xong thì nên bỏ qua một bên, tránh nhắc đi nhắc lại, gây khó chịu. Nên đề cao tinh thần xây dựng khi thảo luận cùng nhau, như thế thì kết quả cuộc trò chuyện mới dẫn đến những sự thống nhất giữa vợ và chồng.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ